Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, xếp Việt Nam ở vị trí thứ 75 trên tổng số 144 quốc gia được khảo sát và thuộc nhóm thấp nhất trong số 5 nhóm – nhóm các nước mới đáp ứng được các điều kiện cơ bản cho Năng lực cạnh tranh.
Vị trí này của Việt Nam thấp hơn 10 bậc so với bảng xếp hạng năm 2011 và trở thành nước đứng áp chót về năng lực cạnh tranh trong số 8 quốc gia ASEAN được lựa chọn khảo sát.
Lựa chọn phương thức nào để thực hiện mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là thử thách lớn đang được đặt ra.
Thực tiễn cho thấy, thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển mới, CNTT và truyền thông không còn đơn thuần là một ngành kinh tế mà đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của mọi ngành, mọi lĩnh vực và chi phối trực tiếp hoạt động của con người.
Ở Việt Nam, từ năm 2000, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp về đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, xác định CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của phát triển, góp phần làm thay đổi sâu sắc sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tới nay, trước những khó khăn và thử thách mới mới, việc xác định vai trò nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính chất tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia của CNTT là một nhu cầu bức thiết.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Cấp cao về CNTT – TT sẽ là cơ hội để thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế tầm nhìn và các định hướng, giải pháp nhằm phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu của diễn đàn năm nay là tăng cường nhận thức về quan điểm xác định vai trò nền tảng cho phương thức phát triển mới của CNTT với các nội dung tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng CNTT quốc gia, cải các thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách giáo dục và đào tạo.
Phát biểu tại buổi khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Từ thực tế phát triển, chúng ta cần khẳng định, CNTT là trục kết nối chính, là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định, góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, từ hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: L.V.
Thủ tướng cũng chỉ ra 7 biện pháp cụ thể mà các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện để CNTT thực trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới. “Phát triển và ứng dụng CNTT phải được coi là nhiệm vụ quan trọng toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị xã hội phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá cao ý nghĩa và mục đích của diễn đàn… và rất mong diễn đàn tập hợp và phát huy được trí tuệ sáng tạo của giới CNTT để ngày càng có nhiều khuyến nghị môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển CNTT – TT nước nhà.
“Trong xã hội ngày nay, không có lĩnh vực nào, ngành nào không có sự hiện diện của CNTT. Vai trò của CNTT đối với đời sống xã hội là vô cùng to lớn. Nó không chỉ đẩy mạnh, nhanh về quá trình phát triển mà còn thay đổi phương. Trong thời gian tới, CNTT sẽ tạo nên sự phát triển đột phá của đất nước”, Bộ trưởng nói.
Ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á. Ảnh: L.V.
Là khách mời đặc biệt của Diễn đàn CNTT – TT năm nay, ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á cũng đã có bài phát biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chiến lược phát triển CNTT – TT tại nước Nhật. “Trong lĩnh vực CNTT – TT, điều quan trọng đối với Việt Nam là đầu tư nguồn nhân lực vào phát triển nguồn nhân lực, sao cho trong tương lai gần nhân dân Việt Nam có thể hiện thực hóa bằng chính sức mình, một xã hội mạng phổ cập (ubiquitous network society)”.
Ông Yukio Hatoyama cũng khuyến nghị Việt Nam nên xem xét hệ thống trường trung học nghề giống như Nhật Bản. Theo ông Yukio Hatoyama, tại Nhật, hệ thống giáo dục nói chung bao gồm 6 năm tiểu học rồi 3 năm trung học tiếp theo và 4 năm đại học. Tuy nhiên, giáo dục chuyên môn tập trung vào kỹ nghệ và công nghệ cũng có cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở với 5 năm trung học nghề nhằm đào tạo sinh viên có các kỹ năng thực hành công nghệ.
“Tại Nhật, trong khi khoảng 94% sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm thì trung học nghề có tỷ lệ việc làm là 100%”, ông Yukio Hatoyama cho biết.
Diễn đàn CNTT – TT 2013 sẽ diễn ra đến hết ngày hôm nay với 3 cuộc tòa đàm với các nội dung: Hạ tầng thông tin quốc gia; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp; Cải cách giáo dục đào tạo và Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô.
Lê Văn
Theo Vietnamnet