ICTnews xin giới thiệu bài viết của ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT bàn về việc phát triển nhân lực CNTT-TT theo mục tiêu của Chính phủ nêu trong Đề án sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT.
"Ngày 22 tháng 9 năm 2010, Chính phủ đã ký quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa Việt nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT. Với đặc thù là ngành mang hàm lượng chất xám cao, việc phát triển nguồn nhân lực cho CNTT-TT được nhấn mạnh như là giải pháp then chốt của đề án này, với mục tiêu đến năm 2010 Việt Nam có 1 triệu nhân lực hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT-TT, trong đó 80% có đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đó là tham vọng lớn, với mục tiêu vừa tăng số lượng người làm trong ngành lên gấp 3 lần so với hiện nay, vừa cải thiện hẳn về mặt chất lượng.
Từ gánh nặng kinh tế xã hội đến ưu thế cạnh tranh
Với một quốc gia 86 triệu dân có dân số xếp thứ 13 thế giới, nguồn lực chính của Việt Nam là con người. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn – như đánh giá trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 2011 là: “giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên một số mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho xã hội”; “quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng” và “chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển”.
Các doanh nghiệp kêu ca nhiều về chất lượng đào tạo - tuy nhiên nhiều nhà giáo dục Việt Nam không hoàn toàn đồng tình, với lý do trường lớp chỉ có trách nhiệm đào tạo phần cơ bản, còn các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo bổ sung, hoặc phối hợp với các trường để cùng chung tay đào tạo. Bỏ qua chuyện này, cũng bỏ qua việc kỹ năng mềm, kỹ năng sống của sinh viên ít được chú trọng - thì một điều ai cũng cảm nhận được là trên phương diện hội nhập quốc tế, tiếng Anh của chúng ta kém, và Việt Nam đã và đang trở thành ốc đảo trong khu vực khi các nước xung quanh việc biết tiếng Anh đã trở thành kỹ năng cơ bản của những người có học vấn. Còn từ góc độ trong nước, sau mấy chục năm phát triển sau chiến tranh, chỉ có 22% (14/63) tỉnh thành phố cân đối được thu chi ngân sách, còn 78% tỉnh thành thì vẫn tình trạng kinh tế kém phát triển, thu thuế không đủ bù chi ngân sách tại địa phương, trong đó có cả các địa phương đông dân và nổi danh là là đất học như Nghệ An, Thanh Hóa.
Đông dân ở quy mô quốc gia cũng như quy mô địa phương đang là gánh nặng kinh tế xã hội chứ chưa thành ưu thế cạnh tranh, chưa thành nguồn vốn nhân lực.
Nếu tự phát, 1 triệu chỉ là ước mơ
Tuy nhiên, đông dân, hiếu học lại là tiền đề cơ bản cho tham vọng có 1 triệu nhân lực cho ngành công nghiệp CNTT-TT, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có nhân lực CNTT-TT cỡ triệu người (hiện nay trong danh sách này chỉ có 3 nước là Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, trong tương lai 5 - 10 năm Braxin, Việt Nam)… Nhưng cứ để phát triển tự phát, chúng ta sẽ không có con số nhân lực như dự kiến. Thể hiện cụ thể nhất là mùa tuyển sinh 2010, số thí sinh dự thi CNTT-TT giảm, nhiều ngành liên quan đến kỹ thuật công nghệ phải đóng cửa vì không có thí sinh.
Từ góc nhìn của thí sinh và phụ huynh, ngành CNTT-TT dù vẫn là một trong lựa chọn không tồi nhưng không còn nằm trong tốp đầu nữa. Thống kê 2010 của trường Đại học FPT qua khảo sát nguyện vọng của hơn 10 ngàn học sinh phổ thông Hà nội cho thấy chỉ 6.8% có nguyện vọng lựa chọn nghề nghiệp là CNTT-TT, thấp hơn nhiều so với các ngành “hot” khác như các ngành khối kinh tế - tài chính. Chỉ tiêu cho ngành CNTT-TT dự kiến của Bộ Giáo dục Đào tạo phân cho các trường là 15%, và việc tuyển sinh đủ trở thành công việc khó khăn, đặc biệt là với các trường chưa khẳng định được tên tuổi. Mâu thuẫn nảy sinh là dù ít người học nhưng nhu cầu nhân lực của ngành vẫn rất cao, ngay trường Đại học FPT tuyển đông như vậy nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu nội bộ của tập đoàn FPT mà thôi.
