Theo ông Tùng, ý nghĩa lớn nhất của Chỉ thị 58 là đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức về CNTT từ cấp cao nhất. Và từ khi có chỉ thị này, CNTT không còn phát triển tự phát nữa mà đã trở thành đường hướng chỉ đạo từ cấp chỉ đạo cao nhất của Đảng và các cấp uỷ. Chỉ thị 58 đã nêu rõ tầm quan trọng của CNTT trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nêu ra những việc cần làm để đẩy ứng dụng, phát triển công nghiệp CNTT, phát triển viễn thông, Internet, nguồn nhân lực, những thay đổi quan điểm quản lý sao cho phù hợp hay cần lôi kéo các thành phần kinh tế tham gia như thế nào. Sau khi được Bộ Chính trị thông qua, Chỉ thị 58 đã mở đường cho sự ra đời của một loạt kế hoạch, nghị định về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, về phát triển phần mềm kéo theo là các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Nhà nước đầu tư không tương xứng
Đến nay, hầu hết những giải pháp chính trong Chỉ thị 58 đã được thực hiện. Ví dụ, quan điểm mở cửa thị trường, cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông đã hình thành nên tập đoàn Viettel, biến di động trở thành dịch vụ bình dân. Hay như quan điểm yêu cầu năng lực quản lý phải theo kịp trình độ phát triển đã tạo động lực cho Internet tăng trưởng mạnh sau 10 năm.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, ông Tùng cho rằng ngành CNTT đã thay đổi rất nhiều. Mức độ ứng dụng CNTT đã khác hẳn trước đây, nhất là ngành tài chính, ngân hàng và hải quan. Lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT cũng có những con số rất ấn tượng, từ chỗ chỉ vài trường đào tạo CNTT đến nay đã có gần 400 trường đào tạo ngành này. Nhưng thành quả rõ rệt nhất là lĩnh vực viễn thông và Internet đã phát triển rất tốt trong 10 năm qua. Kết quả này có lý do chủ quan là các chính sách quản lý cởi mở, không cấm đoán nhưng cũng có lý do khách quan là vì khi đó đầu tư cho hạ tầng viễn thông còn ít. Vì vậy, Việt Nam không phải cân đối giữa hạ tầng cũ và mới như các nước mà mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ mới.
Mặc dù khẳng định những định hướng lớn của Chỉ thị 58 là đúng nhưng ông Tùng cho rằng còn nhiều mục tiêu của chỉ thị này thực hiện không như mong muốn. Chẳng hạn như mục tiêu đào tạo 50.000 chuyên gia CNTT trình độ ngang bằng khu vực đến nay có thể nhận định là đã đạt được về số lượng nhưng chất thì chưa. Hay mục tiêu đưa tiếng Anh vào đào tạo trong các ngành học CNTT thực tế cũng không có chuyển biến, chủ yếu vẫn là sự tự giác của các trường. Chính vì vậy, nhân lực CNTT đến nay vẫn là điểm yếu của ngành CNTT. Các doanh nghiệp vẫn than phiền về chất lượng, còn nước ngoài cũng mới đánh giá cao nhân lực CNTT của Việt Nam ở thế mạnh giá rẻ.
Về ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử, ông Tùng cho rằng “các nước khác đang đi nhanh hơn chúng ta”. Ngoài các chỉ thị và nghị quyết, theo ông Tùng, mức độ đầu tư cho CNTT của nhà nước trong thời gian qua chưa tương xứng. Các kế hoạch ứng dụng CNTT đưa ra các con số rất ấn tượng nhưng con số thực tế khi triển khai không nhiều, đặc biệt là so với đầu tư vào các lĩnh vực khác. Nguyên nhân có phần do đầu tư cho CNTT khó do phần cứng lạc hậu nhanh, còn phần mềm khó đo đếm chi phí và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý nhận ra được vấn đề này từ sớm và có những cách hợp lý hoá câu chuyện đầu tư cho CNTT để đầu tư đủ và coi đầu tư cho CNTT như đầu tư vào các hạ tầng quan trọng (như giao thông) thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Chính vì vậy, những kết quả đạt được về ứng dụng CNTT có giới hạn nhất định so với mục tiêu đặt ra.
Cần luồng sinh khí mới
Trước đây, vào thời điểm năm 2000-2001, sau khi có Chỉ thị 58, các phương tiện truyền thông suốt ngày nói đến CNTT, coi đó là “sự lựa chọn của tương lai”. Các địa phương cũng tích cực đầu tư xây dựng các khu công nghiệp phần mềm tập trung và kết quả điển hình là khu công nghiệp phần mềm Quang Trung ở TP.HCM. Và thực tế, ngành CNTT đã phát triển rất nhanh trong 5 năm đầu (từ 2000-2005). Nhưng sau năm 2005, không khí phát triển CNTT không còn được như 5 năm đầu.
Vì vậy, mặc dù khẳng định các định hướng chung của Chỉ thị 58 đến nay vẫn đúng nhưng ông Tùng cho rằng thời gian tới vẫn nên có một văn kiện mới có hiệu lực chính trị mạnh hơn Chỉ thị 58 để hâm nóng lại và tạo ra khí thế mới cho ngành CNTT. Theo ông, văn kiện đó tốt nhất vẫn phải là văn bản do cấp cao nhất là Bộ Chính trị ban hành và sẽ tốt hơn nếu CNTT được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI sắp tới.
Cách đây 10 năm, Chỉ thị 58 định hướng phát triển CNTT để phục vụ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, khái niệm công nghiệp hoá đã khác trước, không còn là hình ảnh những nhà máy ống khói ngút trời nữa mà chuyển dịch sang định hướng là ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám cao. Vì vậy, ông Tùng góp ý định hướng phát triển CNTT trong văn kiện mới nên có thay đổi theo xu hướng đó.
Về vấn đề nhân lực CNTT, ông Tùng mong muốn nên có thay đổi toàn diện trong tư duy quản lý, coi đào tạo nhân lực CNTT như là ngành kinh tế tuân thủ theo các quy luật của thị trường. Các trường đào tạo CNTT được tự chủ về tài chính, về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như nội dung đào tạo. Nếu được như vậy, ông Tùng tin rằng cơ chế thị trường sẽ thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực CNTT.
Duy An - Ngọc Minh
(báo Bưu điện Việt Nam)