Khát vọng này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR 2009) diễn ra từ ngày 26-28/8 tại Hà Nội: “Việt Nam coi CNTT-TT là công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn trong công cuộc CNH, HĐH đất nước”.
Nâng hạng CNTT Việt Nam
Để hiện thực hóa khát vọng này, Chính phủ giao Bộ TT&TT soạn thảo Đề án chiến lược tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Hiện tại, Bộ TT&TT đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo đề án chiến lược này để trình Chính phủ dự kiến vào đầu tháng 9/2009.
Dự thảo đề án chiến lược này xác định giai đoạn từ nay đến năm 2015 là thời kỳ tăng tốc của ngành CNTT-TT, trong đó một trong các mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược tăng tốc này là đưa Việt Nam đứng trong top 70 quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT-TT vào năm 2015 và trong top 60 vào năm 2020. Theo xếp hạng chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index) của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Việt Nam đứng thứ 107 vào năm 2002, tăng lên vị trí 92 trong số hơn 160 quốc gia vào năm 2007. Như vậy, nếu Việt Nam đứng thứ 70 trong bảng xếp hạng này vào năm 2015, tức là tăng 22 bậc, đó là cải thiện thứ hạng rất lớn.
Bên cạnh mục tiêu cải thiện thứ hạng, chiến lược này cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể khác như tốc độ phát triển của CNTT và viễn thông cao gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, đưa thiết bị nghe nhìn đến người dân, tăng tỷ lệ hộ gia đình có máy thu hình, máy tính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công và hình thành các tập đoàn CNTT-TT có tầm vóc quốc tế.
Hình dung bức tranh CNTT, viễn thông Việt Nam 7 năm tới
Xét trong điều kiện kinh tế hiện tại, với thu nhập bình quân đầu người trên 1000 USD/năm, Việt Nam chỉ xếp cuối bảng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, thì rõ ràng mục tiêu trên là tham vọng rất mạnh mẽ của Chính phủ với ngành CNTT-TT.
Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân trên kênh truyền hình VTC2 vào sáng ngày 16/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định “các mục tiêu trên dựa trên thực tiễn phát triển của ngành CNTT và viễn thông kết hợp với quyết tâm của Bộ và Chính phủ, không phải là tham vọng viển vông”.
Các thực tiễn đó là CNTT và viễn thông Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 20-30% trong 7 năm vừa qua, đạt trên 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2008; số người dùng Internet hiện đạt 23,7%, tăng 10 lần so với năm 2003 và đứng thứ 6 châu Á và 18 trên thế giới; chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc sau 3 năm; chỉ số sẵn sàng kết nối mạng của Việt Nam (Networked Readiness Index – NRI) tăng hơn 10 bậc so với xếp hạng 2006-2007, đứng vị trí 73/127.
Về thứ hạng, Bộ TT&TT dự kiến trong năm 2007-2010, chỉ số phát triển CNTT-TT có thể tăng khoảng 5-7 bậc, tức là đứng ở vị trí 85-87 trong xếp hạng của ITU. Giai đoạn 2010-2015 được xác định là giai đoạn tăng tốc, có thể tăng khoảng 15-17 bậc, tức đạt vị trí 70. Trong 5 năm sau đó, Việt Nam sẽ tiến tới vị trí 60. Nếu chia các quốc gia trên thế giới (khoảng gần 200 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc) thành 3 nhóm về CNTT-TT: nhóm khá, nhóm trung bình và nhóm yếu, mỗi nhóm khoảng 60-70 quốc gia, thì nếu Việt Nam đứng thứ hạng 70 được xếp vào nhóm khá về CNTT.
Lĩnh vực công nghiệp CNTT và viễn thông được dự báo sẽ đóng góp trên 20% GDP của cả nước vào năm 2015, ước đạt 25 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực viễn thông ước tính sẽ chiếm gần một nửa. Mặc dù tỷ lệ người dùng trong lĩnh vực viễn thông hiện đã ở mức khá cao, trên 86 điện thoại di động và 17,2 điện thoại cố định/100 dân vào cuối năm 2008, tuy nhiên con số người dùng di động thực có thể thấp hơn nhiều. Trong khi đó, mức bão hòa ở các nước phát triển hiện là 130 máy điện thoại/100 dân, vì vậy viễn thông Việt Nam vẫn còn đất phát triển khoảng 40-50 máy/100 dân khi tiệm cận với các nước phát triển ở lĩnh vực này vào năm 2015. Ước tính vào năm đó, viễn thông có thể đạt mức 100 triệu thuê bao điện thoại.
