Một số quốc gia đã bơm hàng trăm tỉ USD để bình ổn thị trường tài chính khiến nhiều người quan ngại đồng tiền này sẽ trượt giá. Tuy nhiên, so với các ngoại tệ mạnh khác, USD vẫn đang đứng vững; tỉ giá VND/USD chỉ giảm nhẹ.
Tỉ giá tiếp tục ổn định
Ngày 1/10, USD giao dịch trên thị trường thế giới lại tăng giá, 1 euro đổi được 1,41 USD (ngày 30/9, 1 euro = 1,43 USD). Tại Việt Nam, Vietcombank TPHCM công bố tỉ giá bán ngoại tệ là 16.620 VND/USD. Trên thị trường tự do, 1 USD bán ra chỉ còn 16.560 VND giảm 20 VND/USD so với hôm trước.
Theo TS Hồ Diệu, Hiệu phó Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nếu thị trường ngoại tệ thế giới biến động sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá VND/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có những tính toán về dự trữ, danh mục ngoại tệ để bình ổn tỉ giá.
Nhiều người cho rằng USD sẽ mất giá tức là VNĐ tăng giá. Điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu nhưng nếu USD thật sự suy yếu thì tỉ giá cần phải điều hành linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường quốc tế, tiếp tục can thiệp thị trường ngoại hối để bảo đảm an toàn thanh khoản cho hệ thống.
|
đó, do ảnh hưởng từ sự kiện Ngân hàng Lehman Brothers và Tập đoàn Bảo hiểm AIG rơi vào khủng hoảng, tỉ giá USD/VND có dấu hiệu tăng nhẹ, có thời điểm (giữa tháng 9/2008) tỉ giá giao dịch của ngân hàng lên mức 16.740 VND/USD. Thế nhưng, sau đó tỉ giá của các ngân hàng và thị trường tự do đã ổn định trở lại.
Thực tế cho thấy, 3 tháng gần đây, nhập siêu của Việt Nam đã xuống dưới 1 tỉ USD, cụ thể tháng 9/2008, thâm hụt thương mại chỉ còn 500 triệu USD, lượng kiều hối chuyển về ngày càng tăng; huy động vốn bằng ngoại tệ từ đầu năm đến nay tăng 35%.
Mặt khác, các ngân hàng cam kết bảo đảm nguồn cung ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ vốn giá rẻ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng nên nguồn cung USD tăng mạnh, cung - cầu ngoại tệ không mất cân đối. Ngân hàng Nhà nước vẫn mua vào ngoại tệ, điều hành tỉ giá thích hợp. Do đó, tỉ giá VND/USD sẽ tiếp tục ổn định.
Không làm tăng cung USD?
Hiện nay, chính phủ của nhiều quốc gia bơm tiền cứu vãn thị trường tài chính là để lấp những “vùng trũng” thiếu hụt USD. Giới phân tích cho rằng các ngân hàng châu Âu có thể là những nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ.
Ngày 30/9, Chính phủ Đức và một số ngân hàng của quốc gia này cung cấp khoảng 35 tỉ euro (50 tỉ USD) để cứu nguy tập đoàn cho vay bất động sản Hypro. Ngân hàng Trung ương Nga cũng rót 50 tỉ USD hỗ trợ thị trường tài chính. Chính phủ Anh sẽ tiếp quản ngân hàng cho vay cầm cố Bradford & Bingley... tạo áp lực kép làm đồng euro suy yếu.
Theo ông John Kyriakopoulos, nhà chiến lược thuộc NAB Capital, USD sẽ nhận được sự hỗ trợ tăng giá từ chương trình cứu thị trường tài chính trên. “Hàng trăm tỉ USD mà nhiều nước tung ra là để mua lại các khoản nợ xấu, cứu các tổ chức tài chính không sụp đổ.
Trong khi khủng hoảng của các ngân hàng châu Âu đang tạo sức ép giảm giá lên đồng euro, khả năng USD suy yếu là rất thấp”, ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc khối doanh nghiệp Ngân hàng Hồng Kông – Thượng hải (HSBC) tại Việt Nam, bình luận.
Một số ý kiến khác lo ngại khi một lượng lớn USD tung ra để cứu thị trường tài chính quốc tế có thể làm dư cung ngoại tệ, tác động đến tỉ giá ngoại tệ tại Việt Nam. Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thị trường ngoại tệ gần như không bị tác động từ việc bơm tiền cứu thị trường tài chính của các quốc gia trên thế giới.
Vì, số lượng USD mà các nước này tung ra chỉ xử lý mang tính nội bộ. Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia sẽ điều tiết thích hợp, không nên hiểu việc bơm USD là tăng cung ngoại tệ.