Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng có 1,13% (tức là đã giảm 1,01% so với mức tăng 2,14% của tháng 6).
Nếu so với tháng 12/2007, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng là 19,78%; so với tháng 7/2007 tăng 27,04% và so với 7 tháng đầu năm 2007 tăng 21,28%.
Tính trong mức tăng 1,13% của tháng 7/2008, nhóm có quyền số cao nhất trong “rổ” CPI hàng tháng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,99% (lương thực giảm 0,37%, thực phẩm tăng 1,33%); trong khi nhóm hàng này tháng 6 tăng tới 3,29%.
Ngược lại, nhóm hàng dược phẩm, y tế lại có mức tăng đột biến và trở thành nhóm hàng tăng mạnh nhất trong tháng, với mức tăng 2%; tiếp theo là, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,53%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,4%...
Riêng CPI của nhóm nhỏ bưu chính, viễn thông vẫn tiếp tục giảm 0,05%, giúp cho tổng tăng của nhóm phương tiện đi lại, bưu điện chỉ tăng có 0,55%.
Xét theo địa phương, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về mức tăng giá với 2,46%, tiếp đến là Hà Nội với 1,65%; thành phố đông dân nhất nước TPHCM chỉ tăng có 0,54%....
Không nằm trong nhóm 10 mặt hàng tính chỉ số CPI, nhưng giá và USD lại liên quan mật thiết đến kế hoạch đầu tư, tích trữ của người dân.
Tháng tháng 7, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, nhưng do ảnh hưởng bởi mức tăng đột biến của tỷ giá USD/VND, giá vàng vẫn tăng 3,2% (tháng 6 tăng 4,36%); USD tăng tới 1,83%.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 có dấu hiệu giảm và thực tế đã giảm đi khá nhiều so với mức tăng tháng trước đó vì 8 nhóm giải pháp của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng, nhưng việc tăng giá xăng dầu vào ngày 21/7 vừa qua sẽ tác động khá lớn đến CPI trong những tháng tới.
An Hạ