Doanh thu bình quân trên thuê bao di động (APRU) của Việt Nam đạt 7-8 USD trong năm 2008. Hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sulivan dự báo với sự phát triển của công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G) và các dịch vụ nội dung đa dạng, APRU của Việt Nam trong những năm tới có thể tăng lên. Điều này đã được minh chứng ở một số quốc gia. Ví dụ, tại Hàn Quốc, sự xuất hiện của dịch vụ 3G đã đẩy doanh thu từ dịch vụ dữ liệu lên khoảng 19% qua đó tăng ARPU khoảng 76%. Tại Úc, sự xuất hiện của 3G cũng giúp làm tăng chỉ số ARPU lên tới 107%. Với triển vọng đó, nếu APRU của Việt Nam có thể tăng một vài USD so với năm 2008, ngành viễn thông có thể đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2015.
Đó là chưa kể doanh thu có được từ việc các tập đoàn viễn thông như Viettel và VNPT đầu tư ra nước ngoài. Hiện tại, Viettel đã đầu tư sang thị trường viễn thông Campuchia, Lào và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác.
Trong năm 2008, công nghiệp CNTT của Việt Nam đạt doanh thu trên 5 tỷ USD, trong đó có 4 tỷ USD doanh thu từ phần cứng, còn lại là từ phần mềm (680 triệu USD) và nội dung số (440 triệu USD). Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 20-30% từ nay đến năm 2015, mảng công nghiệp CNTT có thể đạt khoảng 12,5-15 tỷ USD.
Giải pháp dựa trên “tứ trụ”
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong đề án chiến lược tăng tốc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết sẽ có một loạt giải pháp, cơ chế chính sách đột phá dựa trên bốn trụ cột chính là hạ tầng viễn thông, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nguồn nhân lực CNTT.
“Trụ” hạ tầng viễn thông sẽ dựa vào các chính sách mới trong Luật Viễn thông. Cụ thể, đó là việc mở cửa không hạn chế cho tư nhân xây dựng hạ tầng, cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cung cấp dịch vụ mạng. Bên cạnh đó, việc đưa thiết bị nghe nhìn, máy tính và mạng băng rộng sẽ được đẩy mạnh qua việc sử dụng nguồn vốn công ích như với dịch vụ viễn thông hiện nay.
Với “trụ” nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020, đặt mục tiêu cung cấp 250.000 nhân lực CNTT có trình độ đại học và cao đẳng; phổ cập tin học cho 100% học sinh THPT và 80% học sinh tiểu học. Đặc biệt, kế hoạch này đưa ra một số cơ chế, giải pháp cho bài toán nhân lực CNTT của Việt Nam, gồm mở rộng quy mô và hình thức đào tạo CNTT, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo CNTT, tăng đầu tư cho đào tạo nhân lực CNTT và tăng dạy CNTT bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phổ cập máy tính, thiết bị nghe nhìn và mạng băng rộng tới người người dân, “trụ” ứng dụng CNTT sẽ được tăng đầu tư, đặc biệt là khối các cơ quan chính phủ. Cùng với việc triển khai đề án phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng chuyên dùng dành cho cơ quan Đảng và Nhà nước nối tới cấp xã, phường phục vụ cho việc tin học hóa và giao tiếp giữa các cơ quan công quyền với nhau và giữa cơ quan công quyền với người dân.
Trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết đề án tăng tốc sẽ hình thành các quỹ kích cầu, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mở rộng, quảng bá sản phẩm. Mặt khác, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo ưu đãi tối đa các doanh nghiệp công nghiệp CNTT. Đặc biệt, đề án này đặt mục tiêu hình thành một số doanh nghiệp viễn thông và CNTT có khả năng lên tầm quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp mà đề án đưa ra, “yếu tố quyết định để đạt mục tiêu trên là sự quyết tâm cao độ của các cơ quan Nhà nước, của Chính phủ và sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp viễn thông và CNTT”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.
Duy An