Ám ảnh vào-đại-học
Tại sao lại phải vào-đại-học? Nếu không-vào-đại-học thì sao? Và nếu có vào-đại-học rồi, thì sẽ ra sao?
Ở cấp độ mỗi gia đình, vào đại học là niềm vinh dự lớn cho cá nhân, gia đình, dòng họ. Đối với những nhà có truyền thống gia giáo, yêu cầu vào-đại-học lại càng cấp bách. Đối với những nhà mà cha mẹ đã thiệt thòi đường học hành, thì việc con cái được vào-đại-học là điều rất mực mong mỏi.
Nhà nhà, người người đua nhau vào-đại-học.
Vào đại học đang được hiểu là con đường tốt nhất để hoạch định cho tương lai, nhưng sự thực có phải như vậy?
Tại sao thế nhỉ? Tại sao lại cứ nhất thiết phải vào-đại-học?
Câu này đem hỏi chính đối tượng dự thi và người thân của họ, thường sẽ có câu trả lời: vào đại học để sau này kiếm được cái nghề tử thế, nhàn hạ, rồi dần dần mới kiếm được cái danh, cái bổng.
Vậy hóa ra, nếu không thể vào đại học, người ta không có được những thứ ấy?
Câu này người dân thường khó trả lời hơn, vì họ vốn quen nghĩ có con vào đại học thì đời con sẽ sướng hơn. Chứ ngược lại thì... cũng chưa biết thế nào.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng rải rác có dăm ba diễn đàn đưa ra quan điểm: vào đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời lập nghiệp.
Thì đúng rồi, không phải là con đường duy nhất, nhưng hiện tại, nó đang được nhiều người hiểu là tốt nhất.
Sự thật thì nó có phải là tốt nhất không? Những người đã vào được đại học trở nên giỏi giang thế nào sau khi ra trường? Tỉ lệ đáp ứng công việc thực tế là bao nhiêu? Những con số thảm hại này không cần phải nhắc lại, nhiều người đã rõ cả rồi.
Chỉ biết rằng, các nhà tuyển dụng vẫn một mực kêu gào thiếu nhân lực trầm trọng, không có đủ nhân lực tốt nghiệp đại học đáp ứng được yêu cầu công việc, kiến thức của người học đại học quá lỗi thời....
Vào đại học hay không?
Ngổn ngang trăm mối tơ vò, vậy người đi thi biết có nên vào-đại-học hay không?
Người dân vốn không quan tâm nhiều đến các vấn đề lý thuyết vĩ mô. Song, tự mỗi quyết định của họ sẽ có những tác động đến hoạt động vĩ mô. Càng có nhiều quyết định cảm tính như vậy đưa ra thì càng có nhiều tác động xấu đến cấp vĩ mô.
Khi người dân chỉ được hiểu và chỉ được biết là con đường vào đại học là con đường tốt nhất để có cuộc sống tốt hơn trong tương lai, hiển nhiên họ sẽ chọn con đường đó, bất chấp khả năng thực lực.
Trong khi đó, ở cấp vĩ mô, lại chưa có những động thái tích cực để cho người dân thấy còn có con đường khác mở ra trước mắt một học sinh tốt nghiệp trung học - nhiều cơ hội sống và phát triển tốt ngoài con đường vào đại học - con đường học nghề.
Xin đừng vội dè bỉu cái sự học-nghề! Vì sự học-nghề đúng nghĩa không phải như ta vẫn thường thấy.
Học nghề là phải học cho được một cái nghề kiếm sống, làm giàu, góp phần phát triển xã hội.
Còn học nghề ở ta hiện nay, ngay từ chủ trương, mới chỉ dừng lại ở việc xóa đói giảm nghèo, thế thì trách sao được không có tính lý tưởng để thanh niên hướng tới.
Đối với những lớp học nghề do tư nhân tự mở, mức học phí không
nằm trong khung có thể chi trả của các gia đình nghèo
Học nghề đang là gì và nên là gì?
Phải thừa nhận rằng, các chương trình dạy nghề ngắn hạn hiện nay của nhà nước không đủ sức hút đối với đối tượng tuyển sinh và gia đình. Các khóa ngắn hạn được phân bổ về địa phương theo kiểu chỉ có rót tiền, có bao nhiêu làm bấy nhiêu dự án, không có quy hoạch, không có định hướng rõ ràng. Nhiều học viên chưa học thành nghề đã phải bế giảng khóa học.
Còn đối với những lớp học nghề do tư nhân tự mở, thì mức học phí không nằm trong khung có thể chi trả của các gia đình nghèo - trong khi họ là đối tượng cần nghề nhất để duy trì và nâng cao đời sống.
Chương trình dạy nghề, nếu muốn gặt hái được hiệu quả, phải được thực hiện với tư cách là một chương trình quốc gia, miễn phí ở mức tối đa ngân sách cho phép, không chỉ nhằm xóa đói giảm nghèo, mà hướng tới mục tiêu làm giàu.
Ngay từ cấp phổ thông trung học, học sinh đã được tìm hiểu và làm quen với hệ thống dạy nghề. Tùy theo điều kiện học lực và gia đình, mỗi em có thể chọn cho mình một chương trình phù hợp. Sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh có thể vào thẳng học nghề mà không phải nuôi ảo vọng vào đại học, để rồi lãnh lấy những kết quả bi đát do lỡ chuyến tàu tương lai.
Bài học từ một nước láng giềng rất gần có nhiều điểm có thể tham khảo là Nhật Bản. Ở nước này, việc học và dạy nghề được đã được coi là chìa khóa để tiến vào hiện đại hóa từ thời Minh Trị Duy Tân, qua 2 lần cải cách giáo dục lớn. Cùng với phổ cập tiểu học, hệ thống các trường dạy nghề được lập nên và hoạt động một cách hiệu quả, đã đưa Nhật trở thành một nước có nền công nghiệp phát triển.
Bắt đầu lại từ đầu
Tất cả những điều này làm vỡ òa nhiều tình trạng - mà tình trạng nào cũng đáng báo động: quá tải đại học, thiếu lao động có tay nghề, số lượng lớn thanh niên nhập cư vào thành phố và các khu công nghiệp chỉ để bán rẻ sức lao động cơ bắp đơn thuần.
Hàng loạt các vấn đề xã hội nảy sinh: mất kiểm soát lượng dân nhập cư, gây xáo trộn lớn về an ninh xã hội, mất cân đối về cơ cấu dân số và ngành nghề theo vùng miền.
Một mặt, chúng ta đang sản sinh ra một thế hệ người tốt nghiệp đại học thiếu các kiến thức thực tế (do bị ngâm quá lâu trong môi trường đại học lỗi thời). Mặt khác, ta lại cũng đang phá bỏ đi một lực lượng lao động đầy tiềm năng - lao động có kĩ năng đáp ứng được các yêu cầu tại các khu công nghiệp cao (do không được đào tạo bài bản và có trách nhiệm).
Khó có thể trốn tránh thêm được nữa: bắt đầu từ chính sách vĩ mô, bài toán này cần được đặt lại và tìm lời một cách giải thật nghiêm túc!
Linh Thủy