"Kỷ vật là cả gia tài của tôi!"
“Tôi sẽ bỏ công suốt cuộc đời để đi góp nhặt những kỷ vật thiêng liêng đó. Tôi muốn người đời được biết rõ hơn về cuộc sống của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ. Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là muốn góp nhặt một chút gì đó để tri ân với người đã khuất” - người phụ nữ ấy mở đầu câu chuyện trong ánh mắt đau đáu, đầy hoài niệm.
Mang trong mình nỗi đau gặm nhấm về một sự tri ân, hơn 30 năm qua, đôi chân “ngàn dặm” của chị Đặng Thị Yến (hiện là Phó BQL Khu di tích ngã ba Đồng Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh) đã không quản ngại đi tìm kỷ vật của 10 cô gái huyền thoại.
Những kỷ vật mà chị tìm thấy, đều chứa đựng và tái hiện sự kiên cường, bất khuất trong bom đạn khói lửa, sự hồn nhiên tình yêu của tuổi trẻ, sự nhớ nhung da diết nơi quê nhà. Cảm động nhất, vẫn là lọn tóc thề của "o Tần" (Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần) gửi người yêu trước khi ra trận.
Khoảng năm 1998, trong một chuyến đi công tác, tình cờ chị Yến biết được một thông tin quan trọng xung quanh mối tình sâu đậm của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần với anh lính cùng làng Nguyễn Văn Hồng. Số là, năm 1964, trước lúc anh Hồng lên đường vào chiến trường chiến đấu, trong phút chia tay bịn rịn ấy, người con gái đã cắt vội một lọn tóc nhỏ kết thành hình số 8 rất đẹp trao cho anh với lời nhắn gửi: “Sau ngày chiến thắng chúng mình sẽ nên duyên chồng vợ”.
Người con trai mang theo kỷ vật trong những lúc xung trận như là một “báu vật”, anh nâng niu cất giữ mối tình thơ mộng. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, người lính mang theo lời thề và lọn tóc ước duyên về tìm người yêu. Nào ngờ, lọn tóc thề ấy đã mãi mãi là kỷ niệm cuối cùng nén chặt trong trái tim người ở lại. Và 40 năm qua, anh Hồng giữ kỷ vật ấy như một minh chứng cho tình yêu thời khói lửa.
Khi biết được tin này, chị Yến mừng "như bắt được vàng" và lật tìm địa chỉ của anh Hồng. Hôm sau, chị tìm về xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), chỉ cách nơi chị Tần cùng đồng đội yên nghỉ chưa đầy 20 km. Gặp nhau, ôn lại chuyện cũ, đôi bên nước mắt ứ trào. “Lúc đầu cứ tưởng gần là dễ, nhưng khi gặp và nói chuyện với anh Hồng tôi mới biết, để đưa được lọn tóc ấy về cho bảo tàng là một việc cực khó, bởi anh Hồng luôn coi nó quí hơn cả báu vật” - chị Yến nói.
Suốt cả một thời gian dài, cứ lúc nào có điều kiện chị lại đến nhà anh Hồng để thuyết phục. Chị cũng không còn nhớ là mình đã đến nhà anh Hồng bao nhiêu lần chỉ vì lọn tóc ý nghĩa ấy. Chị nhớ lại những lần thuyết phục, năn nỉ anh Hồng: ”Lọn tóc này là của chị Tần trao anh trước khi vào chiến trường nên anh hoàn toàn có thể giữ riêng cho mình làm kỷ niệm. Thế nhưng, bây giờ đất nước đã bình yên hạnh phúc nên mái tóc ấy cần được đưa ra cho mọi người xem và thấy được trong cảnh chiến tranh bom rơi đạn nổ ác liệt, những chàng trai cô gái vẫn dành cho nhau một tình yêu và ước vọng cao đẹp”. Mấy lần đầu nghe chị nói, anh Hồng vẫn nhất quyết không chấp nhận.
