Những con số đẹp của doanh nghiệp phần mềm
Những khó khăn phát sinh từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến rất nhiều doanh nghiệp lao đao. Tính riêng tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đã có 26.340 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong tháng 6/2012 đã có 4.110 công ty tuyên bố phá sản hoặc ngưng hoạt động, trong đó có 610 công ty bị giải thể. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định suy thoái kinh tế còn tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ rất vất vả để chống chọi với những khó khăn, thách thức từ khủng hoảng.
Trong bức tranh ảm đạm ấy, các doanh nghiệp phần mềm lại trở thành một mảng màu sáng khi những con số thống kê về doanh thu, lợi nhuận từ đầu năm 2012 của họ vẫn trên đà tăng trưởng khá tốt.
Tính đến hết tháng 9/2012, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với cùng kỳ 2011. Dự kiến năm 2012, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng 30% so với 2011. Công ty Vnext Software chuyên gia công phần mềm cho duy nhất thị trường Nhật Bản cũng tăng trưởng doanh thu tới 30 - 40% so với cùng kỳ. Mảng gia công phần mềm của CMC Soft tăng trưởng doanh thu 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Nhà thông minh SmartHome (một công ty con của “đại gia” phần mềm bảo mật Bkav) với mảng sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị gia dụng thông minh cũng hoàn tất mục tiêu bắt buộc phải đạt đã đề ra từ đầu năm, doanh thu so với năm ngoái tăng trưởng khoảng 1,5 tới 2 lần.
Trong cái khó vẫn "ló" nhiều cơ hội
Chia sẻ với phóng viên ICTnews, ông Trần Vũ Việt Anh, Giám đốc khối Gia công phần mềm CMCSoft cho biết, suy thoái kinh tế có cả tác động tích cực và tiêu cực tới hoạt động gia công phần mềm. Về mặt tiêu cực thì nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài đã phải đóng cửa, giảm chi phí và dự án thuê ngoài (outsource), phần nào ảnh hưởng tới sự tăng trưởng doanh thu của công ty.
Đồng thời, suy thoái cũng đem lại thêm nhiều cơ hội mới bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước đây thường tự đầu tư, chi rất nhiều tiền để phát triển phần mềm, giờ đã nghĩ đến chuyện tăng cường outsource để giảm chi phí. Hiện nay, một số nước như Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc có giá gia công phần mềm cao hơn Việt Nam tương đối nhiều, vì thế doanh nghiệp ở một số khu vực khác đang chuyển hướng nhu cầu đặt hàng gia công phần mềm sang Việt Nam.
“Giữa bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều khách hàng cũ của CMCSoft đã giao thêm nhiều việc hơn cho CMCSoft, đặc biệt là mảng gia công các dịch vụ theo hướng thiết bị di động”, ông Việt Anh cho biết thêm. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tất Đắc, Tổng Giám đốc Công ty VNextSoftware nhận xét: “Khi đường đồ thị về tăng trưởng kinh tế đi xuống thì đường đồ thị tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp phần mềm lại đang đi lên”.
Với VNextSoftware, ông Đắc cho biết công ty sẽ tập trung sâu vào mảng phát triển phần mềm chăm sóc khách hàng (CRM), số lượng khách hàng Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng mạnh, cơ hội việc làm rất nhiều, chỉ sợ không đủ sức hoặc không đủ cảm hứng để làm.
Suy thoái kinh tế không chỉ đem lại cơ hội từ phía thị trường khách hàng nước ngoài, mà cả từ phía thị trường trong nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Nhà thông minh SmartHome: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng để ý hơn tới câu chuyện giá cả. Nếu trước đây khách hàng sẵn sàng chi mạnh để đầu tư mua sắm các thiết bị ngoại nhập đắt tiền thì bây giờ để ý hơn tới những mặt hàng nội địa có chất lượng tương đương mà giá mềm hơn. Mấy năm trước, khách hàng của SmartHome chủ yếu là những hộ gia đình nhỏ lẻ nhưng sang năm nay rất nhiều khách hàng là chủ của các dự án lớn như cao ốc, tòa nhà cũng tìm tới để mua những sản phẩm SmartHome có giá chỉ bằng 40 - 50% giá của các sản phẩm nhập ngoại, thậm chí còn rẻ hơn cả hàng Tàu”.
“Chính sự đầu tư bền vững theo mục tiêu đường dài cả về cơ sở vật chất, con người đã giúp Bkav SmartHome không bị "rung lắc", ảnh hưởng quá từ suy thoái kinh tế”, ông Hùng bật mí.
Xuân Bách
Theo ictNews.vn