Ngày 14/3/2009, Giải thưởng CNTT – TT Việt Nam 2008 (Vietnam ICT Awards 2008) của Bộ TT &TT đã trao cho Đại học FPT giải thưởng “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực CNTT xuất sắc nhất” và giải “Doanh nghiệp đào tạo nhiều nhân lực CNTT nhất”. Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT kiêm Chủ tịch Aptech Vietnam nhân sự kiện này.
Là đơn vị từng được trao tặng khá nhiều giải thưởng, vậy việc đạt giải thưởng do Bộ TT &TT trao tặng lần này có ý nghĩa như thế nào đối với Đại học FPT, thưa ông?
Nếu không tính giải thưởng của các hội như VAIP, Vinasa, Hội Tin học TP HCM đã tiến hành gần 10 năm nay, thì đây là giải thưởng CNTT -TT mang tính chất quốc gia đầu tiên do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Việc cơ quan quản lý nhà nước tầm quốc gia trao giải thưởng cho một lĩnh vực đặc thù chứng tỏ tầm quan trọng của ngành này đối với đất nước. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm hơn lại là các tiêu chí xét thưởng. Qua các tiêu chí có thể thấy là nhà nước mong gì ở những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT -TT. Thực sự may mắn – và cũng là điều tôi đánh giá cao với giải thưởng - là qua giải thưởng này thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và các doanh nghiệp đang cùng nhìn về một hướng. Tiêu chí của giải thuởng CNTT -TT lần này thể hiện rõ việc Bộ TT -TT trân trọng các đơn vị có mức độ tăng trưởng cao, còn với một số bộ khác, chẳng hạn Bộ GD &ĐT thì tăng trưởng cao nói chung không được ủng hộ, và việc “cho phép” các cơ sở đào tạo tăng trưởng được xem như là quyền lợi mà các cơ sở này được hưởng chứ không xem như là trách nhiệm xã hội cần thực hiện. Năm nay, kế hoạch tuyển sinh đào tạo Kỹ sư Công nghệ Phần mềm của Trường Đại học FPT thậm chí còn bị Bộ GD&ĐT cắt đi 1/3, không cho tăng so với năm 2008.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là đánh giá của Bộ TT -TT không chỉ qua kết quả hoạt động năm 2008 mà là cho những gì chúng tôi đã cần mẫn làm trong suốt 10 năm qua, bắt đầu từ 1999 với việc mở các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế đầu tiên tại Việt nam. Việc nhận giải thưởng này trong năm 2009 khi chúng tôi kỷ niệm 10 năm hoạt động đào tạo CNTT của mình là một sự trùng hợp thực sự có ý nghĩa.
Trên cương vị là Hiệu trưởng Đại học FPT, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi FPT vượt qua các đơn vị đào tạo khác để giành giải thưởng CNTT -TT Việt Nam 2008?
Rất mừng, vì được trao giải, mà lại là giải cao trong đợt trao giải thưởng CNTT –TT quốc gia đầu tiên. Nhưng cũng buồn, vì quy mô đào tạo CNTT của các đơn vị khác nói riêng và của ngành nói chung còn quá thấp so với nhu cầu. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, khoa CNTT của các trường đại học với 10-15 năm hoạt động dường như đang bằng lòng với chỉ tiêu 200-300 sinh viên/năm, một trường đại học chuyên đào tạo về CNTT thuộc đại học quốc gia cũng chỉ đào tạo 150 kỹ sư công nghệ phần mềm một năm - tức không đủ cho nhu cầu tuyển dụng của một công ty CNTT cỡ trung bình. Dù chỉ mới có gần 2000 sinh viên đại học học lấy bằng kỹ sư công nghệ phần mềm tại trường đại học FPT mà con số này đã vượt nhiều trường đại học khác cộng lại. Số trung tâm đào tạo phi chính quy chất lượng cao của chúng ta hiện không nhiều, hệ thống giáo dục đại học thì vẫn đào tạo theo mô hình “tinh hoa”, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thì tăng theo cấp số nhân, dẫn đến việc giải quyết nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT nói riêng và các ngành có hàm lượng chất xám cao nói chung vẫn là vấn đề rất bức xúc.
Trong thời gian tới, hướng phát triển của Đại học FPT nói chung và khối đào tạo phi chính quy nói riêng sẽ như thế nào, thưa ông?
Mở rộng về quy mô, cùng với việc tăng cường chất lượng là hướng trước mắt. Lâu dài phải tính đến định hướng toàn cầu hóa. Vừa rồi chúng tôi có tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ tổ chức tại TP. HCM, trên 15 ngàn thí sinh đến dự, đông nghịt từ mờ sáng. Chỉ nhìn sự kiện này cũng có thể hình dung truyền thống hiếu học của dân Việt Nam là thế nào. Trong ngày hội này, chúng tôi cũng tranh thủ điều tra xu thế lựa chọn ngành nghề của thí sinh và CNTT -TT vẫn là nghề được chọn nhiều nhất với 29%.
Về lâu dài, đào tạo chính quy hay phi chính quy sẽ phân biệt không phải theo trình độ đào tạo mà chỉ theo phương thức đào tạo.
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học FPT
|
|
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT -TT, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đào tạo nhân lực CNTT -TT ở nước ta hiện nay? Theo ông, điểm yếu nhất của nhân lực CNTT -TT Việt Nam hiện nay là gì?
Chất lượng đào tạo CNTT gần đây có tốt hơn, do áp lực từ nhu cầu xã hội, đồng thời quan hệ giữa giới đào tạo và doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của hệ thống đào tạo CNTT là đang đi theo đuôi doanh nghiệp, chưa thể hiện được yêu cầu nhân lực đi trước một bước. Một điểm yếu nữa là hiện tượng “tốt lỏi” – chỉ một số sinh viên là có chất lượng tốt, chưa tạo được đầu ra tốt với số đông.
Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị đào tạo của FPT vẫn chủ yếu giành cho đối tượng con nhà giàu bởi mức học phí khá cao? Trong giai đoạn sắp tới, FPT có ý định hạ thấp mức học phí nhằm tạo cơ hội cho nhiều bạn thanh niên, học sinh được học tập tại các cơ sở đào tạo của FPT hay không?
Thực ra thì học phí của FPT -Aptech hiện nay không quá cao. Học phí học 1 năm của sinh viên Aptech tại Việt Nam hiện nay chưa bằng 6 tháng lương khởi điểm khi các em tốt nghiệp đi làm, trong khi con số này ở các nước khác là 10 tháng lương. Học phí của Đại học FPT cũng nằm ngoài Top 5 các trường đại học -cao đẳng tại Việt Nam có học phí cao nhất. Để so sánh thì có thể thấy học phí cho toàn bộ chương trình học 4 năm tại trường Đại học FPT không bằng học phí 9 tháng của các trường phổ thông quốc tế tại Việt Nam.
Trong khi hầu hết các trường ngoài công lập đều tăng học phí thì Đại học FPT giữ nguyên mức học phí từ 2006 đến nay, giảm cho các thí sinh có trình độ tiếng Anh tốt, và đặc biệt từ 2008, tất cả sinh viên đều được hỗ trợ kinh phí để trang bị máy tính cá nhân.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Minh Thực hiện
(theo ICTnews)