Nhưng như “mưa dầm thấm lâu”, anh đã bắt đầu suy nghĩ về những lời chị nói. Tháng 7/2005, vào một chiều mưa tầm tã, chị Yến lại đến nhà anh Hồng tiếp tục thuyết phục. Cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của chị Yến, anh Hồng đã quyết định giao lại lọn tóc thề của chị Tần. “Lúc ấy, nhìn anh Hồng thật tội nghiệp, đôi mắt đau đáu, nhìn miên man vào cõi xa xăm. Vẫn biết khi trao một kỷ vật đằng đẵng theo mình gần 40 năm qua của mối tình đầu không đơn giản chút nào nhưng anh ấy đã trao. Mình thấy anh ấy rơm rớm nước mắt và im lặng” - chị Yến tâm sự.
|
Lúc nào chị cũng nâng niu những kỷ vật của các nữ TNXP như báu vật |
Trong suốt hành trình đi tìm những kỷ vật của 10 bông hoa trinh liệt đã ngã xuống nơi ngã ba huyền thoại, chị không nhớ rõ mình đã đi bao xa. Mặc cái nóng bóng rát, mặc mưa xối xả, bánh xe của chị vẫn lăn đều tận thôn cùng ngõ hẻm. Có lần, chị đã bật khóc khi nhìn thấy chiếc áo đầy mảnh vá của nữ TNXP Hồ Thị Cúc. Qua những người quen biết của mình ở huyện Hương Sơn, chị Yến biết o Cúc còn một chiếc áo vẫn thường mặc mỗi khi đi mở đường.
Vượt hơn trăm cây số, thuyết phục mãi, cuối cùng người nhà đã đồng ý để chị đưa chiếc áo o Cúc về để trưng bày tại bảo tàng. Chị rơm rớm: "Dường như chiếc áo của chị Cúc như cuộc đời của chị ấy vậy. Chiếc áo vàng ố, nhăn nheo, rất nhiều mảnh vá".
Giọng đều đều, chị kể về người nữ TNXP Hồ Thị Cúc: "Sinh ra tại Hương Sơn, chưa đầy một tuổi thì bố Cúc và bà nội đã bị nạn đói khủng khiếp năm 1945 cướp mất. Chẳng bao lâu sau, mẹ Cúc lại đi bước nữa. Tuổi thơ của Cúc là chuỗi ngày của nước mắt...".
Đó là những kỷ vật làm chị nhớ mãi. Nhớ vì một lời thề tình yêu chung thủy, nhớ về bao công sức mình đã cất công tìm kiếm. Bây giờ cứ mỗi khi rảnh rỗi chị lại đưa chiếc hòm gỗ đựng đầy kỷ vật của những người đã khuất mà mình tìm được ra ngắm nghía, nâng niu và đôi khi bật khóc vì hạnh phúc. Hôm gặp chúng tôi, chị đưa ra khoe lọn tóc của o Tần, chiếc áo của o Cúc rồi chiếc nồi mà các o nấu ăn, chiếc đèn bão mà các o thường dùng mỗi đêm… Chị bảo, để có được những kỷ vật này, chị đã phải mất gần nửa cuộc đời đi tìm...
Tri ân với người đã khuất
Sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tuổi thơ của chị luôn đắm chìm trong những câu chuyện mà bố, cha ông kể lại về cuộc chiến tranh máu lửa với giặc ngoại xâm. Những câu chuyện ấy gắn chặt với chị như vùng đất đầy nắng và gió Lào miền tây xứ Nghệ. Lớn lên, chị quyết định chọn thi vào Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ Tĩnh, khoa Bảo tàng để thỏa lòng mong ước được “sống” với một thời hào hùng.
Hơn 3 năm miệt mài đèn sách, cuối năm 1976, chị được cử về thực tập tại ngã ba Đồng Lộc. Tại đây, chị được hòa mình trong những câu chuyện mà 10 cô gái dũng cảm, kiên cường lưu truyền lại. Niềm đam mê, tự hào ấy thực sự trỗi dậy khi chị quyết tâm đi tìm các kỷ vật của 10 cô gái còn thất lạc đâu đó. Khi nghe ở bất cứ đâu có kỷ vật còn sót lại, bất kể ngày đêm, chị lại một mình khăn gói vượt hàng trăm cây số, tìm đến tận nơi rồi kiên trì làm công tác “dân vận” để đưa bằng được chúng về cho khu di tích.
