Giáo trình “mọc râu” trong các thư viện
Ở bậc đại học, quá trình tự nghiên cứu, tìm tòi và cập nhật kiến thức của sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào sách tham khảo, giáo trình tại các thư viện. Nhưng có một thực tế là lượng giáo trình đã quá cũ nát ở các thư viện vẫn chiếm số lượng lớn, lại có quá ít đầu sách dành cho sinh viên tham khảo. Như thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội, giáo trình xuất bản trước năm 1980 chiếm 30%, từ năm 1980 đến 1990 chiếm 20%, nghĩa là có hơn phân nửa giáo trình ở thư viện của một trường công nghệ và kỹ thuật hàng đầu đang ở tuổi “thượng thọ”.
Ngay như thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội - thư viện được xem là cập nhật, mới hóa giáo trình khá tốt ở Việt Nam - cũng thừa nhận đang phục vụ sinh viên rất nhiều giáo trình, đầu sách đã “lên lão”, thậm chí nhiều cuốn xuất bản từ trước giải phóng như Giải tích hiện đại của Hoàng Tuỵ tập 1 xuất bản năm 1967, tập 2 xuất bản năm 1970; Hướng dẫn giải bài toán giải tích của Dương Thuỷ Vĩ xuất bản năm 1970; Cơ sở phương pháp tính của Phan Văn Hạp tập 1 xuất bản năm 1969, tập 2 năm 1970; Phương pháp luận sử học xuất bản năm 1967 dưới hình thức bản tin tipô...
Thạc sĩ Tạ Minh Hà, Phó giám đốc Thư viện Đại học Bách Khoa cho biết: “Ở các nước cứ sau 5 năm, toàn bộ số giáo trình được thay mới, số hoá và được thanh lý hết. Kiến thức mới được cập nhật đến từng ngày. Trong khi ở ta, thư viện nào cũng có dăm bảy đầu sách giáo trình xuất bản từ những năm 60, 70”. Chính vì thế mà thư viện của Đại học Bách khoa hiện chỉ phục vụ được khoảng 30-40% nhu cầu của sinh viên, nhiều sinh viên buộc phải dùng chung những giáo trình đã “nát bươm” qua nhiều thế hệ.
Sinh viên của những ngành học khá mới của Việt Nam lại càng rơi vào tình trạng thiếu giáo trình tham khảo. Các ngành như Luật, Kinh tế, Công nghệ thông tin… luôn cần có những giáo trình được cập nhật thường xuyên nhưng với sinh viên Việt Nam thì phải tự tham khảo bằng sách nước ngoài.
Sinh viên Nguyễn Hồng Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội nói: “Nhiều giáo trình được in mới đây thực tế là “in mới hóa” những giáo trình đã có từ thập kỷ 80, 90. Hầu hết sinh viên tụi mình đều phải tự học, tự cập nhật kiến thức bằng những giáo trình nước ngoài nhưng số sinh viên này không nhiều, họ lại không nắm bắt được đầy đủ kiến thức”.
PGS-TS Ngô Đắc Chứng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế cho hay, một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra có liên quan đến giáo trình và chất lượng giáo trình. Tuy nhiên, xem xét các tiêu chí này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khi hệ thống giáo trình của Việt Nam chưa được biên soạn một cách thống nhất, quy củ, chưa được chuẩn hóa bằng những tiêu chí riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm CNTT ĐH Huế cho rằng, một yêu cầu của giáo viên ĐH bây giờ là có thể soạn giáo trình, bài giảng điện tử. Đây cũng là cách để chống sự “lão hóa” của các giáo trình viết tay ở các thư viện hiện nay vì giáo trình, bài giảng điện tử đòi hỏi rất cao tính cập nhật. Nhưng hiện tại chưa đến 30% GV các trường ĐH, thậm chí có trường chưa đến 10% GV tham gia soạn giáo trình, bài giảng điện tử.
ĐH Huế có hơn 1.700 cán bộ giảng dạy nhưng mới có 108 giáo trình và 128 bài giảng điện tử. Ngay trên cổng thông tin giáo trình, bài giảng điện tử của Bộ GD-ĐT thì cũng chỉ có khoảng 120 giáo trình điện tử của 10 trường ĐH trong cả nước đóng góp. Đây cũng là khó khăn lớn đối với các trường đại học trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục.
|
Giáo trình đại học: Lưu hành nội bộ là chính
Khác với bậc phổ thông trung học, sách giáo khoa là do Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn và in ấn, giáo trình ở bậc đại học do chính giảng viên đại học biên soạn và phát hành. Mỗi học phần được mỗi giáo viên biên soạn để giảng dạy cho sinh viên, thế nên cũng là học phần ấy nhưng có rất nhiều giáo trình khác nhau của nhiều giáo viên khác nhau tại các trường đại học biên soạn.