Cần giải pháp từ thấp nhất đến cao nhất
Để có được 1 triệu nhân lực làm việc cho ngành công nghiệp CNTT-TT vào năm 2020, xem đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT-TT thế giới - cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể - từ việc tuyên truyền về viễn cảnh nghề nghiệp giúp thay đổi nhận thức của thí sinh, tạo nguồn nhân lực đầu vào đông đảo cho ngành, đến việc “chạy” chính sách (lobby) ở tầng quản lý cao nhất của quốc gia để dỡ bỏ các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học, dạy và sử dụng nhân lực CNTT.
Muốn phát triển “đột phá”, thì cần có các giải pháp cụ thể mang tính đột phá, được ban hành về mặt pháp lý, tạo được sự đồng thuận và triển khai hiệu quả.
9 giải pháp “đột phá”
Giải pháp 1: Gỡ bỏ các rào cản hành chính pháp lý mang tính phi thị trường liên quan đến quy hoạch, thành lập, chỉ tiêu đào tạo, trần học phí, bù giá trường công… Giải pháp này nhằm tạo một môi trường dạy và học phù hợp – nhằm tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư từ nhiều nguồn, phát triển mạnh hệ thống đào tạo nhân lực CNTT-TT. Việc đào tạo CNTT-TT nhằm cung cấp nhân lực cho ngành kinh tế mang tính thị trường, cho nên cũng cần phải được dẫn đắt bởi các quy luật mang tính thị trường. Các biện pháp quản lý phi thị trường trong đào tạo sau phổ thông - chẳng hạn như quy định hiện nay tuyển sinh vượt chỉ tiêu là hành vi sai trái bị xử phạt hành chính - cần được liệt kê ra, xem xét kỹ và gỡ bỏ đối với đào tạo CNTT ở tất cả các trình độ.
Giải pháp 2: Cho chuyển đổi các khoa CNTT-TT trong các trường cao đẳng - đại học thành các Trường đào tạo CNTT-TT (ICT School) trực thuộc, có pháp nhân và hoạt động theo cơ chế tự chủ, với các trường công thì hoạt động như đơn vị sự nghiệp tự hạch toán có thu. Đây là giải pháp mang tính tổ chức lại hệ thống đào tạo, nhằm tạo một môi trường hoạt động tương đối độc lập, đồng nhất, bình đẳng giữa công và tư, nâng tầm các khoa CNTT lên thành các trường chuyên ngành để có điều kiện áp dụng và hưởng các quy định đặc thù cho đào tạo CNTT-TT.
Giải pháp 3: Có các chính sách (chẳng hạn ưu đãi về các loại thuế) khuyến khích mở doanh nghiệp trong nhà trường và mở trường trong doanh nghiệp, khuyến khích mở các Viện nghiên cứu trong các trường. Với giải pháp này, mội liên hệ giữa đào tạo - sản xuất - nghiên cứu sẽ mang tính hữu cơ, chặt chẽ hơn.
Giải pháp 4: Xây dựng chính sách và hỗ trợ đầu tư để hình thành một số Khu đào tạo CNTT-TT - Quản lý - Ngoại ngữ tập trung tại một số địa phương. Khu đào tạo tập trung có thể xem như một dạng khu dịch vụ - sự phát triển tiếp theo của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Các khu này có thể là một phần khu công nghiệp - khu công nghệ cao hoặc là khu riêng biệt, nơi tập trung các trường đào tạo chất lượng cao có chọn lọc và sử dụng chung các dịch vụ sinh viên như ký túc xá, thu viện, sân vận động. Đây cũng là giải pháp giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương đông dân.
Giải pháp 5: Có quỹ kích cầu để triển khai các giải pháp tài chính cho vay ưu đãi cho các hạng mục đầu tư vào đào tạo nhân lực CNTT-TT. Tiếp tục có các chính sách ưu đãi thuế ở mức độ cao cho các tổ chức - doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ và đào tạo CNTT-TT. Chính sách này thu hút đầu tư vào ngành CNTT-TT do được ưu đãi về thuế cao hơn so với các ngành khác. Việc nhiều cơ sở sản xuất dịch vụ ra đời, nhiều trường ra đời, sẽ là nền tảng để có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, đồng thời tăng khả năng đáp ứng từ các cơ sở đào tạo.
