Đến thời điểm này, hầu hết mọi người đều cho rằng Apple sẽ vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi thiếu vắng sự dẫn dắt của Steve Jobs. Hoặc chí ít là Apple vẫn sẽ đi đúng quĩ đạo đến hết vòng đời iPhone 5 và iPad 3 cũng như các sản phẩm đã được thiết kế xong dưới triều đại của Steve Jobs và giờ đây chỉ còn chờ ngày lên kệ.
Thế nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, khi 1 công ty thiếu vắng người sáng lập, nhất là các công ty trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi yếu tố tầm nhìn và sáng tạo, thường lâm vào tình trạng mất phương hướng và thậm chí là xuống dốc trầm trọng. Dường như người sáng lập của 1 công ty là nhân viên mà vĩnh viễn không có bất kỳ ai thay thế được, vì nói cho cùng, tất cả mọi doanh nghiệp đều ra đời từ hoài bão của người sáng lập.
Tất nhiên việc người sáng lập ra đi không phải là "bản án tử", nhiều doanh nghiệp vẫn đi lên mạnh mẽ sau ngày chia tay người sáng lập. Tuy nhiên có 1 điều chắc chắn đó là những công ty như thế sẽ chịu ảnh hưởng, không ít thì nhiều, từ việc mất đi 1 trong những nhân viên chủ chốt. Hãy cùng điểm mặt 10 công ty "tụt dốc không phanh" sau khi những thành viên sáng lập rũ áo ra đi.
1. Microsoft
Nhiều người phải thốt lên: "Giá như còn Bill Gates..."
|
|
Không có ví dụ nào hoàn hảo hơn Microsoft khi nói tới sự xuống dốc của 1 công ty lúc thiếu vắng người sáng lập. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Microsoft là một trong những công ty "bất khả chiến bại" trên thị trường. Windows được sử dụng trong trên 95% máy tính cá nhân toàn cầu, Microsoft Office là bộ công cụ "gối đầu giường" của tất cả các doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân. Không một ai nghĩ rằng chỉ sau 10 năm vắng mặt Bill Gates, Microsoft lại bị Apple vượt mặt và bỏ lỡ hầu hết những xu hướng "ăn tiền" nhất của thị trường tiêu dùng như Tablet, Smartphone...
Thật khó có thể tưởng tượng được rằng Microsoft lại bỏ lỡ cơ hội khai mở thị trường máy tính bảng khi mà Bill Gates đã nhắc tới triển vọng phát triển của tablet từ cách đây 15 năm. Rất nhiều người quan tâm đến Microsoft đều cảm thấy nuối tiếc về sự ra đi của Gates, chắc chắn 1 điều rằng nếu Gates còn tại vị ở Microsoft, bộ mặt thế giới công nghệ giờ đây chắc chắn sẽ khác biệt rất nhiều.
Tuy nhiên sự thực vẫn luôn phũ phàng, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Microsoft sẽ tiếp tục tụt dốc sâu hơn trong những năm tới nếu như không tìm được 1 chiến lược đúng đắn.
2. Twitter
|
Twitter vẫn đang phải tìm cách kiếm tiền, nhưng giờ đây hướng đi đã rõ ràng hơn khi người sáng lập trở về
|
Jack Dorsey được nhắc đến là người đưa ra ý tưởng đầu tiên mạng xã hội Twitter. Và khi Dorsey nắm quyền CEO năm 2007, MXH này gặt hái được nhiều sự bùng nổ về số lượng người sử dụng. Năm 2008, khi Dorsey rời chiếc ghế CEO của Twitter, lập tức công ty này lâm vào tình trạng "có tiếng mà không có miếng". Mặc dù số lượng người sử dụng có lúc lên tới trên 200 triệu nhưng Twitter vẫn không thể tìm được cách thương mại hóa.
2010, Dick Costolo, CEO mới của Twitter mời Dorsey trở lại làm việc và sau đó Twitter lại có được những bước tiến xa hơn với một vài tính năng mới và bản hợp đồng ký với Apple để đưa Twitter tích hợp vào iOS 5, qua mặt Facebook.
