Dựa trên các tiêu chí: mức độ ảnh hưởng của sự kiện đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành CNTT - TT, từ danh sách 18 sự kiện được đề cử, gần 30 nhà báo chuyên trách CNTT - TT đến từ các báo, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước đã chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2009 này.
* Dưới đây là 10 sự kiện CNTT-TT tiêu biểu (xếp từ cao xuống thấp):
1. 3G chính thức hiện diện tại Việt Nam
Ngày 12/10, mạng 3G đầu tiên tại Việt Nam đã ra mắt với cái tên gây bất ngờ: Vinaphone. Như vậy, phải mất tới 6 năm kể từ khi dịch vụ 3G được thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng mới chính thức được sử dụng dịch vụ viễn thông mới 3G. Với sự kiện này, Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ 3G thế giới. Tuy nhiên, việc đi đầu của Vinaphone cũng biến họ thành “thuốc thử” dẫn đến chất lượng dịch vụ 3G của mạng này đã bị kêu ca nhiều.
Sau VinaPhone, ngày 15/12/2009, MobiFone cũng đã chính thức cung cấp các dịch vụ 3G.
2. Blog Yahoo!360 đóng cửa kéo theo sự nở rộ của các mạng xã hội tại Việt Nam
Ngày 14/7/2009, Yahoo! chính thức đóng cửa dịch vụ Blog Yahoo!360, cộng đồng blog lớn nhất Việt Nam, sau nhiều lần trì hoãn. Tình cảm mà người dùng dành cho Yahoo!360 từ chỗ nuối tiếc đã trở thành giận dữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Yahoo!VN không thuyết phục được Yahoo! toàn cầu giữ lại dịch vụ này cho riêng Việt Nam mà lại hướng sang việc làm một ngôi nhà Yahoo!360 Plus là một thất bại của Yahoo!VN. Bởi “ngôi nhà” Yahoo!360 Plus cơ bản chả khác “ngôi nhà” Yahoo!360 nhưng “hàng xóm” lại bị li tán khắp nơi. Các mạng xã hội khác đã tận dụng tốt cơ hội này để đẩy dịch vụ Blog của Yahoo! từ vị trí “số 1” xuống vị trí thấp hơn rất nhiều. ZingMe và Facebook là hai mạng xã hội có bước tăng trưởng đột biến từ sau “cái chết” của Yahoo!360. Facebook tăng số người dùng của mình tại Việt Nam từ dưới 300 nghìn lên hơn 1 triệu chỉ sau đó vài tháng. Còn ZingMe, mạng xã hội của Cty Vinagames ra đời vào 7/2009, mới đây đã tuyên bố có đến … 3,5 triệu người dùng.
3. Mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim di động/mạng
Nhằm hạn chế tình trạng phát triển thuê bao di động ảo, sử dụng có hiệu quả tài nguyên số và ngăn nạn quấy rối bằng ĐTDĐ, Bộ TTTT đã ra quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 3 sim di động/mạng. Xét về mặt định hướng, quy định trên có vẻ như sẽ mang lại những tác động tích cực nhưng trên thực tế, quy định này hoàn toàn bị vô hiệu.
Hầu hết các đại lý sim thẻ đều có thể dễ dàng khai báo các thông tin không chính xác hoàn toàn để vượt qua quy định trên một cách dễ dàng mà không gặp rắc rối gì. Trong khi đó, các mạng di động vẫn phải tốn đến cả trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng cho các công tác khuyến mại, tổ chức đăng ký lại thông tin, tập huấn cho đại lý, nhân viên, sửa đổi các thông tin trên hệ thống… mà không mang lại kết quả gì đáng kể. Đây là chưa kể tính pháp lý của quy định mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim di động/mạng có phù hợp với các quy định của luật pháp về quyền sở hữu hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
4. Lần đầu tiên Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành
Ngày 30/3, phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ lần đầu tiên được thực hiện dưới hình thức truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh thành. Họp truyền hình trực tuyến là một trong những hoạt động thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm tiết kiệm, nâng cao tính nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Họp trực tuyến cũng góp phần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền hành chính nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
5. Tranh chấp xung quanh những cột điện treo cáp
Đầu năm 2009, VNPT, Viettel, SPT… đã đồng loạt “tố” Điện lực Việt Nam (EVN) lợi dụng thế độc quyền bất ngờ nâng giá cho thuê cột điện treo cáp, khiến cho chi phí của các doanh nghiệp này tăng cao. Việc tăng giá cho thuê cột của EVN khiến nhiều doanh nghiệp viễn thông khốn đốn vì không chịu nổi giá cắt cổ này và đành nói lời xin lỗi với những khách hàng đăng ký dịch vụ cố định hoặc ADSL ở một số địa điểm tại Hà Nội và TP. HCM. Sau khi EVN tăng giá thuê cột điện treo cáp viễn thông, Viettel cho biết đã bắt đầu tự dựng cột riêng ở một số địa phương, còn VNPT cũng đang tính đến phương án này.
