Theo một khảo sát của Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA) do ông Sugiyama, Phó Chủ tịch Hiệp hội công bố, Việt Nam đứng thứ 3 trong các điểm đến về outsourcing ở Nhật Bản nhưng mới chỉ chiếm 0,5%, trong khi Trung Quốc dẫn đầu với tỷ lệ 84,3%.
Tuy nhiên, ông Sugiyama tiết lộ một thông tin lạc quan: nhiều công ty ở Nhật Bản đã coi Việt Nam như một đích đến trong lĩnh vực outsourcing để thay thế thị trường Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam là một thị trường thuê ngoài tiềm năng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản bởi các yếu tố như: chi phí nhân công cạnh tranh, lao động Việt Nam thích nghi nhanh với văn hóa và thông lệ kinh doanh của Nhật Bản, ông Sugiyama nhận định.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) kiêm Phó chủ tịch Asocio cho biết: vấn đề cơ bản là Việt Nam chưa có chuyên gia bậc cao để đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Vinasa đã làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ (Nasscom) của Ấn Độ để họ hỗ trợ Việt Nam, hy vọng thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ sẽ giải quyết được vấn đề này.
Theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Vinasa, Việt Nam đã có 120 triệu thuê bao di động, 22,2 triệu người sử dụng Internet; 460 nghìn người tham gia thị trường ICT. Việt Nam là thị trường cạnh tranh và đầy hứa hẹn về nguồn nhân lực, hàng năm có khoảng 62.000 sinh viên ngành CNTT-TT và con số này gia tăng khoảng 25-30% mỗi năm.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về CNTT-TT và có thế mạnh nổi trội trong việc cung cấp nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, Việt Nam muốn trở thành 1 trong 15 điểm đến hấp dẫn nhất trong lĩnh vực thuê ngoài, ông Công cho biết.
Hà Phương