3. Intel
Andy Grove là 1 trong 3 đồng sáng lập Intel năm 1968 cùng với Gordon Moore và Robert Noyce. Nắm giữ cương vị CEO từ 1987 đến 1997, ông nâng giá trị của Intel lên đến 40 lần (từ 4 tỉ USD lên 160 tỉ USD). Ông này rất nổi tiếng với phong cách quản lý rất thoáng, khuyến khích các kỹ sư của Intel thử nghiệm và sẵn sàng thay đổi. Ông từng nói với nhân viên dưới quyền rằng: "Chỉ có những người "khùng" mới tồn tại được".
Ông rời bỏ chiếc ghế chủ tịch năm 2005, và từ đó giá trị cổ phiếu của Intel gần như đóng băng, còn có xu hướng giảm. Intel phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ARM và sự phát triển của các thiết bị di động vốn không ưa dòng x86 của Intel. Apple, 1 công ty chuyển sang sử dụng CPU Intel trên các sản phẩm PC của mình giờ đây cũng rục rịch muốn đổi sang ARM.
4. Palm
Jeff Hawkins đã sáng tạo ra HĐH PalmOS sử dụng trên chiếc PDA thành công nhất thập kỷ 90: Palm Pilot. Năm 1998, Hawkins cùng với 2 đồng sáng lập Palm là Donna Dubinsky và Ed Colligan rời bỏ Palm để thành lập Handspring. Thời điểm đó, Palm cũng cho ra được đôi dòng thiết bị khá thành công trong khoảng 5 năm đầu thế kỷ 21. Nhưng rồi iPhone ra đời và Palm nhanh chóng đi vào dĩ vãng cuối cùng phải bán lại cho Hewlett-Packard (HP) Với giá 1,2 tỉ USD năm 2009.
5. Danger
Andy Rubin sáng lập ra Danger năm 2000 với mục đích biến điện thoại di động thành những chiếc máy tính bỏ túi. Thiết bị đầu tiên của Danger là HipTop khá thành công vì thiết kế độc đáo và trở thành 1 trào lưu trong giới trẻ cũng như là 1 sản phẩm ưa thích của các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc. Năm 2003 Rubin bị đuổi khỏi Danger vì hội đồng quản trị muốn có 1 người quản lý Danger hiệu quả hơn. Andy Rubin sau đó lại sáng lập ra Android Inc. và đặt nền móng cho sự phát triển của HĐH Android.Năm 2005, Google mua lại Android Inc. và từ đó Rubin về dưới trướng của Google.
Dưới bàn tay dẫn dắt của ông, Android đã đạt được vị trí là HĐH smartphone lớn nhất trên thế giới. Về phần Danger số phận của công ty này khá thê thảm vì những sản phẩm HipTop đời sau thiếu sáng tạo và cuối cùng Danger phải bán mình cho Microsoft với 1 cái giá rẻ mạt : 500 triệu USD. Cuối cùng ở Microsoft các nhân viên cũ của Danger được giao cho phát triển Kin, 1 chiếc điện thoại nắm giữ thời gian có mặt trên thị trường ngắn kỷ lục: Chỉ 48 ngày.
6. Yahoo
Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo có thể đã rất sai lầm khi không chịu bán lại công ty này cho Microsoft khi gã khổng lồ phần mềm ra giá 40 tỉ USD vào năm 2008. Sau vụ suy thoái 2008, các cổ đông Yahoo tức giận buộc Jerry Yang phải thoái vị. Tuy nhiên sự ra đi của Yang chỉ đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu của Yahoo tiếp tục chìm nghỉm. Từ chỗ là 1 đại gia Internet, Yahoo đang đánh mất dần vị thế của mình trên thị trường, tất nhiên suy thoái kinh tế và các đối thủ cạnh tranh như Google, Microsoft đã khiến Yahoo chật vật tồn tại. Tuy nhiên rõ ràng sự ra đi của Jerry Yang cũng đã để lại những hậu quả rất xấu cho Yahoo.
7. Apple
Và tất nhiên không thể không nhắc tới việc sự ra đi của Steve Jobs đã ảnh hưởng như thế nào lên Apple vào những năm giữa thập niên 80. Từ vị trí 1 công ty dẫn đầu về sản xuất máy tính cá nhân, Apple đã dần thụt lùi và ngấp nghé bên bờ vực phá sản chỉ sau 10 năm thiếu vắng bàn tay nhạc trưởng Steve Jobs. Steve Jobs trở về Apple năm 1997 và phần còn lại có lẽ chẳng ai còn lạ lùng gì.
(theo GenK)