6. Tranh cãi BKIS – VnCert
Ngày 14/7/2009, Trung tâm An ninh mạng BKIS công bố phát hiện nguồn gốc máy chủ tấn công các website của Hàn Quốc và Mỹ. Thông tin này được một số blog của các báo nước ngoài như USA Today, Cnet… đăng tải và báo chí Việt Nam ca ngợi là “chiến công”. Đến đêm 17/7, trên ddth.com rò rỉ nội dung công văn ký ngày 15.7 của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert), đề nghị nhắc nhở BKIS vì việc “công bố thông tin rộng rãi và không chính xác” và có thể “gây nguy hiểm cho các hệ thống thông tin trong nước…”. Sau khi một số báo đưa thông tin này, BKIS đã đăng đàn trên báo chí phản ứng mạnh và các báo đã mổ xẻ cuộc tranh cãi với những ý kiến trái ngược giữa BKIS và VNCert. Cuộc khẩu chiến này thu hút sự quan tâm đặc biệt của không chỉ giới công nghệ và chỉ lắng dịu khi Bộ TT&TT đứng ra làm trung gian hoà giải bằng một văn bản kết luận “cả BKIS và VNCert đều thiếu sót”. Tuy nhiên, sau vụ việc nhiều câu hỏi vẫn bị bỏ lửng và dư âm của nó còn không ít trên các diễn đàn công nghệ.
7. Chính thức triển khai ứng dụng chữ ký số công cộng.
Mặc dù luật giao dịch điện tử với các quy định về chữ ký số đã có hiệu lực từ tháng 3/2006, nhưng mãi đến tháng 9/2009, VNPT mới được cấp phép trở thành nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên và Tổng cục Thuế/Bộ Tài chính cũng là khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ này của VNPT để triển khai dự án thí điểm Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet. Chữ ký số có ý nghĩa rất lớn với việc thực hiện chính phủ điện tử, hoàn thiện những giao dịch lâu nay không thể điện tử hóa hoàn toàn vì thiếu chữ ký số. Theo các chuyên gia, nếu các cơ quan chính phủ triển khai đồng bộ việc áp dụng chữ ký số theo tinh thần Nghị định 26 về chữ ký số, thì khi đó, chính phủ điện tử ở Việt Nam sẽ tiến một bước dài
8. Lần đầu tiên đặt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT
Dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” do Bộ TT&TT xây dựng đã lần đầu tiên đặt mục tiêu Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới. Mục tiêu lớn nhất mà Đề án đặt ra là vào năm 2015, Việt Nam sẽ đứng trong số 70 quốc gia phát triển về CNTT-TT hàng đầu thế giới. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20 - 23% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP… Bản dự thảo Đề án được công bố để lấy ý kiến nhân dân đã thu hút sự quan tâm lớn cũng như tạo ra những luồng quan điểm khác nhau về tính khả thi của mục tiêu cũng như kế hoạch của Đề án.
9. Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh
Tháng 6/2009, một vụ khiếu tố lạ đời đã xảy ra khi Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh với chiêu in poster so sánh trực tiếp giá cước MobiFone rẻ hơn Viettel. Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó chính Viettel đã sử dụng chiêu này một cách cực kỳ phổ biến trong nhiều năm liền khi giá cước còn rẻ hơn MobiFone và VinaPhone...
10. Khai trương tuyến cáp quang biển Liên Á
Ngày 6/11, EVNTelecom đã tổ chức khai trương Hệ thống cáp quang biển Liên Á (IACS) và là công ty viễn thông thứ hai ở Việt Nam có hệ thống cáp quang biển. IACS có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320Gbps. Tuyến cáp quang biển này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800km. EVNTelecom tham gia đầu tư xây dựng IACS cùng với nhà đầu tư chính là TATA Communication.
Ngày 27/11/2009, điểm cập bờ tuyến cáp quang biển quốc tế AAG tốc độ 500 Gigabit/giây nối Việt Nam với thế giới tại Vũng Tàu đã cũng chính thức đi vào hoạt động.
Theo Hanoimoi.com.vn