PV: Vì sao anh lại đam mê hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp?
Tôi luôn ám ảnh làm thế nào để quốc gia được hùng mạnh. Điều này chiếm 90%-95% tâm trí của tôi, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhiều thách thức, nhiều đe dọa, điều đó vô cùng cần thiết.
Muốn quốc gia hùng mạnh, thì lực lượng thanh niên là rường cột, ngay tại thời điểm này họ quyết định sức mạnh quốc gia. Đó là lý do vì sao hơn 10 năm nay tôi đồng hành với thanh niên, hỗ trợ các bạn khởi nghiệp.
Tôi luôn nói với bạn trẻ, chúng ta phải đi tìm hiểu vì sao thất bại, vì sao thành công để đúc rút ra những công thức. Chúng ta đang có thời kỳ dân số vàng với lực lượng trẻ đông đảo.
Nhưng công tâm mà nói, các bạn là sản phẩm của nền văn hoá âm tính, thiếu hoài bão, thiếu khát khao, các bạn chỉ trỗi dậy khi có xâm lăng và ngộ nhận ở thời bình không cần tinh thần chiến binh. Điều quan trọng nữa, các bạn thiếu niềm tin lớn, thiếu động lực lớn đó là sức mạnh tinh thần.
Tôi cũng thấy ở bạn trẻ đang thiếu vắng quá nhiều tinh thần kinh doanh, văn hóa của mình không tự tôn tinh thần này. Có hoài bão, có niềm tin, có động lực là những sức mạnh tinh thần căn bản, nhưng thanh niên mình đang mắc kẹt cái đó.
PV: Hơn 10 năm đối thoại với thanh niên, anh thấy các bạn có thay đổi gì không?
Tôi thấy mình phải có trách nhiệm với thanh niên, truyền lại những kinh nghiệm có được để mong thanh niên mạnh mẽ hơn, có niềm tin và động lực, nhất là trong thời buổi có quá nhiều áp lực cạnh tranh và sự đe dọa của các quốc gia.
Chưa có một thống kê đầy đủ về sự thay đổi của thanh niên sau những cuộc đối thoại, nhưng tôi cảm nhận được sự chuyển biến từ các bạn. Nhiều bạn trẻ dành tình cảm cho tôi, họ viết thư cho tôi rằng tôi đã tiếp cho họ động lực, cảm hứng trong lúc họ khó khăn.
Nhiều người cảm ơn tôi vì đã cho họ sức mạnh tinh thần,... Các bạn đón nhận và lắng nghe bởi tôi xuất phát khởi nghiệp từ nhiều khó khăn nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh của các bạn, hơn nữa khi tôi đến từng trường đại học để nói chuyện, truyền cảm hứng, các bạn dành nhiều tình cảm và có niềm tin vào người đối thoại.
Tôi vẫn nói, thanh niên mình, không nghĩ gì xa xôi, quan tâm đến gia đình là trước nhất, đến ông bà, cha mẹ và thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách sống sao cho tốt nhất. Tôi nhận được nhiều thư của các bác tuổi 70, 80 mong muốn đóng góp ý tưởng, công sức giúp thanh niên.
Tôi nghĩ 10 năm không phải là dài, đó chỉ là tiến trình. Tôi muốn hoạt động đồng hành thanh niên khởi nghiệp trở thành một hệ thống, để giúp các em hiểu rõ quy trình thành công là thế nào, đừng thử sai khi khởi nghiệp. Sắp tới, tôi sẽ tập hợp một số thanh niên có khát vọng khởi nghiệp, có ý tưởng cụ thể để cùng làm với các em.
Có thể bây giờ là cá nhân tôi với T.Ư Đoàn xây dựng chương trình khởi nghiệp cho thanh niên, nhưng tôi vẫn mong muốn chính sách khởi nghiệp cho thanh niên phải là chính sách quốc gia và mong nhà nước coi trọng tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp. Có thể đưa vào trong giáo dục về văn hoá doanh nhân. Bây giờ tôi đang làm đơn lẻ, nhưng chỉ làm được khâu ngọn mà thôi.
Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi đối thoại với thanh niên cùng hướng nghiệp, khởi nghiệp.
PV: Như anh đã nói ở trên, cần phải có niềm tin để làm giàu, nhưng nhiều bạn vẫn nghĩ giàu có số?
Các bạn thường nghĩ nếu thành công là do số phận, do hoàn cảnh. Nhưng không phải vậy, vấn đề ở đây là nằm trong tư duy. Bản chất không phải ai sinh ra ở đâu, hoàn cảnh nào quan trọng mà điều quan trọng là anh muốn gì, nghĩ gì và cam kết làm gì cho điều muốn đó.
Có thể kể rất nhiều câu chuyện trên thế giới, những nhân tố ai cũng biết thành công lên nhờ xác định rõ điều quan trọng này.
Tôi chỉ cho các bạn cách phải đi như thế nào, dù là lờ mờ thôi, nhưng họ cảm giác rõ con đường và họ thấy không khó khăn như họ nghĩ. Các bạn có hứng khởi triển khai đường đi như thế nào, lấy nguồn vốn ở đâu. Tôi vẫn nói với các bạn, người khác làm việc, mình cũng làm được.
PV: Anh thường chia sẻ thanh niên phải có khát vọng vươn xa?
