Cuộc Đối thoại Công nghệ thông tin – Đánh giá đa chiều diễn ra chiều nay tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT Thế giới 2009 (WITFOR) được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Đây là cuộc giao lưu giữa Chính phủ và những người làm CNTT trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân là người trả lời đầu tiên câu hỏi của các sinh viên CNTT. Trong đó, có câu hỏi được mong chờ Phó Thủ tướng trả lời là nếu trẻ lại như các sinh viên bây giờ, ông có chọn CNTT làm sự nghiệp của mình không?
Phó Thủ tướng nói thời thanh niên của ông chưa có máy tính như bây giờ. Theo ông, nếu chọn CNTT làm nghề thì cũng phải xem có năng khiếu nhất định gì không, chẳng hạn về toán cũng không nên yếu quá. Nhưng mặt khác cũng phải có niềm yêu thích nghề. Ông cũng có một người con gần 30 tuổi chọn học xử lý thông tin và đang làm tiến sỹ về xử lý thông tin. “Chắc là cháu cũng đã đại diện cho tôi nếu tôi ở lại tuổi thanh niên”, câu trả lời ngắn của Phó Thủ tướng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các sinh viên có mặt trong khán trường.
Đối thoại giữa Chính phủ và những người làm CNTT. Ảnh: Thanh Hải
|
|
Cuộc đối thoại với sinh viên, học sinh với ba “đại gia” CNTT là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Tổng giám đốc IBM Vietnam Võ Tấn Long và Tổng giám đốc Intel Vietnam Thân Trọng Phúc thực sự thú vị và dường như cả hai bên hỏi-đáp không muốn kết thúc nếu như người dẫn chương trình không nhắc thời hạn của chương trình sắp kết thúc.
Mỗi người đến với CNTT từ những nguyên cớ khác nhau, người vì mưu sinh như ông Thân Trọng Phúc, người rẽ sang ngang như ông Trương Gia Bình nhưng tất cả đều có điểm chung là đam mê nghề CNTT một khi đã dấn thân. Ông Võ Tấn Long nói với ông, CNTT mở ra cơ hội bất tận để phát triển bản thân, CNTT là không ngừng sáng tạo.
Điều nhiều sinh viên CNTT mong muốn được nghe chính những người đứng đầu các công ty CNTT hàng đầu tại Việt Nam xác nhận là họ có sự phân biệt gì trong tuyển dụng giữa một ứng viên học ở nước ngoài và một ứng viên Việt Nam.
Cả ông Võ Tấn Long và ông Thân Trọng Phúc nói là không có sự phân biệt nào. Ông Phúc cho biết, khi trở về Việt Nam làm việc cho Intel Vietnam, ban đầu ông cũng cho là những người đã tốt nghiệp ở nước ngoài có ưu thế hơn. Tuy nhiên, sau đó ông nhận thấy sinh viên Việt Nam sáng tạo hơn qua ví von sinh viên ở nước ngoài về như gà công nghiệp, sinh viên Việt Nam như gà vườn. Tất nhiên là mỗi bên có những lợi điểm riêng nhưng hiện khi tuyển dụng, Intel lựa chọn dựa trên ba tiêu chí: tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm và sự sáng tạo, hăng hái, đam mê trong công việc.
Từ phải qua: ba "đại gia" Trương Gia Bình, Thân Trọng Phúc và Võ Tấn Long truyền thêm lửa đam mê CNTT cho thế hệ tiếp theo. Ảnh: Thanh Hải
|
|
Ông Trương Gia Bình lại nói ngược lại, là FPT có sự phân biệt. Không nói trực tiếp sự phân biệt đó là gì, nhưng ông Bình cũng hé lộ qua thực tế là hiện ở FPT, phụ nữ chiếm giữ nhiều vị trí lãnh đạo và trong một hợp đồng giành được từ IBM Nhật Bản, lợi điểm của FPT được đối tác đánh giá cao là tỷ lệ phụ nữ, cách đối xử đối với phụ nữ trong công ty chứ không phải là công nghệ.
Những gì các diễn giả tuyên bố tại cuộc đối thoại trực tiếp này đã phác họa nên một viễn cảnh sáng lạn của ngành CNTT Việt Nam; truyền lửa CNTT cho các học sinh, sinh viên theo dõi chương trình. Cảnh Phương, sinh viên năm thứ hai Đại học FPT (Hà Nội) nói cuộc đối thoại thực sự bổ ích, đặc biệt là cuộc trò chuyện thân thiện với ba lãnh đạo FPT, IBM Vietnam và Intel Vietnam. Còn em Vi Đạt, học sinh lớp 11 trường Trung học Hoàng Diệu (Hà Nội) tin tưởng tương lai CNTT Việt Nam sẽ rất phát triển. Bản thân em cũng thích CNTT và dự định sẽ theo đuổi ngành này.
Một số hình ảnh khác:
|
Màn múa Lân - Rồng mở màn cuộc đối thoại trực tiếp. Với nguồn nhân lực trẻ trung, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, kỳ vọng ngành CNTT Việt Nam là rất lớn. Ảnh: Thanh Hải
|
|
Kinh nghiệm, nhiệt huyết của thế hệ trước có ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh viên CNTT hôm nay. Ảnh: Thanh Hải
|
|
Nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, thông minh là tương lai của ngành CNTT Việt Nam, ông Huolin Zhao, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nói. Ảnh: Thanh Hải
|
Lê Hạnh
(theo ICTnews)