Đây là những thông tin đưa ra tại hội thảo "Đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong việc xây dựng Luật Nhà giáo" diễn ra tại Hà Nội ngày 28/4.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nhận xét, để tạo ra nhân cách người học thì trước hết, người thầy phải biết thuyết phục HS bằng chính nhân cách của mình.
Ngoài ra, luật cần xác định tính chuyên nghiệp của nhà giáo để hạn chế lao động tản mạn tự do của nhà giáo hiện nay.
Ngành giáo dục đã có văn bản quy định về đạo đức nhà giáo, nhưng ban soạn thảo muốn đưa cả yếu tố này vào luật bởi "hiệu lực của luật mạnh hơn".
"Tuy nhiên, đưa vào nội dung gì thì đang bàn", Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Mạnh Hùng cho hay.
Trước đây, chưa có "chuẩn nghề nghiệp" nên việc đánh giá giáo viên còn chưa đề cập đến phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của nhà giáo; những yêu cầu về năng lực với người thầy, năng lực phát triển nghề nghiệp, ông Trương Đình Mậu, Phó Cục trưởng bổ sung.
Thí điểm chuẩn: Tối thiểu đạt loại khá
Hiện nay, Bộ GD - ĐT đang thí điểm xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT.
Khi đưa "chuẩn" vào thí điểm lại gặp phải khá nhiều vấp váp.
Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), căn cứ theo bộ chuẩn, giáo viên tự đánh giá, sau đó đến tổ chuyên môn và cuối cùng là hiệu trưởng.
"Do định lượng chưa rõ ràng nên với cách đánh giá này 100% giáo viên đạt khá (65 điểm trở lên). Hiệu trưởng cũng không tự hạ thấp xuống được" - Hiệu trưởng Đặng Đình Đại nhận xét.
Sau đó, trường tự quy ra định lượng như: dựa vào kết quả HS, lấy số HS đạt trung bình trở lên của lớp, môn đó xem giáo viên đạt được đến đâu.
Đồng thời, phát phiếu khuyết danh đến từng HS để lấy ý kiến. Nhà trường sẽ công khai kết quả trước 2.100 HS.
Ngoài những phần tự đánh giá, giáo viên nào chỉ số tín nhiệm thấp sẽ buộc phải hạ bậc.
Ông Đại nói thêm, cách làm này phân loại được giáo viên khá, giỏi, đạt và chưa đạt. Còn theo như cách của Bộ thì không có giáo viên không đạt, mà đều từ khá trở lên.