Tiến sĩ Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, rất nhiều giáo trình giảng dạy do chính giảng viên của trường tự biên soạn lấy. Các giáo trình này do những giáo viên có chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm công tác biên soạn và được thông qua hội đồng kiểm định trước khi in thành sách. Tuy nhiên, hầu hết các giáo trình cũng chỉ được cấp giấy “thông hành” theo dạng “lưu hành nội bộ”.
“Lưu hành nội bộ vì đơn giản các giáo trình chỉ dành cho sinh viên, giáo viên tham khảo thêm chứ không phải là giáo trình chuẩn hóa toàn quốc để áp dụng giảng dạy cho tất cả các trường đại học”, tiến sĩ Bùi Duy Cam khẳng định.
Tính chất lưu hành nội bộ cũng đồng nghĩa với tính cục bộ của giáo trình đại học Việt Nam. Mỗi giáo viên dạy một cách, mỗi trường mỗi kiểu không ai giống ai. Trao đổi về điều này, tiến sĩ Nguyễn Bách Khoa, Hiệu trưởng Đại học Thương mại cho hay, thực tế việc tự biên soạn giáo trình của giảng viên là điều cần được khuyến khích, tuy nhiên quan trọng hơn là giáo trình đó phải được một hội đồng khoa học gồm những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín nghiệm thu.
Cũng đồng nhận xét như trên, PGS-TS Cao Ngọc Thành, quyền Hiệu trưởng Đại học Y Dược Huế cho chúng tôi biết, đối với giáo trình y khoa thì việc biên soạn của các nhà giáo phải rất cẩn thận, chi tiết. “Khoa học thì không thể sai lầm, khoa học về con người lại càng không thể sai lầm. Vì thế giáo trình y khoa của chúng tôi sau khi được biên soạn được dịch sang tiếng Anh và gửi qua hội đồng khoa học uy tín ở trường đại học của Mỹ nghiệm thu. Sau đó lại dịch trở lại tiếng Việt và gửi nghiệm thu ở Bộ Giáo dục - Đào tạo rồi mới phát hành cho giáo viên, sinh viên của trường”.
Thầy Cao Ngọc Thành cho biết thêm, những giáo trình trên tuy thuộc dạng “lưu hành nội bộ”, song được hầu hết các trường đại học, cao đẳng y dược trên toàn quốc sử dụng chung. Tuy nhiên, khảo sát thực tế việc biên soạn giáo trình có quy trình nghiệm thu chặt chẽ như Đại học Y Dược Huế, theo nhiều giáo viên vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Mấy người viết được giáo trình, sách tham khảo?
Thực tế việc biên soạn giáo trình để “lưu hành nội bộ” cũng có rất nhiều cấp: cấp khoa, cấp trường, cấp ngành và cao nhất là lưu hành toàn quốc. Riêng chuyện giáo trình đại học Việt Nam có thể lưu hành quốc tế vẫn được xem là chuyên “xưa nay hiếm”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bả, giảng viên Đại học Nông lâm Huế chuyên ngành Chăn nuôi -Thú y cho biết, để viết được giáo trình như là một sách tham khảo chuyên sâu không dễ, có người phải mất 15 đến 20 năm mới viết được một cuốn từ 200 - 300 trang. Tuy nhiên, như lời tiến sĩ Nguyễn Xuân Bả, người tham gia viết sách giáo trình không nhiều cũng có nhiều lý do riêng. “Có một nghịch lý là những giảng viên trẻ thì chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để viết sách, trong khi đó những người có kinh nghiệm, có kiến thức thì lại không có nhiều… thời gian để viết”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bả nói.
Một điều đáng quan tâm nữa là, rất nhiều giáo viên có chuyên môn lại ngại tham gia viết giáo trình, sách tham khảo. “Giáo trình, sách tham khảo sau khi xuất bản được trả giá quá rẻ, không xứng với công sức mà mỗi nhà giáo - cũng là một nhà khoa học - bỏ ra. Đây cũng là hạn chế không thu hút giáo viên tham gia viết giáo trình, sách tham khảo”, giáo sư Vũ Duy Giảng, nguyên giảng viên Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội chia sẻ.
Sông Lam
(theo Dân Trí)