Với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các diễn giả có uy tín trong lĩnh vực Công nghệ thông tin: Ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc FSOFT; ông Lê Quang Lương, Giám đốc điều hành công ty phần mềm Luvina; ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain – Aptech; buổi tọa đàm đã đem đến cho các bạn học viên Aptech nói riêng và các sinh viên ngành Lập trình nói chung cái nhìn đa chiều, thẳng thắn và đúng đắn về Lập trình, từ đó đưa ra những đóng góp để cải thiện cả về lượng và chất của nguồn nhân lực Công nghệ thông tin trong tương lai.
Tuyển sinh đầu vào vẫn gặp nhiều khó khăn
Qua nhiều năm đào tạo, nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin vẫn thiếu và yếu ngay từ đầu vào. Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Hồng Hải cho biết chính những nhận thức sai lầm về học tập và công việc của những người trẻ và gia đình họ đã đưa đến hệ quả này. Theo kinh nghiệm của một người có nhiều năm làm công việc đào tạo tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin, ông Hải cho rằng nguyên nhân nằm ở “Văn hóa bằng cấp” quá nặng nề ở Việt Nam. Người ta vẫn coi trọng việc thi đỗ đại học, có bằng cấp chính quy hơn là học được những gì và ra trường làm được việc gì. Học ở các trường đại học chính quy, bên cạnh những kiến thức chuyên ngành, các bạn còn dành khá nhiều thời gian cho các môn đại cương, kiến thức căn bản, tư duy trừu tượng. Việc học chuyên sâu, làm việc thực tế và cập nhật công nghệ hiện đại còn bị hạn chế, dẫn đến nhân lực đào tạp ra không theo kịp nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, Aptech lại đáp ứng cho học viên những kiến thức thực tế, đào tạo kỹ năng mềm phong phú, cơ hội thực tập và làm việc tốt hơn với 800 giờ học chia đều cho kiến thức và thực hành. Nhưng có 1 thực tế là Aptech hiếm khi là lựa chọn đầu tiên và ưu tiên của người trẻ. Ở Aptech thường xuyên đón nhiều học viên đang học đại học chính quy, học vừa kết thúc đại học chính quy tới học thêm để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thiếu hụt.
Mặc dù học ở Aptech ra trường sẽ có bằng cấp quốc tế song vẫn rất nhiều người không lựa chọn vì nhìn thấy con số học phí 56 triệu cho 1 khóa học 2 năm là quá cao. Nhưng theo ông Hải, tính toán sâu sắc hơn thì đó không phải là cái giá quá đắt đỏ. Nếu nhìn nhận thẳng thắn, với những kiến thức thực tế và chuyên sâu các bạn học được trong thời gian 2 năm thì cái giá ấy là quá rẻ nếu đem so sánh với 4, 5 năm học đại học chính quy. Vậy, nhận thức đúng đắn ngay từ đầu người học sẽ không bị phí phạm thời gian và tiền bạc.
Chủ động nắm lấy cơ hội
Nói về cơ hội thực tập cho sinh viên, ông Phan Phương Đạt cho biết: “Tháng 10 hàng năm, FSOFT luôn cung cấp rất nhiều khóa thực tập miễn phí cho những sinh viên năm cuối, con số lựa chọn lên tới vài trăm. Kết thúc quá trình này, những ứng viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của công ty sẽ được tuyển dụng trực tiếp và làm việc ngay”. Ông Đạt nhấn mạnh rằng cơ hội thực tập và làm việc trong ngành IT cho những người trẻ không thiếu, nhưng để được lựa chọn, đương nhiên bạn phải đáp ứng được những yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Vậy, vấn đề nằm ở chính các bạn, đã biết cách học tập, tích lũy đủ kiến thức và nắm bắt đúng cơ hội hay chưa.
Ở vị trí giám đốc điều hành, ông Lê Quang Lương khẳng đinh nhu cầu nhân lực chất lượng của thị trường ngành Công nghệ thông tin là rất cao, có đáp ứng được hay không phụ thuộc vào chính nguồn nhân lực. Trao đổi với thắc mắc của bạn Bùi Đình Thắng (sinh viên trường ĐH Điện lực – học viên Aptech) về những khó khăn của sinh viên ngành Lập trình mới ra trường gặp phải và cách khắc phục, ông Lương đã chỉ ra những điểm còn tồn tại ở những ứng viên đi tuyển dụng: Còn yếu về kiến thức thực tế, kỹ năng mềm hạn chế, ngoại ngữ yếu… Từ đó, ông Lương cũng gửi gắm tới các bạn sinh viên năm cuối một vài chú ý như: Chú trọng quá trình thực tập, xem xét khao khát nhân lực của đơn vị tuyển dụng ở ngành nào để ứng tuyển hợp lý, trang bị đủ kiến thức nền tảng khi còn đi học, liên tục cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tránh lạc hậu.
Nghề nào cũng cần đam mê để thành công
Đam mê, tình yêu nghề là điều được 3 diễn giả đặc biệt chú ý với các bạn học viên, sinh viên đang theo học ngành Lập trình. Theo các diễn giả, làm nghề nào cũng vậy, phải có đam mê bạn mới có niềm tin, có sự kiên trì để theo đuổi đến cùng nghề mình đã chọn. Đam mê sẽ giúp bạn có được sự yêu thích khám phá, sự chủ động thay đổi bản thân, trau dồi kiến thức của mình để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Nói về sự khó khăn trong học tập, sự vất vả áp lực khi làm nghề Lập trình mà đồng lương bèo bọt, đãi ngộ thấp, ông Đạt khẳng định, so với mặt bằng chung, mức lương khởi điểm 5 triệu đến 6 triệu cho 1 tháng với sinh viên mới ra trường, thì ngành Lập trình không phải là một nghề có đãi ngộ thấp. Trong quá trình làm việc, bạn hoàn toàn có cơ hội thăng tiến, thụ hưởng ưu đãi của công ty giúp bạn phát triển chuyên môn bản thân, với điều kiện bạn thể hiện được đam mê với ngành IT và tiềm năng phát triển của bản thân. Công ty nào cũng có những khoản đầu tư hợp lý để nhân viên phát triển thêm nghiệp vụ, tạo đà phát triển công ty.
Ngay cả đối với trường hợp nhân viên nữ trong môi trường Công nghệ thông tin, ông Lương cho biết công ty ông luôn cải thiện những gói dịch vụ tốt nhất dành cho phái nữ, tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất để họ phát triển. Vì thế, ở Luvina, tỷ lệ nhân viên nữ chiếm đến 2/5, hiệu quả làm việc không hề thua kém nhân viên nam. Đặc biệt, ông Lương nhấn mạnh, bên cạnh kiến thức chuyên môn, phái nữ còn rất nhiều điểm mạnh: khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, chịu lắng nghe, sự bình tĩnh,… Chính những yếu tố này lại giúp nhiều nhân viên nữ nhanh chóng nắm được cơ hội phát triển và thăng tiến khi làm nghề.
HOÀI THƯƠNG
Theo Sinh vien VN