Thanh niên phải có chí lớn, làm sao khát vọng thành đạt của cá nhân, hùng mạnh của cá nhân liên thông với hùng mạnh quốc gia, hùng mạnh quốc tế. Các bạn cần nhìn xa, đòi hỏi có gan, trí thức và tư duy.
Cái nhìn xa ở đây chính là hiểu biết toàn cầu. Thách thức của chúng ta không phải chỉ là thoát khỏi luỹ tre làng mà phải có công thức để đi đến con đường lớn. Công thức trở thành người hùng mạnh.
Người hùng mạnh ở đây phải có 4 yếu tố: có ý chí, hoài bão tức sức mạnh tinh thần, có sức mạnh thể chất, vật chất và giàu có về nhân văn, nhân bản. Làm sao để kiến tạo nên 4 yếu tố này, giáo dục có dạy không? Tôi cho là có nhưng chưa đủ, các bạn cần phải học nhiều.
"Tôi chỉ lo cảm hứng của mình sẽ làm hỏng nhiều bạn trẻ trong khởi nghiệp nên tôi luôn muốn định hướng để các bạn đừng sợ phép thử sai".
PV: Anh nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận giới trẻ ngày nay luôn muốn giàu nhanh thắng nhanh nhưng cũng dễ đổ vỡ?
Điều đó hoàn toàn đúng và phổ biến trong bạn trẻ ngày nay. Các bạn vừa nóng vội vừa chủ quan. Nếu chỉ có khát vọng mà không biết hướng đi thế nào thì khó lắm.
Tôi gặp nhiều em rất tội. Có em kể em và ba bạn vô cùng ngưỡng mộ tôi, các em học xong năm thứ ba đại học thì quyết định bỏ để lập nghiệp giống tôi. Gia đình can ngăn không được, sau hai năm vay vốn, làm ăn thua lỗ, các em bị gia đình từ, phải sang Trung Quốc bốc vác thuê.
Các em đã có một phép thử sai, năng lượng ít, hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh không có, khiến lần đầu khởi nghiệp mà các em sợ đến già.
Tôi có hỏi các em có thấy nuối tiếc không, các em nói khi bị bố mẹ từ, rồi sang Trung Quốc làm thuê thấy khổ quá, nhưng các em thấy đây là bài học đắt giá, có thêm ý chí làm lại. Tôi thấy các em rất nghị lực, biết nhìn nhận đánh giá lại con đường sai, tôi tin tưởng các em sẽ thành công.
Tôi chỉ lo cảm hứng của mình sẽ làm hỏng nhiều bạn trẻ trong khởi nghiệp nên tôi luôn muốn định hướng để các bạn đừng sợ phép thử sai.
PV: Câu chuyện Starburks vừa qua xôn xao cộng đồng trẻ, có khi nào chúng ta thua trên sân nhà không thưa anh?
Có mấy người xếp hàng muốn uống cà phê Starbucks? Các bạn xếp hàng vì muốn đẳng cấp như Mỹ dù số tiền có thể vượt khả năng chi tiêu của các bạn? Tôi thấy vấn đề Starbucks không phải là vấn đề cà phê mà là tư duy đua tranh, cạnh tranh, là tư tưởng nô lệ hay không nô lệ. Có rất nhiều chuyện trong vấn đề này.
Tại sao nó vào chúng ta lại ồn ào thế, lẽ nào đã quảng cáo miễn phí cho họ. Tinh thần đầu tiên xác lập là đón nhận cái mới nhưng đồng thời phải có tinh thần cạnh tranh để tồn tại. Từ xưa tôi cổ động cho tinh thần dân tộc trong đua tranh.
Có thể Trung Nguyên thất bại trong cuộc đua tranh nội địa hoặc mơ mộng chinh phục nước Mỹ của Trung Nguyên không thành nhưng phải dám làm đã, phải tìm cách thắng. Nếu họ Đặng không thành thì có họ Nguyễn, họ Trần, họ Đỗ, họ Lê,... tiếp tục đi đến Luân Đôn, Paris, Bắc Kinh...
Khi hàng hoá chúng ta đến đó thì con người chúng ta đến đó và văn hoá Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến các nước. Nếu chúng ta chỉ sử dụng hàng hoá các nước, chịu ảnh hưởng văn hoá nước khác thì chúng ta sẽ luôn bị phụ thuộc.
Thế hệ trẻ cần có tư duy độc lập, tìm cách vượt qua bất kỳ đối thủ nào. Chúng ta cần trang bị cho thế hệ trẻ động cơ, động lực đua tranh, có khát khao ảnh hưởng thế giới và có tầm nhìn toàn cầu. Nhiều bạn chỉ quan tâm đến mục tiêu thấp bé, chưa nhìn vấn đề dài hạn. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thế hệ đi trước thường đặt nền móng cho thế hệ sau, tạo cảm hứng cho thế hệ sau.
Ở nước ta, tôi thấy thế hệ trước đang lấn át thế hệ sau, đó là một nguy cơ. Tôi có niềm tin vào người trẻ, các bạn có đầy đủ điều kiện, phẩm chất, nếu họ cùng nhau nuôi dưỡng khát vọng và có hướng đi đúng, họ sẽ là những người hùng mạnh, làm nên quốc gia hùng mạnh.
PV: Cảm ơn anh.
Hải Yến
(Báo Tiền Phong)