Nếu có dịp đến thăm trường nội trú Jongro Yongin, một trường chuyên nhồi nhét kiến thức cho học sinh, chúng ta sẽ hiểu tại sao lại gọi đó là... trận chiến.
Trường nội trú Jongro Yongin có khoảng 300 học sinh, tọa lạc ở một vùng ngoại ô dân cư thưa thớt cách Seoul chừng 40km về phía nam. Khuôn viên trường hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài với các đồi thông bao quanh và cách xa phương tiện vận chuyển công cộng ít nhất cũng vài cây số.
Ông Chung, một kế toán viên 50 tuổi, cho biết: “Tôi biết gửi con vào đây không phải là lý tưởng, nhưng phải chấp nhận nếu không muốn phả hỏng tương lai con mình. Việc được vào ĐH quyết định đến 70-80% tương lai của chúng".
Trên thực tế, những người xuất thân từ các trường ĐH nổi tiếng về sau thường dễ có được địa vị cao, lương bổng hậu. Ví dụ gần đây nhất là khi Tổng thống Lee Myung Bak thành lập nội các, hầu hết thành viên (9/10) đều tốt nghiệp từ 3 trường ĐH nổi tiếng nhất Hàn Quốc.
Dĩ nhiên cũng có sự phàn nàn về “nồi áp suất” tại học đường. Số học sinh tự tử ở lứa tuổi từ 10-19 chỉ đứng sau số tử vong do tai nạn giao thông.
Chương trình học dày đặc
Với chương trình học dày đặc và thời gian giải trí ít ỏi, học sinh chỉ còn nước cắm đầu cắm cổ học, từ sáng tinh mơ đến quá nửa đêm, đủ 7 ngày trong tuần.
Trời vừa tờ mờ sáng, khoảng 6g30, còi vang lên và các thầy cô giáo hô to: “Các em dậy đi nào!”. Các học sinh leo xuống giường, tập họp để điểm danh. Sau vài động tác thể dục ở sân trường, làm vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm, học sinh chính thức vào lớp lúc 7g30. Sĩ số mỗi lớp là 30 học sinh. Có một số trường hợp các em học sinh chọn cách “học đứng” ở cuối lớp để tránh buồn ngủ.
Trong vòng 1 giờ nghỉ ăn trưa, một số học sinh tranh thủ chợp mắt đôi chút; một số khác lùa vội chén cơm rồi chạy ra sân chơi bóng rổ hay đá bóng.
Lần điểm danh kế tiếp sẽ được thực hiện vào giấc khuya, lúc 0g30. Sau đó học sinh có thể đi ngủ, ai muốn “gạo bài“ thì có thể tiếp tục đến 2g.
Hiệu phó của trường Jongro Yongin cho biết: “Nói ví von, nơi này chẳng khác một nhà tù đối với bọn trẻ”. Nhiều học sinh phải chịu sức ép cao độ khi ngày thi cận kề mà điểm số chưa thấy gì cải thiện. Đã có khoảng 40% học sinh bỏ học vì không chịu nổi sức ép.
Nghỉ ngơi hạn chế
Vào thứ bảy và chủ nhật, học sinh được phép ngủ thêm 1 giờ và được 2 giờ sinh hoạt tự do để xem phim, giặt giũ quần áo, ngủ hay “gạo bài” tùy thích. Sau mỗi 3 tuần học tập, học sinh có thể về thăm nhà trong 2 đêm.
Kỷ luật gắt gao
Các túi hành lý được kiểm tra khi học sinh đi phép về. Ở đây các học sinh không được thoải mái thưởng thức những gì mà tuổi mới lớn thường ưa thích như trò chuyện bằng điện thoại di động, đọc các tạp chí thời trang, xem tivi, lướt Internet hoặc chơi trò chơi điện tử.
Hẹn hò bị cấm tuyệt. Dọc các hành lang hay trong phòng học luôn có thông báo nhắc nhở những điều cấm kỵ: nam nữ không được bàn chuyện gì ngoài chuyện học, không được trao đổi thư tình hay có cử chỉ thân mật với người khác phái. Tội nhẹ thì phạt quét dọn phòng học và phòng vệ sinh trong vài ngày. Nặng hơn thì bị đuổi học.
Gánh nặng học phí
Mỗi tháng phụ huynh phải gồng mình đóng học phí cho con khoảng 2 triệu won (gần 2.000 USD).
Quyết tâm thành công
Cô nữ sinh viên Park Eom Ji, 19 tuổi, tâm sự: “Bọn em không dùng nhiều mỹ phẩm, không nhuộm tóc, đeo bông tai, sơn móng tay và mặc đồ lòe loẹt. Tụi em tự biết mình đến đây để làm gì”.
Để quyết tâm học tập, nhiều sinh viên đã dán lên bàn học của mình những câu đại loại như: “Hôm nay tôi khóc vì buồn khổ, ngày mai tôi sẽ khóc vì sung sướng” hoặc “Hãy luôn ghi nhớ những hy sinh của bố mẹ để nỗ lực và quyết tâm cao nhất”.
Thảo Vy - báo Tuổi Trẻ
(theo International Herald Tribune)