Sau 3 tháng thực tập ngắn ngủi trên mảnh đất anh hùng này, chị đưa ra một quyết định có tính bước ngoặt khi tự nguyện gắn bó cả cuộc đời mình bên vong hồn những người đã khuất và tiếp tục công việc tìm kiếm những kỷ vật đang còn lưu lạc của họ.
|
Chị Đặng Thị Yến bảo, những việc làm của mình muốn cho mọi người được biết đến 10 nữ TNXP không chỉ qua lịch sử, mà còn qua những hiện vật |
“Thời điểm đưa ra quyết định công tác luôn tại Khu bảo tàng ngã ba Đồng Lộc này là cả một vấn đề khó khăn đối với tôi và cả gia đình. Bố thì hy sinh ở chiến trường từ năm 1965, nhà chỉ có 4 chị em gái. Mẹ một mình sống đơn độc nên khi nghe tin con gái có ý định không về quê nữa, bà đã khóc ròng suốt cả tháng trời, thậm chí mẹ đã doạ nếu không về quê thì coi như... dứt tình nghĩa mẹ con. Nhiều lần tôi cũng đã định dứt bỏ tất cả để về quê làm tròn chữ hiếu với mẹ, nhưng cuối cùng vẫn không tài nào làm được, bởi mình vẫn còn thấy “mắc nợ” một sự tri ân với các chị”.
Những ngày đầu năm 1978, niềm vui mới lại đến với cô gái trẻ xứ Nghệ khi chị gặp và yêu một thầy giáo trẻ cùng công tác nơi mảnh đất anh hùng Can Lộc. Trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng luôn ngập tràn hạnh phúc và 3 đứa con thông minh, kháu khỉnh lần lượt chào đời để tô thắm thêm cho niềm vui ấy.
“Trong suy nghĩ của mình tôi luôn tâm niệm một điều rằng, mình đã được hạnh phúc rồi thì phải tiếp tục đi tìm hạnh phúc cho những người khác” - chị nói. Thế là, vừa phải đảm nhận vai trò của một người vợ, một người mẹ, chị lại phải lao mình vào những chuyến đi, những đợt công tác dài ngày mới để mong tìm thêm những kỷ vật cho những người đã khuất và làm chế độ cho những người còn sống.
Nhưng công việc của chị đôi lúc cũng gặp trắc trở, bởi người chồng không chịu thông cảm và ủng hộ. Thấy vợ thường xuyên vắng nhà, chuyến công tác trước chưa xong thì đã có lịch trình chuyến sau, nên anh bắt đầu "mặt nặng mày nhẹ" với vợ và cả với con. Không khí trong gia đình cũng như quan hệ giữa hai vợi chồng bắt đầu rạn nứt.
Năm 1993, vừa chân ướt chân ráo sau chuyến công tác trở về, người chồng đề nghị họp gia đình và đưa ra điều kiện: ”Bây giờ cô có hai cách lựa chọn, một là gia đình, hai là công việc”. Cuộc đời một lần nữa buộc chị phải đắn đo quyết định. Sau nhiều đêm không ngủ, chị cũng đã có câu trả lời cho chồng, giống như với mẹ hơn mười năm về trước. Chị biết khi đưa ra quyết định đó, lòng đau quặn thắt, thương đám con thơ tội nghiệp. Nhưng chị bảo, biết làm sao được, khi tâm can vẫn chưa thấy bình yên với các o đã khuất.
Chia tay, chị và 3 đứa con về sống chung trong căn nhà chật hẹp. Hai đứa lớn bây giờ đang học đại học, còn thằng út thì học cao đẳng. Cuộc sống hiện tại vẫn còn đầy rẫy khó khăn khi cả gia đình đều nhìn vào đồng lương ít ỏi của chị, nhưng tất cả đều rất hạnh phúc.
Dẫn chúng tôi ra trước tượng đài ngã ba Đồng Lộc, chị nghẹn ngào: “Cuộc đời này chúng ta còn nợ các o và những người đã khuất nhiều lắm. Tôi chỉ mong tất cả mọi người hãy làm một điều gì đó để xứng đáng với những đóng góp, hy sinh của họ”.
Chị bảo, những việc làm của mình muốn cho mọi người được biết đến 10 nữ TNXP không chỉ qua lịch sử, mà còn qua những hiện vật. Để nhân loại hiểu rằng, đằng sau mỗi chiến tích là những mảnh đời, những số phận con người.