Buổi sáng thứ ba cuối tháng 9-2011, Nguyễn Quang Trung đến Trường trung cấp nghề Việt Giao (Q.10, TP.HCM) để học nghiệp vụ nhà hàng khách sạn. Buổi học hôm ấy, chàng cử nhân ĐH chính quy loại khá ngành VN học Trường ĐH An Giang cùng các học viên của lớp thực hành sắp xếp bàn tiệc Á, Âu.
“Thừa thầy không ra thầy”
Tiến sĩ Phạm Thị Ly cho rằng việc quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực không tốt dẫn đến vấn đề tồn tại trong xã hội là thừa thầy thiếu thợ.
“Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý ở đây là thừa thầy thiếu thợ nhưng thầy lại không ra thầy. Đến khi thầy không tìm được việc làm buộc phải quay trở lại các trường nghề - học ở bậc thấp hơn - để làm thợ.
Thực tế cuộc sống đang điều chỉnh việc ai cũng muốn làm thầy, không màng làm thợ nên không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Nền kinh tế chỉ cần một người thầy, 10 người thợ chứ không phải ngược lại. Nếu như xã hội làm tốt việc định hướng, tổ chức phân tầng khuyến khích học nghề ngay từ đầu sẽ không phí thời gian, tiền bạc của bản thân người học, gia đình, xã hội để học ĐH rồi phải quay lại học nghề”.
|
|
Học xong rồi học lại
Chàng trai quê ở Thoại Sơn, An Giang này cho biết bạn trúng tuyển vào ngành VN học Trường ĐH An Giang năm 2007. Sau bốn năm học, Trung mang hồ sơ lên TP.HCM xin việc với hi vọng sẽ phụ giúp được cha mẹ. Ba tháng trôi qua, 10 bộ hồ sơ mang theo Trung đã “rải” gần hết nhưng đến nay vẫn phải nhận “trợ cấp” từ gia đình.
“Quá thiếu thốn, mình nộp hồ sơ xin làm phục vụ ở một khách sạn bình thường nhưng phỏng vấn xong người ta lại lắc đầu - Trung bộc bạch - Họ nói thẳng ở đây không cần người tốt nghiệp ĐH, chỉ cần những người thạo nghề. Họ cũng nói muốn tìm người làm việc lâu dài, những người tốt nghiệp ĐH làm được ít hôm, thấy chỗ tốt hơn là “bay mất” nên phải tuyển lại”. Thực tế phũ phàng đó khiến Trung quyết định “đầu tư” một khóa học nghề với ý nghĩ sẽ dễ xin việc hơn.
Trung cho biết một người bạn của mình rơi vào tình cảnh tương tự cũng đang “làm lại” với nghề bếp. Trường hợp khác là bạn Trần Minh Triết, tốt nghiệp ngành điện tử Trường ĐH Hồng Bàng, “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi không thấy hồi âm cũng theo học một khóa đào tạo nghề cơ điện tử ngắn hạn tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM).
Lãnh đạo, giảng viên một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM cho biết trước đây trình độ của học viên trường nghề thường là tốt nghiệp THCS, THPT thì nay có cả cử nhân ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Trần Dũng - phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Việt Giao - cho biết các khóa đào tạo nghề bếp, phục vụ nhà hàng - khách sạn ở trường khóa nào cũng có cử nhân theo học.
“Nhiều bạn thủ sẵn chứng chỉ nghề khi còn là sinh viên và cũng có người tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, kỹ thuật, ngoại ngữ, văn hóa... không tìm được việc đành quay lại học nghề”- ông Dũng cho hay.
Tương tự, tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, thầy Trần Văn Hiếu - giáo viên trung tâm cơ điện tử - cho biết khóa đào tạo ngắn hạn cơ điện tử tại trường có 80% là sinh viên các trường ĐH, CĐ muốn nâng cao tay nghề và những bạn đã tốt nghiệp ĐH, CĐ không xin được việc quay lại học thêm để lấy chứng chỉ.
Ngoài ra, tại một số cơ sở đào tạo nghề khác như Trường trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, lãnh đạo nhà trường cũng cho biết có nhiều cử nhân ĐH, CĐ theo học các khóa ngắn hạn về cơ điện tử, kế toán và nghiệp vụ du lịch.
Hệ quả của đổ xô đi học ĐH
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy khóa đào tạo nghề cơ điện tử tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, thầy Trần Văn Hiếu cho biết có những cử nhân mới ra trường theo học nhưng hổng kiến
thức nghiêm trọng. “Đi xin việc không nơi nào nhận nên họ chấp nhận học nghề lại - thầy Hiếu nói - Nhiều người đã tốt nghiệp ĐH tâm sự rằng họ không biết gì và sẵn sàng học lại như một công nhân đi học nghề. Có người thẳng thắn thừa nhận nhiều môn học ở ĐH họ không hiểu nhưng cũng được trường cho qua, đến khi làm luận văn tốt nghiệp thì... thuê người khác làm”.
Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Thanh Vũ (Trường trung cấp nghề Việt Giao) cho rằng hiện nhà tuyển dụng chỉ ưu tiên tuyển những người thợ có thể làm việc ngay, chứ không chọn người tốt nghiệp ĐH, CĐ.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly - Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc cử nhân phải vào trường nghề học lại xuất phát từ hai nguyên nhân: đào tạo ĐH không có chất lượng và quy hoạch tổng thể chưa tốt dẫn đến lượng cử nhân quá nhiều. Ngoài ra, theo tiến sĩ Ly, cử nhân buộc phải quay trở lại trường nghề là hệ quả của việc đổ xô đi học ĐH, mà học lại không có chất lượng.
Nhận định về vấn đề trên, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho rằng đó là “lỗi do ngành giáo dục và ở cả những người không có năng lực lắm cũng cố lấy cho được bằng ĐH, CĐ”.
GS Thiệp nói: “Yếu kém của nhiều trường ĐH là chương trình đào tạo chưa rõ ràng về sinh viên ra trường làm gì, không thiết kế chuẩn đầu ra như chương trình, môn học như thế nào, dạy ra sao, bao nhiêu phần lý thuyết, bao nhiêu phần thực hành... nên người học cứ loay hoay khi ra trường”.
Cử nhân Bùi Văn Phai (phải) bán vé số tại khu vực cây xăng Bình Thọ (Q.Thủ Đức) trưa 2-11 - Ảnh: H.Bình
|
|
Đi bán vé số
Tốt nghiệp ngành kế toán loại trung bình khá một trường CĐ (hiện đã lên ĐH) tại TP.HCM nhưng hiện Bùi Văn Phai phải... đi bán vé số để mưu sinh. Ba tháng nay, mỗi ngày “địa bàn” hoạt động của chàng cử nhân cao đẳng này là ở các quán cà phê, quán ăn tại khu vực đường Thống Nhất, cây xăng Bình Thọ (Q.Thủ Đức), đường Lê Văn Việt, ngã tư Bình Thái (Q.9, TP.HCM).
“Mỗi ngày mình bán được 100 vé, lời được 114.000 đồng, cũng tạm chi tiêu để chờ xin việc tiếp. Hôm nào bán không hết, trả lại không kịp cho đại lý, phải “ôm” vé là coi như làm không công” - Phai kể.
Nhận bằng tốt nghiệp đầu tháng 11-2010, chàng cử nhân quê Lâm Đồng cho biết đã nộp khoảng 30 hồ sơ xin việc nhưng chưa nơi nào nhận.
|
Hà Bình
(theo báo Tuổi Trẻ)