Hiện nay, ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá tốt, đạt từ 30 - 40% năm, tỷ trọng trên GDP chiếm 0,4%
Hội thảo cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) cho thị trường Nhật Bản do trường ĐH FPT và trường Quản trị kinh doanh HSB phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Theo ông Trần Đoàn Kim, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), hiện nay ngành công nghiệp phần mềm ở VN có mức tăng trưởng khá tốt, đạt từ 30 - 40 %/năm, tỷ trọng trên GDP chiếm 0,4% với hơn 720 doanh nghiệp với gần 9.000 kỹ sư, cử nhân CNTT đang được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. "Trong 10 năm tới, VN chưa thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp phần mềm, song hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về nhân lực phần mềm", ông Kim nhận định. Giá cả, nguồn lao động dồi dào và đặc biệt là nhân lực trẻ xuất sắc là những lý do chính để nhiều công ty nước ngoài tìm đến Việt Nam - ông Yokomizo, Giám đốc Công ty USOL Việt Nam nhận định tại hội thảo.
Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, đại diện VINASA cho rằng VN cần đầu tư sử dụng giáo trình và giảng viên quốc tế, tăng cường dạy ngoại ngữ, hình thành hệ thống các trường ĐH, CĐ chuyên ngành CNTT theo chuẩn quốc tế và quan trọng là liên kết thu hút các doanh nghiệp phần mềm tham gia vào quá trình đào tạo.
Tại hội thảo, với cương vị là nhà tuyển dụng, các công ty phần mềm VN và Nhật Bản đã nêu ý kiến về yêu cầu đối với những kỹ sư phần mềm làm việc cho các đối tác Nhật. Trong khi đó, các đơn vị đào tạo cùng nhau trao đổi về việc thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp, những kiến thức và kỹ năng cần thiết phải trang bị cho sinh viên để có thể sẵn sàng đáp ứng cho công việc trong tương lai cũng như những yêu cầu khắt khe từ các đối tác Nhật.
Ông Yokomizo đã đưa ra những lời khuyên hết sức thiết thực cho những bạn trẻ Việt Nam làm trong lĩnh vực CNTT trong việc xây dựng tác phong làm việc, đặc biệt là trong các công ty Nhật. "Các bạn nhất định phải ghi chép những chỉ thị trong công việc, vì nếu không ghi chép mà chỉ nhớ láng máng rồi làm việc thì sẽ hay mắc lỗi. Ghi chép rồi nhưng nếu có những vấn đề không hiểu rõ thì phải xác nhận lại".
Hình ảnh một nhân viên, doanh nhân được các doanh nghiệp Nhật kỳ vọng, theo ông Yokomizo, đó là người biết tuân thủ quy tắc, thời gian; coi trọng sự hợp tác trong công việc (team-work); biết đứng ở vị trí của khách hàng để đảm bảo chất lượng. Cuối cùng, theo ông Yokomizo, nếu muốn trở thành chuyên gia trong bất cứ việc gì thì nên duy trì công việc ít nhất trong 3 năm, hoặc 5 năm. "Tôi thường thấy nhiều người nhảy rất nhiều công ty vì muốn lương cao hơn. Mọi người lấy lý do là phát triển sự nghiệp nhưng chỉ với 1- 2 năm thì sẽ chẳng có sự nghiệp ở bất cứ đâu. Những người được gọi là hạng nhất phải nỗ lực hơn 10 năm", ông Yokomizo khẳng định
Trường Sơn
(theo báo Thanh Niên)