- Đang được gọi là Hiệp sỹ công nghệ thông tin, anh bị cư dân mạng gắn biệt danh Quảng “Nổ”. Anh thấy gì từ sự chuyển đổi đặc biệt này?
- Tôi ngẫm thấy việc này có liên quan đến việc Bkis chuyển phần mềm diệt virus Bkav sang kinh doanh từ 5 năm trước, sau hơn 10 năm cung cấp miễn phí. Khi còn miễn phí, mọi người dễ thông cảm và không phàn nàn nhiều hoặc nói xấu về ông Quảng vì có thể họ nghĩ rằng ông ấy chẳng được gì mà chỉ đi giúp mọi người. Cũng vì thế, việc phong danh hiệu là Hiệp sĩ công nghệ thông tin, Bác sĩ máy tính… cũng đến tự nhiên.
Thế nhưng, khi sản phẩm được bán, nhiều người trước kia dùng sản phẩm miễn phí, nay phải trả phí hoặc vẫn dùng phiên bản miễn phí nhưng ít tính năng hơn so với phiên bản thương mại, thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Giờ đây tất cả mọi sai sót về Bkav, cũng như phát ngôn của tôi đều bị “soi” rất kỹ.
- Như anh nói thì có thể hiểu là nhiều cư dân mạng đã đổ tiếng “oan” cho anh?
- Tính tôi thẳng thắn, thấy thế nào thì nói vậy và làm theo đúng những gì mình nói. Tuy nhiên, việc bị gọi là nổ cũng có những lý do cả chủ quan từ tôi, lẫn khách quan do hoàn cảnh.
Ở Việt Nam người ta quảng cáo trên truyền hình về nước rửa bát với một miếng giẻ bay vèo một cái là bát, đĩa sáng bóng. Làm gì có chất tẩy rửa nào kinh khủng như thế nhưng họ vẫn quảng cáo như vậy. Đến thế mà mọi người vẫn chấp nhận một cách hoàn toàn bình thường, không ai soi nhà sản xuất. Bởi đó là sản phẩm tiêu dùng thông thường và đã là quảng cáo thì phải có tính ước lệ ít nhiều.
Còn khi Bkis quảng cáo phần mềm diệt virus mới trên truyền hình thì lại khác. Bkav là một sản phẩm phần mềm đóng gói do một công ty trong nước sản xuất lại được quảng bá rộng rãi là điều ít có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó, nó được nhiều người trên cộng đồng mạng soi rất ghê, đôi khi đến mức hà khắc.
|
Biếm họa "Chuyên gia chất nổ" - Nguyễn Tử Quảng. Ảnh minh họa: ST |
Tôi nghĩ soi sản phẩm cũng rất tốt, bất kỳ sản phẩm nào trong quá trình phát triển cũng có thể có khiếm khuyết. Bkav cũng không là ngoại lệ, nhưng như thế có phần quá khắt khe với Bkav và cả với cá nhân tôi.
Ngay cả các mẹ trên Webtretho, một nơi không bàn nhiều đến công nghệ cũng bảo tôi là Quảng "Nổ", Otofun cũng bảo Quảng "Nổ". Vào Google search Nguyễn Tử Quảng là có ngay chữ “nổ” đằng sau, search hình ảnh của Nguyễn Tử Quảng thì có ngay hình ảnh tôi và trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima. Họ tha hồ phóng tác hình ảnh về Quảng cầm bom, đóng phim hành động, rồi phóng tác cảnh trên poster cùng siêu sao phim hành động vừa chạy nhưng vẫn ngoái lại “đợi anh tí để anh quăng nốt quả bom này”.
- Nhưng nước rửa bát và phần mềm diệt virus cực kỳ khác nhau. Thế nhưng anh lại nói rằng phần mềm của Bkis còn tốt hơn cả những hãng hàng đầu thế giới. Ai sẽ tin điều anh nói?
- Đúng. Nếu ai đó nói với mọi người là tôi làm cái cốc, cái chén này “long lanh” chẳng kém gì của ngoại thì không ai nói gì. Nhưng nếu bảo làm sản phẩm công nghệ này tốt hơn nước ngoài, mà nhất là so với những anh đứng đầu thế giới thì đúng là khó tin thật. Nhất là khi Việt Nam lại là một nước kém phát triển về công nghệ.
Trong bối cảnh đó, việc những người không tin gọi tôi là Quảng “Nổ” cũng có lý do của họ. Vì ít có tiền lệ các sản phẩm công nghệ trong nước lại có thể cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, nên trọng số niềm tin đối với các phát biểu như vậy là rất thấp, đó cũng là một hoàn cảnh khách quan. Do đó, tôi chấp nhận việc có thể có nhiều người chưa tin mình.
- Nếu anh đã biết vậy thì tại sao còn đưa ra những thông tin đó để rồi bị gọi là Quảng “Nổ”?
- Trước năm 2005, Bkav đã có 10 năm cung cấp miễn phí cho cộng đồng và theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong thời gian đó, về cá nhân tôi được rất nhiều, được phong làm Hiệp sĩ công nghệ thông tin, bác sĩ máy tính. Tuy nhiên, sau này tôi mới nhận ra sự phát triển như vậy là quá chậm.
Chỉ sau 5 năm thương mại hóa sản phẩm, Bkav đã có bước phát triển hơn nhiều lần so với cả 10 năm trước. Mà đã kinh doanh thì phải quảng cáo chứ không thể để nó tự “hữu xạ” được. Không sản phẩm nào trong thế giới hiện đại này có thể thiếu quảng bá mà vẫn thành công.
