Theo ông Phạm Tấn Công - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), công nghiệp nội dung số là lĩnh vực mới trong ngành phần mềm và dịch vụ CNTT. Tại Việt Nam, công nghiệp nội dung số chỉ mới xuất hiện mạnh trong 5 năm gần đây cùng với sự bùng nổ và xã hội hóa của Internet, của các dịch vụ viễn thông. Năm 2008, lĩnh vực này đạt doanh thu 440 triệu USD và có số lao động 33.000 người. Đến năm 2009, dù bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nhưng tỷ lệ tăng trưởng nội dung số Việt Nam vẫn đạt mức 56% với tổng doanh thu 690 triệu USD/41.000 lao động.
Nhận định của ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch VINASA, cho thấy nội dung số tuy là một khái niệm rộng nhưng ở Việt Nam hiện chủ yếu là cung cấp nội dung trên nền Internet và di động (mobile). “Với một thị trường 26 triệu người dùng Internet và khoảng 60 triệu người dùng mobile, ngành nội dung số vẫn là một ngành tiềm năng rất lớn về mức độ tăng trưởng và khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như cơ hội vươn ra nước ngoài. Trong ngành game, các công ty trong nước hiện chiếm lĩnh 70-80% thị phần về nội dung (phần còn lại là game của nước ngoài, game offline), các công ty như Bluesea, VMG, VTC… đang góp phần tạo ra một thị trường dịch vụ di động sôi động với những dự án đầu tư lâu dài, kỹ thuật cao”, ông Minh nói. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì các công ty nội địa lại đang ở trong một vị thế cạnh tranh kém toàn diện (về nguồn lực, vốn, kinh nghiệm, và ưu đãi chính sách) so với các công ty quốc tế ngay trên sân nhà. Google vẫn thống trị mảng Search (tìm kiếm) tại Việt Nam và Yahoo, Facebook vẫn thống trị mảng cộng đồng (ngày càng quan trọng, tương lai có thể vượt Search).
Doanh nghiệp nhỏ: Cần sự táo bạo
Việc phát triển thị trường trong nước, đồng thời đủ cơ hội để vươn ra nước ngoài luôn là mơ ước của các doanh nghiệp nội dung số. Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chiến lược của VTC cho biết: Đặt trong thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang tỏ ra có nhiều lợi thế và phù hợp với công việc đóng gói các sản phẩm để phát hành rộng rãi cho đối tượng khách hàng cả trong và ngoài nước. “Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung số, quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ không phải là vấn đề quyết định. Nếu xác định đối tượng phục vụ là thông qua mạng Internet, mạng di động…, thì có khi chỉ một nhóm nhỏ, một công ty nhỏ nhưng bằng ý tưởng sáng tạo, táo bạo và tự tin phát triển, thì hoàn toàn có thể thành công”, ông Thanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch VINASA nhận định: Hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đang phát triển và bán trò chơi và ứng dụng trên Apple App Store. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam đang thử nghiệm mô hình “phát triển ở Việt Nam và hướng tới thị trường toàn cầu”, tuy chưa có ví dụ thành công cụ thể nhưng sẽ là một cơ hội cho những doanh nghiệp táo bạo, dám nghĩ dám làm. Về vấn đề làm chủ thị trường trong nước, đủ tầm vươn ra sân chơi lớn thế giới, ông Lê Hồng Minh cũng nhấn mạnh: “Khi đi ra nước ngoài, các doanh nghiệp phải biết đánh vào những thị trường mình có thế mạnh và có thể đầu tư. Ngoài ra, một xu hướng rất lớn trong thời gian tới là sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ như iPhone, Android mà các doanh nghiệp sản xuất nội dung số trong nước có thể nghiên cứu phát triển và bán sản phẩm của mình ra toàn cầu."
Khung pháp lý cần bắt kịp sự phát triển
Theo đánh giá của ông Lê Hồng Minh, vấn đề lớn nhất với ngành nội dung số Việt Nam hiện nay là khung pháp lý và các chính sách của Nhà nước vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển (trong lĩnh vực game, nội dung trên Internet, khung pháp lý cho sự hợp tác giữa nhà sản xuất nội dung và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung). Bên cạnh đó, mục tiêu làm chủ thị trường trong nước còn là một thách thức lớn do doanh nghiệp nội phải chịu một sức ép lớn đến từ các doanh nghiệp quốc tế. “Chúng ta có lợi thế ở những mảng mang tính chất “địa phương” như tin tức và giải trí (hai mảng các doanh nghiệp nội địa đang chiếm lĩnh thị trường) và trong tương lai có thể là thương mại điện tử (đòi hỏi tính địa phương rất cao). Tuy nhiên, những mảng khác như tìm thông tin, cộng đồng, giao tiếp (mạng xã hội, phần mềm chat) và các ứng dụng kinh doanh trên web đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật, sản phẩm rất cao và hàm lượng địa phương thấp - tức là… toàn những điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam" ông Minh nói.
Để thay đổi vị trí này, cũng như tăng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội dung số trong nước, nhà nước cần phải có một chính sách đổi mới toàn diện về Internet, mobile ở Việt Nam để mục tiêu đến năm 2020 của Đề án trở thành hiện thực. Ông Minh nhận định, các chính sách về nội dung số hiện vẫn nặng về các thủ tục hành chính, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội dung số nội địa phát triển chưa thực sự rõ ràng. Đó là chưa kể các chính sách quản lý nội dung trên Internet đâu đó vẫn tỏ ra rất “thoáng” với các công ty quốc tế và ngặt nghèo với các công ty trong nước. Trong thời gian tới, game online sẽ tiếp tục đóng vai trò thu hút người dùng đến với Internet và là nguồn thu để tái đầu tư chính của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam, do vậy, chính sách quản lý game online cần phải có cái nhìn rất sáng suốt, có sự học hỏi kinh nghiệm của những nước thành công và có sự điều chỉnh, cải tiến liên tục đưa ra một cơ chế chính sách tốt.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp nội dung số mong muốn chính sách của Nhà nước cần phải có sự nhất quán, không thể có chuyện được hiểu theo nhiều nghĩa… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ về nhân lực, truyền thông quảng bá, mô hình kinh doanh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ đặc biệt về thuế, thủ tục, kiểm soát rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam trong qúa trình chinh phục thị trường quốc tế…
Hiện có không ít doanh nghiệp làm nội dung số lớn mạnh nhanh chóng cả về quy mô, chất lượng và trình độ. Quy mô nhân lực trên 1000 người có VTC, VNG; FPT có trên 3000 lao động, đạt quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Đức Hiệp - Lê Mỹ
(theo báo Bưu Điện Việt Nam)