“Khó có thể tăng giá ở mức 15% như đợt trước bởi hiện tại, doanh số bán ra của DN đã sụt giảm đáng kể. Nếu tăng tương đương như vậy, tất cả các DN sẽ gặp nguy hiểm” – ông Nhữ Mạnh Hải – Tổng GĐ Công ty Homivina, nhà sản xuất, phân phối đồ gia dụng và các thiết bị nhà bếp tại Hà Nội khẳng định.
Còn với lý do DN đã dự đoán được tình hình và “đi trước một bước” trong việc tăng giá đến 20% trước đó (do ảnh hưởng của giá nguyên liệu và giá xăng dầu hồi tháng 2) nên lần này, mức tăng các loại giấy vệ sinh, giấy bao bì của công ty Giấy Anh Phú (khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) sẽ chỉ vào khoảng “vài phần trăm” mà thôi – đại diện công ty tiết lộ.
Ngoài ra, vị này còn phân tích, thứ nhất do Tổng Công ty Giấy VN đến nay vẫn cam kết bình ổn giá, thứ hai rút kinh nghiệm từ các đợt tăng giá đầu vào lần trước, chớp cơ hội khi giá giấy thế giới có thời điểm xuống thấp, DN đã chủ động bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua nguyên liệu dự trữ, cho nên từ giờ đến cuối năm có thể tự tin phần nào trong đối phó với giá cả.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân – Phó Tổng GĐ Công ty CP Nhựa Bình Minh, việc tăng giá xăng dầu vừa qua đã khiến chi phí vận chuyển tăng 10%, chiếm 1% giá thành sản phẩm. DN chuyên sản xuất ống và phụ tùng nhựa PVC và PE này cho biết, nếu từ nay đến cuối năm giá nguyên vật liệu không biến động đột biến, DN sẵn sàng chịu giảm lợi nhuận dù chi phí vận tải trong nước tăng để giữ giá.
Do ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thô, chưa bao giờ các DN ngành nhựa phải chịu mức tăng giá đầu vào chóng mặt như hiện nay. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hầu hết DN đều trải qua 4 lần điều chỉnh giá bán với mức tăng dao động từ 30%–50%. Chính vì vậy, giá xăng dầu, vận tải tăng đợt này càng không phải là "cơ hội" để DN tiếp tục tăng giá bán.
|
Biến động của giá xăng dầu chỉ là một nỗi lo nhỏ của DN chế biến thủy hải sản. |
Còn tại Công ty kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn APT, do nguyên liệu dự trữ từ trước đó vẫn còn nên một lãnh đạo ở đây cho hay, phải từ 1–2 tháng nữa, công ty mới chịu giá nguyên liệu mới. Nhưng lúc đó, có tăng giá hay không, tăng ở mức bao nhiêu lại phụ thuộc vào sự cho phép, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM trong việc bình ổn giá cả và sự chấp nhận của thị trường.
“Thường phải sau khi giá cả biến động ít nhất 3, 4 tháng thì DN mới tính toán lại giá chứ không thể tăng ngay được, đồng thời không phải giá nguyên liệu lên bao nhiêu, giá sản phẩm tăng bấy nhiêu được”.
Cũng theo ông này, tác động từ tăng giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu giá của DN chỉ là một phần nhỏ so với căng thẳng về vốn và lãi suất vay ngân hàng hiện nay.