Tôi chấp nhận hy sinh danh hiệu cá nhân “Hiệp sĩ”, thậm chí bị gọi là “nổ” để có được sự phát triển nhanh, bền vững hơn cho Bkav và xét cho cùng thì xã hội cũng được lợi.
|
Nguyễn Tử Quảng với biếm họa "nổ" dưới hình ảnh điệp viên 007 - James Bond. Ảnh minh họa: ST |
- Ngoài việc gán cho anh biệt danh Quảng “Nổ”, cư dân mạng còn phát tán một clip hài “Anh hùng nổ” để chế nhạo. Anh có tìm hiểu tại sao cư dân mạng lại thích châm chọc mình như vậy không?
- Clip này xuất hiện sau khi có thông tin về việc Bkis giúp Hàn Quốc và Mỹ truy tìm tin tặc đã tấn công họ qua mạng Internet. Trước đó, 2 nước này bị tấn công qua mạng gần một tuần nhưng chưa tìm ra nguồn gốc để truy tìm thủ phạm. Cơ quan an ninh mạng của Hàn Quốc gửi thư cầu cứu đi khắp nơi, trong đó có Bkis. Khi tìm ra được nguồn gốc để truy tìm thủ phạm và giúp được họ, chúng tôi rất tự hào.
Thế nhưng sau đó, chỉ cần có thông tin là không phải Hàn Quốc nhờ Bkis mà do Bkis tự xúc tiến điều tra thì dư luận lập tức đảo ngược. Trong khi đó, chúng tôi vẫn giữ 2 email mà phía Hàn Quốc gửi cầu cứu và họ đã dùng kết quả điều tra của chúng tôi để truy tìm thủ phạm tại Anh.
Sau này chúng tôi hiểu ra rằng vì sao Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính phía Hàn Quốc nói họ không nhờ Bkis. Thực tế là họ gửi đi lời kêu cứu cho tất cả các tổ chức an ninh mạng trên toàn cầu thông qua 1 mailing list, trong đó có Bkis. Dù vậy, một cách rất tự nhiên, họ nghĩ sẽ nhận được hỗ trợ từ những nước lớn như Pháp hay Đức…, chứ không nghĩ sự giúp đỡ lại có thể từ một nước kém phát triển về công nghệ như Việt Nam. Ngay sau đó, clip “Anh hùng nổ” xuất hiện.
Ở đây, điều tôi nhận ra rõ ràng hơn là nếu mình nói có thể làm tốt hơn cả những nước hàng đầu thế giới về một việc gì đó thì trọng số niềm tin của phát biểu đó gần như bằng không. Có nhiều điều không có trong tiền lệ và muốn được công nhận thì chúng tôi chấp nhận phải làm được nhiều hơn thế.
- Khi lần đầu tiên bị gọi là Quảng “Nổ”, anh có cảm giác gì?
- Lúc đầu, điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Bị “chửi” là nổ, chuyên quăng lựu, quăng bom, tôi stress lắm. Anh thử hình dung, được mọi người gọi là Hiệp sĩ công nghệ thông tin, bác sĩ máy tính cả chục năm, giờ chuyển ngay sang thái cực ngược lại thì bảo không buồn sao được.
Hay như ở gia đình, bố mẹ tôi xưa nay vẫn quen với việc người ta gọi con mình là “Hiệp sĩ”, giờ lên mạng thấy toàn thấy Quảng “Nổ” với Quảng “Bom”, sao mà các cụ không buồn. Trong khi đó, thâm tâm mình cũng chỉ muốn làm tốt hơn cái việc trước kia mình đã làm, vẫn là giúp cho các máy tính được an toàn mà thôi.
- Còn bây giờ anh đã quen với việc bị gọi là Quảng “Nổ”?
- Tôi làm việc hơn chục năm trong lĩnh vực này, cũng gặp nhiều chuyện thị phi như thế này rồi. Tôi nghiệm ra rằng, thôi thì cứ làm việc hết mình rồi sớm muộn thế nào điều tốt đẹp cũng sẽ đến và mọi người cũng sẽ hiểu ra. Trừ khi mình làm bậy, còn nếu mình có năng lực, đam mê và có cái tâm tốt thì mọi người rồi cũng nhận ra và sẽ ủng hộ thôi.
Nguyễn Từ Quảng sinh ngày 11/6/1975, viết phần mềm diệt virus BKAV phiên bản đầu tiên năm 1995 khi còn là sinh viên năm thứ 3 của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong suốt 10 năm sau đó, Quảng và một số người bạn khác tiếp tục viết các phiên bản diệt virus mới của BKAV và cung cấp miễn phí cho tất cả những ai cần sử dụng.
Để có thể duy trì niềm đam mê viết phần mềm diệt virus, Quảng và những người bạn của mình phải đi làm thuê đủ các công việc để kiếm sống. Năm 2003, Quảng được tạp chí eChip tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin vì những đóng góp vô điều kiện mà anh đã làm cho giới công nghệ thông tin trong nhiều năm, mà chủ yếu là với phần mềm diệt virus BKAV.
Năm 2005, Nguyễn Từ Quảng quyết định thương mại hóa BKAV và thành lập Công ty an ninh mạng Bkis. Kể từ thời điểm này, cuộc hành trình với những biệt danh mới của vị Hiệp sĩ công nghệ thông tin cũng bắt đầu.
|
Hoàng Ly