Chuyến đi định mệnh
Sinh trưởng trong một gia đình làm nông nghiệp với 4 anh em ăn học nên chàng trai Nguyễn Đình Thịnh đã quyết tâm đi lao động tại Malaysia để mong đỡ đần cho gia đình.
Tháng 8/2006, thông qua Trung tâm XKLĐ Nghệ An (Sở LĐTBXH Nghệ An) Thịnh đặt chân đến Malaysia với chi phí gần 30 triệu đồng. Cùng chuyến đi này với Thịnh còn có một lao động quê ở Nghệ An nhưng chỉ ít tháng sau người thanh niên này đã xin về nước vì không chịu được sự vất vả trong công việc. Thịnh quyết tâm ở lại làm việc cho một cơ sở chiết gaz tại một tỉnh giáp với biên giới Thái Lan.
Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tân (bố Thịnh) thì mong muốn tích góp ít tiền gửi về cho gia đình trả nợ đã không bao giờ thành hiện thực bởi con trai ông liên tục gặp tai họa trên đất khách quê người.
Chiều qua 17/9, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Trung tâm XKLĐ Nghệ An (Sở LĐTBXH Nghệ An) xung quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho anh Nguyễn Đình Thịnh. Đại diện đơn vị này cho biết, chưa biết rõ sự việc nói trên nên đề nghị gia đình lao động Thịnh làm đơn tường trình sự việc, cũng như cung cấp các giấy tờ liên quan.
Thông qua đơn, giấy tờ liên quan, Trung tâm sẽ liên hệ với đối tác phía Malaysia mới có cơ sở để giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho anh Thịnh.
Nguyễn Duy
|
Khoảng tháng 1/2007, sau 6 tháng làm việc tại Malaysia, Thịnh đã tích góp được ít tiền gửi về cho bố mẹ. Tuy nhiên trên đường tới ngân hàng Thịnh đã bị 4 kẻ du côn người nước ngoài tấn công, cướp sạch tiền.
“Ngay sau khi gặp nạn cháu nó đã gọi điện về kể lại sự việc và hẹn lần sau sẽ gửi tiền về. Nghe cháu kể gia đình hết sức hốt hoảng và lo lắng. Linh tính chuyện chẳng lành, chúng tôi đã bảo cháu nếu quá nguy hiểm thì con hãy về nước, không ai trách. Nhưng cháu nó bảo, đã đi làm mà trở về tay không thì ngại với bạn bè, bà con nên cháu quyết định ở lại làm tiếp” - ông Tân kể lại sau khi Thịnh bị cướp lần đầu tiên.
Sau lần bị cướp ấy Thịnh quay trở lại cở sở chiết gaz tiếp tục làm việc theo hợp đồng đã ký. Suốt thời gian đó gia đình Thịnh vẫn thường xuyên nhận được điện thoại của con cho đến khi mất hẳn liên lạc từ giữa tháng 6/2007.
Sau khi mất liên lạc với Thịnh, cả gia đình ông Tân mất ăn, mất ngủ ngóng chờ tin con. Gia đình ông Tân cũng đã điện thoại sang nước bạn nhờ những lao động cùng quê tìm Thịnh nhưng công việc và sự cách trở địa lý nên mọi nỗ lực không mang lại kết quả.
Chết lặng sau cú điện thoại lạ
Một ngày giữa tháng 1/2008, khi đang làm việc tại trụ sở UBND xã, ông Tân bất ngờ nhận được điện thoại của một thanh niên ở Cần Thơ đang lao động tại Malaysia thông báo, đã tình cờ gặp Thịnh đang nằm chờ chết tại một bệnh viện nhân đạo ở bang Selangor.
Người thanh niên trên cũng thông tin cho ông Tân rằng, qua đặt câu hỏi trên giấy để Thịnh trả lời bằng ám hiệu, nhiều khả năng Thịnh đã bị cướp dùng dao đâm thẳng vào cổ để cướp tiền. Cú đâm làm đứt thanh quản khiến Thịnh không thể nói được thành lời.
Nhận được hung tin, ông Tân tạm xin nghỉ việc để tìm cách đưa con về quê. Những bạn bè của con trong xã đang lao động tại Malaysia được huy động để tiếp cận với bệnh viện nơi Thịnh đang nằm chờ chết. Vợ chồng ông Tân cũng chạy vạy người thân, ngân hàng hơn 50 triệu đồng gửi sang lo thủ tục đưa con về.
Ngay khi biết được thông tin về Thịnh, những thanh niên cùng xã Cẩm Bình đang lao động Malaysia đã quyên góp tiền, thay nhau đi kiếm bạn. Sau chuỗi ngày tìm kiếm đầy khó khăn họ đã có mặt tại nơi Thịnh đang nằm chờ chết.
“Không thể tin nổi. Lúc bọn em có mặt cơ thể Thịnh chỉ là một tấm da bọc xương chưa đầy 20 kg, nằm bất động toàn thân lở loét, miệng không nói được. Để duy trì sự sống, bệnh viện đã khoét cho Thịnh 2 lỗ dưới bụng, một nối với dạ dày để truyền thức ăn, một để thoát nước tiểu ra ngoài. Quả thực lúc ấy bọn em cũng đã tính đến chuyện chỉ mong đưa được tro cốt của Thịnh về mà thôi” - anh Dương Thiên Tiến, một trong những người đến bệnh viện nhận Thịnh và là người sau này bỏ việc đưa bạn về nước, kể lại.
Từ số tiền mà gia đình ông Tân chuyển sang, nhóm bạn đã quyết định đưa Thịnh về Kulim - một bệnh viện cấp huyện, nơi có thuốc men và điều kiện chăm sóc hơn tốt hơn. Hằng ngày các lao động đồng hương thay nhau vào viện chăm sóc và được hơn một tháng thì Thịnh đã dần tỉnh lại.
Cuộc trở về đầy đau thương
Sau hơn một tháng nằm tại bệnh viện Kulim, những người đồng hương đã quyết định đưa Thịnh về nước. Cuộc trở về của Thịnh gặp rất nhiều khó khăn do các giấy tờ tùy thân đã bị mất sạch sau vụ cướp. Bạn bè đã phải mất hơn 20 ngày mới lo được thủ tục và ngày 4/4, Thịnh đã có mặt ở sân bay Nội Bài sau gần 2 năm sang Malaysia.
Gặp lại con tại sân bay Nội Bài sau 2 năm xa cách, ông Tân không thể tin vào những gì đang xảy ra với Thịnh. “Lúc cháu đi khỏe mạnh cân nặng tới 60 kg, nay chỉ còn chưa đầy 20 kg phải ngồi trên xe lăn với tấm thân bại liệt. Đúng là chỉ có phúc Thịnh mới có cơ hội trở về với gia đình” - ông Tân đau đớn nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
4 tháng kể từ ngày về với gia đình là chuỗi ngày khốn khổ với gia đình ông Tân. Hai vợ chồng nghèo tiếp tục vay nợ để lo thuốc men cho Thịnh. Đã hai lần vợ chồng ông đưa con ra Hà Nội thực hiện các ca mổ khâu dạ dày nhưng mọi chuyện chưa dừng lại.
Cho đến lúc này, niềm vui duy nhất làm khuây khỏa nỗi buồn của gia đình ông Tân là sau 4 tháng dưới bàn tay chăm sóc của đôi vợ chồng già này, cơ thể của Thịnh đã khá hơn. Từ một tấm thân chỉ còn chưa đầy 20 kg nay Thịnh đã “có da có thịt” và có khả năng nhận biết được người thân.
Văn Dũng - Trí Thức