Công ty nào cũng cần người
Hiện ở Mỹ, khi ngành công nghiệp game đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng cũng tăng lên tương ứng. Các hãng phát triển game không chỉ cần các tay lập trình kỹ năng cao mà còn đang thu nhận các anh tài về thiết kế và đồ họa, âm thanh.
Vị trí kỹ sư (engineer) hay các lập trình viên kỹ năng cao đứng đầu danh sách tuyển dụng của các hãng. Một chuyên gia nhân sự game cho biết nguyên nhân nhu cầu tăng cao là do các trò chơi điện tử ngày càng trở nên phức tạp trong khi số lượng người học làm game ngày càng ít đi. Vì vậy, tất cả các hãng phát triển hiện đang mở cửa chào đón các kỹ sư game thuộc mọi cấp kinh nghiệm. Tổng giám đốc một công ty game ở Chicago, Mỹ cho biết: "Thật khó để tìm được người có kinh nghiệm phát triển game trên các hệ console next-gen bởi vì Xbox, PlayStation hay Wii cũng chỉ mới ra thị trường vài năm. Hiện trên thị trường không có nhiều nhân lực kinh nghiệm về console rảnh rỗi".
Blizzard Entertainment cũng cần nhiều kỹ sư và hơn thế. Nhu cầu của hãng bao gồm các vị trí về xử lý nghệ thuật (art), hoạt ảnh (animation), CNTT, thiết kế (game and level design), quản lí cộng đồng (community management) và phát triển sáng tạo (creative development). Điều đáng chú ý là 3 vị trí hàng đầu thể hiện sự chuyên môn hóa cao độ như các họa sĩ về hoạt ảnh (chuyên về key-frame), môi trường (vẽ tay, không dùng normal map) hay thiết kế nhân vật (chỉ vẽ tay và phong cách hóa). Trong lĩnh vực thiết kế, hãng này cần tuyển các tay thiết kế màn và cấp độ chơi (level designer), thiết kế game (chuyên thiết kế các nhiệm vụ, chủng tộc, hệ thống nhân vật, vũ khí...) và thiết kế cân bằng game (game balance designer). Đây là một vị trí đòi hỏi phải có sự hiểu biết vể các kiểu chơi game thi đấu cũng như kinh nghiệm thi đấu game chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ game, Blizzard đang tìm kiếm các tay lập trình công cụ (tool programmer) - những người tạo ra các công cụ như art tool, plug-in, công cụ biên tập v.v.; cũng như các vị trí về lập trình đồ họa và lập trình cơ sở dữ liệu.
Tinh thần làm việc nhóm và nhiệt huyết
Nhìn chung, hãng phát triển nào cũng cho rằng lý tưởng nhất là tìm được những con người yêu game - những người mà " lập trình hay thiết kế, vẽ nhân vật trong lúc rảnh rỗi chỉ vì đam mê và cảm hứng. Đó là những người có kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và luôn cập nhật tri thức công nghệ game mới nhất", theo như lời một chuyên gia.
Tuy nhiên, theo các giám đốc nhân sự, nếu những tài năng không thể hòa nhập với cộng đồng nhân viên trong hãng thì họ khó tồn tại trong tổ chức. "Một tài năng là người biết hợp tác hay chỉ như con bò mộng quật phá trong quầy tạp hóa của người Hoa?", giám đốc một hãng game nhận xét, "một tay sản xuất (producer) có thể làm xong một tựa game mà không quan tâm đến người khác. Nhưng sẽ không có ai cộng tác với anh ta lần thứ 2. Chúng tôi không cần những người như vậy".
Theo đại diện các hãng game, họ chủ yếu quan tâm đến những người "có cảm hứng và muốn tạo ra những tựa game vĩ đại". "Nếu một ứng viên muốn tham gia vẽ tay môi trường của World of Warcraft nhưng chỉ có kinh nghiệm về game đua xe thì chúng tôi vẫn xem xét", đại diện của Blizzard cho biết.
Nhưng các nhà phát triển không chỉ tuyển nhân sự làm game một cách chung chung mà đôi khi còn phải theo... giới tính. Đại diện của EA cho biết : "Dòng game The SIMS của chúng tôi có tỷ lệ người chơi là nữ giới hơn 50%. Và để có thể tiếp tục thu hút nữ game thủ, chúng tôi cũng phải đảm bảo các nhóm phát triển game cũng nặng về giới nữ hơn".
Nhân viên của công ty Game Loft, một công ty chuyên gia công game hệ di động, trong lễ khai trương văn phòng mới tại Etown 2, TP.HCM.
|
|
Nghề game: Không chỉ là chức danh
Nhiều ý kiến cho rằng bản thân ngành công nghiệp game chưa hoàn toàn chuẩn hóa được các chức danh hay vị trí công việc. Nội dung mô tả công việc của vị trí nghệ sĩ kĩ thuật (technical artist) giữa các nhà phát triển có thể khác nhau - đây cũng là "cơn nhức đầu dai dẳng" mà các nhà tuyển dụng và "săn đầu người" từ lâu phải chịu đựng. Cách định "giá” nhân lực của họ là dựa vào các kỹ năng mà người đó có chứ không dựa vào chức danh.
