Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ là một trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới và tầm nhìn đến năm 2020 là: CNTT-TT sẽ làm nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, trở thành nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Mục tiêu tầm xa
Quan điểm được Bộ TT&TT thống nhất xuyên suốt, nhấn mạnh: một quốc gia mạnh về CNTT sẽ là nền tảng mở đường, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo ra một xã hội văn minh, một nền kinh tế tri thức.
Đã đến lúc, ngành CNTT-TT Việt Nam hội đủ những cơ hội, có đủ niềm tin để xây dựng một chiến lược tăng tốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Ngành CNTT-TT đặt mục tiêu đến giai đoạn 2015 - 2020, mọi gia đình, công dân Việt Nam đều sẽ sử dụng thiết bị thông tin và kết nối băng thông rộng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sử dụng các dịch vụ công của chính phủ điện tử sâu rộng tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Giới công nghệ thông tin vẫn có cái nhìn thận trọng hơn với những mục tiêu Bộ TT-TT đưa ra. Bởi thực tế, cả 4 trụ cột chính của một nền CNTT-TT mạnh, gồm: Hạ tầng CNTT-TT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT-TT của Việt Nam đều đang rất yếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ CNTT của Việt Nam đã bị xếp vào hàng tụt hậu xa so với mức trung bình thế giới. Xếp hạng của Liên minh Phần mềm DN BSA về hạ tầng CNTT, Việt Nam tụt hạng từ 60 xuống 61. Số lượng máy tính cá nhân chỉ đạt 1,4/100 người; kết nối băng rộng chỉ đạt 0,8 điểm. Về đào tạo nhân lực CNTT của Việt Nam, số lượng không theo kịp nhu cầu và chất lượng không đáp ứng được yêu cầu với tỉ lệ tuyển chọn là 1/10.
Về công nghiệp CNTT, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) tụt hạng từ 52 xuống 61; trong đó số lượng sáng chế được đăng ký hầu như không có. Bên cạnh đó, cả công nghiệp phần cứng và phần mềm đều đang tụt dốc nghiêm trọng do suy thoái và do tự Việt Nam không thể đạt được mục tiêu. Về ứng dụng CNTT, Việt Nam cũng đang ở mức độ thấp, trong đó chỉ có vài website đạt mức 3 trong tổng số 4 mức về dịch vụ công...
Cần có chiến lược cất cánh
Đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT-TT, rõ ràng là một mục tiêu chiến lược và một tham vọng lớn của Việt Nam. Để làm được điều này, thực sự Việt Nam phải có những chiến lược cất cánh. Với mỗi "trụ cột", cần có các mục tiêu, giải pháp rõ ràng.
Với "trụ cột" hạ tầng CNTT-TT, Dự thảo của Bộ TT-TT cũng chỉ rõ, cần phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành mạng tích hợp theo công nghệ thế hệ mới, băng thông rộng, dung lượng lớn, mọi lúc mọi nơi. Với lĩnh vực ứng dụng CNTT-TT, cần đạt mức độ phổ biến trong quản lý nhà nước, tổ chức Chính phủ điện tử sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Lĩnh vực công nghiệp CNTT phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất nhiều sản phẩm Việt Nam, ưu tiên đột phá một số ngành như: phần mềm, nội dung số. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT phải đa dạng, xã hội hóa, gồm cả đào tạo mũi nhọn để tạo ra những kỹ sư tay nghề cao, có đủ trình độ để thực hiện nhiệm vụ trong nước và hội nhập quốc tế; và đào tạo đại trà nhằm mục tiêu xã hội hóa nguồn nhân lực....
Được biết, Dự thảo đề cương sẽ được Bộ TT&TT hoàn thành trước ngày 30/6/2009, sau đó xin ý kiến góp ý của các Bộ ngành liên quan, hoàn thiện để trình Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Thường trực Chính phủ trong tháng 7/2009
Nguyên Khôi