Tốt nghiệp đại học về bán trà đá, chạy xe ôm
Vào tháng 6/2011 câu chuyện về một nữ cử nhân sở hữu hai tấm bằng đỏ đã phải đi bán trà đá để sống qua ngày đã làm nổi lên những cuộc tranh luận sôi sục trên các diễn đàn mạng. Nữ cử nhân này là Ngô Thị Phương T (23 tuổi) quê Thái Nguyên, cựu sinh viên của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Theo nguồn tin của báo Pháp luật Việt Nam, T. là chủ nhân của hai tấm bằng đỏ chuyên ngành Kế toán và chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm nay, cô lại đang phải mưu sinh bằng nghề bán trà đá bên lề đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Câu chuyện của T. đã dấy lên những luồng tranh luận, người thì cho rằng, đây là một sự lãng phí chất xám, người lại chỉ ra nguyên nhân là do học chưa đi đôi với hành…
Tuy nhiên, điều đáng buồn là câu chuyện của Phương T. không phải là duy nhất. Không ít các trường hợp trái khoáy cử nhân đại học sau khi tốt nghiệp phải mưu sinh với những công việc không cần đến tấm bằng đại học như bán trà đá, xe ôm, bán rau… đã xảy ra.
Đó là trường hợp của Sơn, cựu sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất. Theo báo Tiền Phong, 10 năm trước, khi mới ra trường, Sơn vào Vũng Tàu làm kỹ sư dầu khí, với mức thu nhập khiến không ít người phải ghen tị. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, Sơn bị sa thải và thất nghiệp khi anh đi gõ cửa nhiều nơi nhưng không được tuyển dụng. Cuối cùng, chàng cử nhân ngày nào đã phải dùng "ngựa sắt" làm 'cần câu cơm".
Trên báo này cũng đưa trường hợp của Phan Văn Thịnh (SN 1988), quê Thanh Liêm, Hà Nam, sở hữu bằng cử nhân công nghệ thông tin của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Cũng như anh Sơn, Thịnh đang gắn bó với một nghề chẳng liên quan gì đến ngành học của mình là làm xe ôm. Thịnh còn thổ lộ, nghề xe ôm an nhàn, nhưng cũng nhiều khó khăn, không ít lần chở khách anh đã bị quỵt tiền, trấn lột.
Câu chuyện của Kim Duyên, cử nhân loại giỏi, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) trên báo Sinh viên Việt Nam mới đây cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Bởi là cử nhân loại giỏi nhưng hiện nay, Duyên đang làm công nhân may giày da xuất khẩu ở khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Duyên kể, chờ việc mãi không được, cô đã phải vào Bình Dương làm công nhân.
Ngọc B. (SN 1988) cử nhân ĐH Kinh tế, ĐH quốc gia hiện cũng đang ở quê trông sạp hàng bán rau giúp mẹ. B. chia sẻ: "Ban đầu mình cũng nghĩ làm tạm một thời gian trong khi chờ việc. Nhưng rồi nửa năm qua, việc vẫn chưa xin được mình thì vẫn phải ra chợ bán rau". B cũng cho biết thêm, đi chợ bán rau, B. rất thoải mái vì có thể tự mình kiếm tiền không phải trông chờ vào bố, mẹ chu cấp nhưng mẹ B. thì rất buồn vì lời ra tiếng vào của hàng xóm láng giềng về một cô con gái học đại học mà không xin được việc.
Cử nhân bán trà đá, vì đâu nên nỗi?
Hầu hết lý do mà các cử nhân trên gạt tấm bằng đại học để đi bán trà đá, xe ôm, bán rau…là bởi sau hàng chục lần nộp đơn xin việc họ đều bị các nhà tuyển dụng từ chối. Phương T. tâm sự, cô từng đi làm cho một ngân hàng với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, nhưng một thời gian sau cô xin nghỉ việc vì thấy không phù hợp với bản thân. T mong muốn chính là được làm việc tại các vị trí: Kiểm toán viên, nhân viên phòng nguồn vốn, thanh toán… nhưng những vị trí này đều cần những người có kinh nghiệm.
Với trường hợp của Sơn, cựu sinh viên ĐH Mỏ, anh cũng đã từng nhận được công việc tốt nhưng làm việc không đạt yêu cầu. Công việc luôn biến chuyển, nhưng do không chịu học hỏi, trau dồi, rượu chè liên miên, sống vô nguyên tắc nên anh càng trở nên lạ lẫm với đồng nghiệp và bị sa thải. Vì khó xin việc mới, anh đã chọn nghề xe ôm. "Nghề này lại được tự do, chạy chuyến xong có tiền tươi thóc thật, đỡ phức tạp như trong cơ quan, phải tuân thủ đủ thứ nguyên tắc…", anh cho biết trên Tiền phong.
Trên báo Tuổi trẻ, TS Kiều Xuân Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là do sinh viên ít cọ xát thực tế. Bên cạnh đó, những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc như kỹ năng giao tiếp, quản lý công việc, thuyết trình, làm việc nhóm... sinh viên phải "tự bơi" nên nhiều em chưa tự tin. Điều này khiến nhiều sinh viên mới ra trường khó xin được việc.
Trong khi đó, xã hội, doanh nghiệp hiện nay đang tiến đến xu thế tuyển người không dựa vào bằng cấp mà căn cứ vào thực lực của ứng viên.
Lê Minh - tổng hợp
(theo VietNamNet)