Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Mỹ Dung, Hiệu trưởng trường đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, nhận định: "Các thông số về đào tạo nhân lực tăng đều 3 năm, nhưng những thách thức trong việc đào tạo chất lượng đang là vấn đề đáng quan tâm hơn".
Trong báo cáo "Toàn cảnh về đào tạo nguồn nhân lực CNTT VN hiện nay", bà Dung phân tích những thách thức về chất lượng ngành đang phải đối mặt: sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế - đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho gia công xuất khẩu (oursource) cho các tập đoàn lớn đầu tư vào VN.
Ngoài ra, các áp lực về kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ, năng suất lao động so với các quốc gia khác... cũng là những yếu tố quan trọng cần tập trung khi đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành này.
Theo báo cáo này, hiện 390 trường trong cả nước có những chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực CNTT, tăng 43 trường so với năm trước. Trong đó, tổng số lượng tuyển sinh đào tạo năm nay là hơn 50 nghìn. So với năm 2007 con số này tăng hơn 11 nghìn sinh viên.
Bản đánh giá về chất lượng sinh viên mới ra trường của HCA cũng cho thấy các doanh nghiệp đều nêu lên thực trạng đầu tiên là "khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên IT phần lớn còn kém, khả năng trình bày, cập nhật công nghệ mới còn yếu".
Các nhà kinh doanh còn nhận định, sinh viên CNTT mới ra trường còn thiếu kiến thức, khả năng tư duy, làm việc độc lập... Từ đó, các cơ sở đào tạo được doanh nghiệp khuyến cáo là cần đưa nhiều môn học kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy như truyền thông và phương pháp làm việc nhóm.
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc tập đoàn công nghệ CMC, nhận định: "Sinh viên CNTT hiện nay sau khi được đào tạo có đầy đủ kiến thức về chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng cũng như kinh nghiệm để bộc lộ năng lực bản thân". Theo ông Tuấn, sau quá trình tiếp thu những nền tảng về chuyên môn tại môi trường đại học, cao đẳng... sinh viên cần được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo bổ sung các kỹ năng còn thiếu để rèn luyện chất lượng hiệu quả hơn.
Huy Trường