Khi con thi trượt
Posted: 1/8/2008.
Ai cũng mong muốn con đi thi đại học sẽ đỗ, nhưng chẳng may...! Trong trường hợp như thế, sự hụt hẫng là điều khó tránh khỏi. Cụ Tú Xương ngày xưa cũng đã từng ngậm ngùi “Thi không ăn ớt thế mà cay…”. Bởi vậy, trong lúc này con cái rất mong được cha mẹ hiểu, thông cảm và chia sẻ...
Ảnh minh họa: NAO
Việc con cái thi trượt là nỗi buồn chung cho cả nhà. Nhiều gia đình con học rất giỏi nhưng vẫn thi trượt, quả là một cú sốc lớn. Cũng rất nhiều gia đình coi sự đỗ đạt của con là mục đích chính của cuộc đời mình vì tâm lý muốn được nở mày nở mặt với bạn bè và bà con xóm giềng. Do đó, mong muốn con nhanh chóng thành đạt mà khá nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình hoặc cố ý cư xử không phải khi chẳng may chúng thi trượt. Họ cằn nhằn, ca cẩm gây không khí nặng nề trong gia đình, coi con cái như kẻ vô tích sự, không làm nên trò trống gì, trở thành gánh nặng của họ.
Cũng chính từ những suy nghĩ không chín chắn đó đã dẫn tới thái độ, hành động thiếu sự kiềm chế, gây mâu thuẫn trong gia đình. Không ít trường hợp đáng tiếc đã xẩy ra !
Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, việc thi trượt là điều con cái mình cũng như bản thân mình không hề muốn. Thái độ xem thường của cha mẹ chỉ khiến con cái sa vào trạng thái tiêu cực mà thôi. Hãy thông cảm và chia sẻ những khó khăn mà chúng đang phải trải qua. Không nên coi trọng sự việc theo cảm nghĩ của mình, mà hãy coi đó là một sự cố tạm thời của cả gia đình. Tuyệt đối không được than phiền, chê bai hoặc chửi mắng con cái trước mặt khách đến chơi nhà mình. Và điều cấm kỵ nhất trong các cuộc nói chuyện đó là đem so sánh con mình với các bạn của chúng. Nếu làm như vậy sẽ dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm, đem lại sự căng thẳng cho con mình và để lại dấu ấn khó phai mờ nơi chúng.
Trong hoàn cảnh này, cha mẹ phải là người sáng suốt tạo cho con sự cân bằng tâm lý để con cái thấy rằng gia đình chính là nơi chúng cảm thấy yên ổn nhất sau “thất bại”; ở đó chúng cảm nhận được rằng mọi người thân luôn cảm thông với nó. Từ đó chúng có quyết tâm để không phụ lòng yêu thương của mọi thành viên trong gia đình.
Cảm giác chán nản, tuyệt vọng là điều rất dễ xâỷ ra khi bị thi trượt. Sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố quan trọng để cho con cái ổn định, lấy lại niềm tin. Nếu thấy con đã tìm được thú vui nào đó như: đi chơi dã ngoại với bạn bè, đánh cờ, chơi thể thao… thì cha mẹ đừng bao giờ ngăn cản chúng. Đó chính là những liệu pháp tâm lý tốt nhất để chúng bớt chán nản, quên đi thất bại vừa qua. Cha mẹ cần làm cho con cái hiểu rằng, việc thi trượt chỉ là một sự cố hoàn toàn có thể khắc phục được và biết đâu đó còn là cơ may để chúng nhận ra ưu, khuyết điểm của mình, có hướng đi đúng đắn, phù hợp với sở trường, năng lực của mình để vươn lên. Tạm thời giúp cha mẹ làm những công việc phù hợp, có ích để không có thời gian gặm nhấm nỗi buồn, không bị chuyện thi trượt ám ảnh.
Khi con chẳng may thi trượt, thái độ và cách cư xử của cha mẹ là yếu tố quan trọng để chúng lấy lại niềm tin. Không nên để áp lực thi cử đè nặng lên không khí gia đình mà hãy dành cho chúng sự yêu thương, chia sẻ. Điều đó không những có ý nghĩa hiện tại trước mắt, mà còn ảnh hưởng lâu dài, nâng đỡ con cái mình trên bước đường tiếp theo.
Thái Bình
Các tin mới:
Sinh viên công nghệ tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Phân biệt giữa Front End, Back End và Full Stack Developer.
Tuyến sinh 2018: CNTT vẫn giữ ngôi "vương" nhưng cửa đi vào Đại học "Top" trên đã khép.
6 điều có thể bạn chưa hiểu đúng về lập trình.
5 bí quyết để trở thành lập trình viên xuất sắc.
Các tin cũ hơn:
Đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao: Xu hướng liên kết.
Bốn bí mật của một nhân viên IT thành đạt.
Nhân lực CNTT tăng về lượng nhưng kém chất.
Học từ Bill Gates.
Ám ảnh vào đại học và bài toán cần đặt lại.