Suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho ngành công nghiệp gia công (outsourcing) của Ấn Độ tổn thương nghiêm trọng. Nhưng bằng những sự chuyển mình linh hoạt và nguồn nhân lực chất lượng cao, Ấn Độ đã nhanh chóng thoát ra khỏi cơn ác mộng đó bằng việc trở thành nơi thu hút các hãng công nghệ hàng đầu thế giới mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đã bắt đầu… “hot”
Khi Microsoft khai trương trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình tại một góc của Bangalore - thủ đô công nghệ của Ấn Độ, người ta biết rằng có một thế hệ chuyên gia nghiên cứu mới đã được khai sinh tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này và trở thành mối đe dọa đối với trung tâm R&D mà Microsoft đã có từ nhiều năm qua tại Seatle (Mỹ).
Nhưng điều quan trọng hơn là trung tâm R&D này của Microsoft đã chính thức xóa đi quan niệm cho rằng Ấn Độ không thể trở thành một địa điểm nơi các hãng công nghệ hàng đầu thế giới có thể đặt trung tâm R&D của mình tại đó.
Trung tâm R&D của Microsoft tại Ấn Độ hiện có khoảng 60 chuyên gia nghiên cứu, nhưng có điều đa số họ là những người Ấn đã từng nhận bằng tiến sĩ (PhDs) của các trường đại học hàng đầu tại Mỹ. Tuy chỉ có 60 chuyên gia nhưng trung tâm này đang chịu trách nhiệm nghiên cứu 7 lĩnh vực quan trọng mà Microsoft đang theo đuổi trong đó có cả những kế hoạch tầm cỡ như chiến lược di động và mã hóa, bảo mật.
Microsoft đã thu được những “quả ngọt” đầu tiên từ trung tâm này. Đó là Bing - cỗ máy tìm kiếm mới nhất của Microsoft đang được giới công nghệ tán dương và chú ý theo dõi. Sự ra đời và thành công bước đầu của Bing đã giúp Microsoft chứng minh rằng, ngay cả trong thời kỳ suy thoái, khi tất cả các hãng công nghệ đều phải ráo riết cắt giảm chi phí hoạt động, họ vẫn có thể “làm lên chuyện” từ những nguồn lực và tài năng đang “trôi nổi” ở những quốc gia đang phát triển.
Trong buổi trình diễn khả năng tối ưu hóa kết quả tìm kiếm theo vị trí địa lý với từ khóa là những đại chỉ không đầy đủ hoặc thậm chí là sai, B. Ashok, giám đốc của một bộ phận nghiên cứu tại trung tâm này không ngần ngại tuyên bố: “Những sự sáng tạo và thành tựu này có thể sẽ không bao giờ đến với Microsoft nếu công việc nghiên cứu và phát triển Bing được thực hiện ở Mỹ”.
Trong khi các hãng công nghệ nước ngoài đang bắt đầu coi Ấn Độ là một “mỏ vàng” mới cần được khai thác trong lĩnh vực R&D thì những tử huyệt quan trọng của đất nước này như cấu trúc hạ tầng kém và các chuyên gia nghiên cứu trong nước vẫn không được chính phủ quan tâm và hỗ trợ đúng mức.
Trung bình mỗi năm Ấn Độ có thêm khoảng 300.000 kỹ sư công nghệ thông tin nhưng họ lại chỉ có khoảng 100 tiến sĩ trong lĩnh vực này. Một con số quá nhỏ bé so với mức 1.500 đến 2.000 tiến sĩ CNTT mà Mỹ hay thậm chí là Trung Quốc đang có mỗi năm.
“Các sinh viên không được hướng đến công việc nghiên cứu hay nói cách khác là sinh viên của Ấn Độ không được “vẽ đường” đi đến sáng tạo. Họ luôn phải chịu một áp lực là phải kiếm được một công việc “thực sự””, Vidya Natampally, Giám đốc Chiến lược Trung tâm R&D của Microsoft tại Ấn Độ phát biểu.
Khó tiến xa?
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng một tỷ lệ qua ít các tiến sĩ CNTT và thiếu hụt một chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ là sự cản trở cho lĩnh vực R&D của đất nước này phát triển trong thời gian tới.
Trong khi Ấn Độ hiện có khoảng 800 trung tâm R&D thì quốc gia cạnh tranh mạnh nhất với họ là Trung Quốc đã phát triển được hơn 1.100 trung tâm bất chấp sự e ngại về chính sách, pháp luật và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Không chỉ cung cấp nguồn ngân sách để hỗ trợ sinh viên học thêm để lấy bằng tiến sĩ, Trung Quốc còn có nhiều sự ưu ái hơn cho lĩnh vực R&D như miễn giảm thuế cho các trung tâm R&D hay thành lập các đặc khu kinh tế với cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp CNTT phát triển.
Trong cuộc đua “phát minh sáng chế”, Ấn Độ cũng đang tỏ ra hụt hơi. Từ năm 2006 đến 2007, Ấn Độ chỉ có khoảng 7.000 bằng phát minh sáng chế trong khi Mỹ có tới gần 160.000.
“Chúng tôi đang ở đâu đó trong khoảng giữa của Mỹ và Israel trong lĩnh vực sáng tạo”, Praveen Bhadada tại trung tâm tư vấn Zinnov phát biểu và ước đoán rằng giá trị của lĩnh vực R&D Ấn Độ đạt khoảng 9,2 tỷ USD.
Lợi thế duy nhất đến nay của Ấn Độ vẫn chỉ là chi phí rẻ, theo các chuyên gia của Bangalore nhưng mức lương nhân công tại Ấn Độ cũng đang tăng lên mạnh mẽ với tốc độ khoảng 15%/năm và hứa hẹn sẽ sơm đuổi kịp Trung Quốc. Chi phí cho mỗi trung tâm R&D ở Thượng Hải (Trung Quốc) hiện nay cũng chỉ cao hơn so với mức trung bình ở Ấn Độ từ 10 đến 15%.
Lê Trí
Theo Reuters