Giải pháp 6: Triển khai mô hình tín dụng cho sinh viên theo học các Trường CNTT-TT, trong đó nhà nước hỗ trợ lãi xuất dạng kích cầu, và việc vay do các ngân hàng thương mại thực hiện. Với mô hình tín dụng này, nhà nước chi phần lãi xuất chứ không phải toàn bộ kinh phí vay như hiện nay, việc sử dụng tiền ngân sách hiệu quả hơn, quản lý từ phía nhà nước dễ hơn vì quyết toán dứt điểm hàng năm, đồng thời lôi kéo đông đảo các ngân hàng thương mại vào tham gia thực hiện các chức năng tín dụng.
Giải pháp 7: Hỗ trợ một phần (chẳng hạn 30%-50%) học phí cho sinh viên theo học các chuyên ngành CNTT-TT được thẩm định và được xác định ưu tiên. Giải pháp này sẽ lôi kéo người học vào học CNTT-TT do được ưu đãi về học phí, đồng thời cũng định hướng học những ngành ưu tiên và nâng cao chất lượng của các đơn vị đào tạo. Danh mục các ngành ưu đãi, tiêu chuẩn chất lượng của các đơn vị đào tạo tham gia chương trình này sẽ được xem xét định kỳ, và học phí sẽ được trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo.
Giải pháp 8: Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu tiên cho giảng viên đào tạo CNTT-TT và cho các lao động làm trong ngành CNTT-TT. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thu hút người vào làm việc trong ngành CNTT-TT, tạo cho ngành CNTT-TT có sức hút tốt hơn các ngành khác. Là một giải pháp tài chính, tuy nhiên nhà nước không phải chi tiền ra mà khấu trừ trực tiếp vào phần thuế thu nhập cá nhân phải chịu. Truớc đây giải pháp tương tự đã đuợc áp dụng cho người làm phần mềm được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân như người nước ngoài, hiện nay chính sách thuế với người nước ngoài và trong nước như nhau cho nên không còn hấp dẫn nữa.
Giải pháp 9: Thành lập Vụ/Cục Phát triển Nhân lực CNTT-TT (thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) để quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển. Việc giao trách nhiệm này cho Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ khó hiệu quả, do Bộ Giáo dục Đào tạo phải tập trung quản lý chung cho nhân lực tất cả các ngành, không có thời gian lo nhân lực đặc thù cho một ngành và khó triển khai các chính sách riêng biệt. Vụ/Cục thành lập mới sẽ chịu trách nhiệm đề xuất, “lobby” chính sách, triển khai các chương trình tuyên truyền (“PR”) cho xã hội, và hỗ trợ, tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.
Tin tưởng
Các giải pháp có thể kèm theo các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, chẳng hạn đến 2015, cắt 100% giải pháp quản lý đào tạo CNTT-TT mang tính phi thị trường, ít nhất 75% khoa CNTT-TT chuyển thành trường CNTT-TT, có 50% các trường thành lập doanh nghiệp và 25% số trường do doanh nghiệp thành lập, v.v… Giải pháp 1-2 chỉ thuần túy là chính sách mang tính mở cửa. Các giải pháp 3- 8 có sự hỗ trợ “mồi” từ phía nhà nước dạng giảm thu, hỗ trợ một phần tài chính hoặc vay kích cầu, nhằm thu hút người học, người dạy, người làm CNTT, các tổ chức đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Giải pháp 9 để có “Bộ Tổng” quán xuyến chung.
Để có được và duy trì tăng trưởng hợp lý con số 1 triệu nhân lực cho ngành công nghiệp CNTT-TT vào năm 2020, mỗi năm cần đào tạo ra ít nhất 100 ngàn sinh viên, tương đương với khoảng gần 20% số thí sinh học đại học cao đẳng hàng năm, tức cứ 5 người học thì có 1 người học CNTT-TT. Từ việc chỉ có 6.8% học sinh có nguyện vọng học CNTT-TT - lên đến hiện thực hóa 20% theo học và học với chất lượng cao là một bài toán lớn. Nếu có chính sách quốc gia phù hợp, trường đại học FPT sẽ cam kết đầu tư mạnh để thực hiện 1/5 kế hoạch nêu trên, mỗi năm cung ứng 20% nhân lực CNTT-TT chất lượng cao cho đất nước. Nếu các tổ chức đào tạo khác đảm nhận được 4/5 còn lại thì chúng ta có đủ niềm tin vào bức tranh 1 triệu này."
Lê Trường Tùng