Đại diện một studio ở Mỹ cho biết mỗi nhà phát triển có một hệ thống chức danh riêng. Và các nhà quản lý studio thường phân loại nhân viên theo kỹ năng.
Trong quá trình tuyển dụng, một yếu tố các nhà phát triển quan tâm là ứng viên thuộc nhóm người có xu hướng phát triển nghề nghiệp đa năng (generalist) hay chuyên sâu (specialist). Theo các nhà quản lý phát triển game, việc lựa chọn người đa năng hay chuyên sâu tùy thuộc vào qui mô các dự án. Ở Blizzard, các nhóm nhỏ cần người đa năng trong khi các nhóm lớn hơn cần đến đến các tay chuyên sâu.
Một hãng phát triển game cho biết họ cần người có một vài kỹ năng mạnh hơn là những người cái gì cũng biết (mà thực ra cái gì cũng không biết) hay những người chỉ rành 1 kỹ năng nào đó: "Khi công ty chúng tôi khởi nghiệp vào 1994, trong 10 năm sau đó, chúng tôi có dưới 40 nhân sự và ai cũng thuộc tuýp người đa năng. Tuy nhiên, kỹ thuật phát triển game ngày càng phức tạp. Chúng tôi hiện có khoảng 160 nhân viên và nhu cầu sử dụng các chuyên viên càng tăng. Thực tế, hiện tại, chúng tôi không muốn thuê những người chỉ biết 1 việc như chuyên viên dựng mô hình (modeler) hay nghệ sĩ vẽ họa tiết (texture artist). Những ai có khoảng 2 hay 3 kỹ năng mạnh thì sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn".
Chỗ đứng của Hollywood
Những ai đang làm cho Hollywood nay lại có thêm nhiều cơ hội trong ngành game. Các nhà văn, nhà biên kịch, nghệ sĩ lại thường xuyên xuất hiện trong các studio game. Ngành game trở thành một điểm đến mới khi các ngành điện ảnh và âm nhạc diễn ra các cuộc lãng công hay đình công đòi tăng lương.
Đại diện một hãng game cho biết: "Ngành âm nhạc thu thanh hiện khó kiếm tiền. Và các nhạc sĩ tiếp cận các công ty game vì ngành game mang lại một lượng thính giả mới". Không chỉ thuê người từ lĩnh vực điện ảnh, các hãng game còn thuê người thuộc các lĩnh vực khác như các lập trình web và các tay viết truyện, kịch bản để tham qia quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa những người thuộc các ngành công nghiệp khác nhau cùng làm game.
Nỗi lo gia công game Đem việc ra nước ngoài là điều các quốc gia phát triển không mong muốn. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi cạnh tranh gia tăng, đây là biện pháp giảm chi phí đầu vào. Theo một số nhà phát triển, bên gia công thậm chí còn có thể làm nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn bên thuê gia công. Mỗi một hãng phát triển đều có chiến lược thuê ngoài gia công từ thấp đến cao. Blizzard không thuê gia công các công đoạn phát triển; thay vào đó, công ty này "thích" thuê nhân viên toàn thời gian. Hay Insomniac chỉ thuê gia công phần nhạc game. Một nhà phát triển khác, Wideload, lại có chiến lược "nhóm nòng cốt nhỏ”. "Vấn đề cho các hãng phát triển là khi bạn khởi nghiệp, bạn chỉ cần một số ít nhân lực. Nhưng khi đến lúc có nhiều việc hơn hay phải tăng tốc giải quyết khối lượng lớn công việc thì bạn lại cần nhiều nhân lực hơn. Còn khi bạn đã có một lượng lớn nhân lực sau khi kết thúc dự án mà dự án kế tiếp lại rất nhỏ thì ai đi, ai ở?", đại diện của Wideload cho biết. Đó là lý do vì sao hãng này chỉ giữ 1 nhóm chuyên gia nòng cốt và khi có thêm việc họ sẽ thuê ngoài gia công.
Những vị trí công việc trong ngành công nghiệp game và mức lương trung bình tại Mỹ
|
Vị trí |
Mức lương trung bình/năm tại Mỹ (USD) |
1
|
Lập trình (Programming) |
83.000
|
2
|
Mỹ thuật và hoạt ảnh (Art and animation) |
67.000
|
3
|
Thiết kế game (Game design) |
64.000
|
4
|
Sản xuất (Production) |
79.000
|
5
|
Kiểm soát chất lượng (Quality assurance) |
39.000
|
6
|
Âm thanh (Audio) |
73.000
|
7
|
Kinh doanh và tiếp thị (Business and marketing) |
102.000
|
Trần Anh