Nhu cầu vay tiêu dùng tăng khoảng 30%
Không còn cảnh “cửa đóng, then cài” đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng như thời gian “khát” vốn trước kia, nhiều ngân hàng đã “nới tay” đối với nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo sẽ dành 2.000 tỷ đồng cho các nhu cầu về vay mở rộng sản xuất kinh doanh, vay phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, vay mua nhà, sửa chữa nhà để ở.
Cụ thể, khách hàng vay vốn tại ACB để mua sắm trang thiết bị, hàng hóa phục vụ kinh doanh vào dịp cuối năm sẽ được vay với thời hạn lên đến 3 năm, hạn mức vay tùy thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng.
2.000 tỷ đồng cũng là con số mà Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) dự kiến dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô trả góp. Theo đại diện VPBank, ngân hàng này sẽ tiến hành thẩm định kỹ lưỡng đối với các khoản vay, ưu tiên những khoản vay có độ an toàn cao.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng như: Techcombank, DongAbank, Eximbank… cũng đang triển khai cho vay tiêu dùng bằng cách liên kết với các trung tâm mua sắm lớn.
Dù có “rộng cửa” hơn đối với nhu cầu vay vốn tiêu dùng nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, đó vẫn là quá nhỏ so với mức tăng thêm từ 20 - 30% trong những tháng cuối năm.
Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận dịp cuối năm là thời điểm tốt để họ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhưng trần lãi suất cho vay 19,5% lại khiến họ chần chừ.
Hiện tại, có khá nhiều ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước “phá” trần lãi suất này đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân, bởi theo tính toán, để đảm bảo an toàn nguồn vốn, ngân hàng phải cho vay với lãi suất từ 25% - 30%/năm.
Bình quân vay vốn chưa đạt 1 triệu/người
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố dư nợ tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm, còn đến hết tháng 9, du nợ tín dụng tiêu dùng của cả hệ thống là 79.700 tỉ đồng, chiếm 6,54% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. So với ngày 31/12/2007, con số này tăng 1.056 tỉ đồng nhưng xét về tỉ trọng trong tổng dư nợ lại giảm 1,03%.
Tính trung bình mức dư nợ vay tiêu dùng theo đầu người chỉ đạt khoảng 921.000 đồng/người - một con số thấp hơn nhiều so với tiềm năng thị trường của đất nước có 86,5 triệu dân và có mức tăng trưởng kinh tế vào hạng cao như Việt Nam.
Cho vay tiêu dùng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn và đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các tổ chức tín dụng. Hầu hết tổ chức tín dụng đều đã tiến hành cho vay tiêu dùng từ 10 năm nay, nhưng thị trường này chỉ thật sự sôi động trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi có sự tham gia của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính nước ngoài.
Các hình thức cấp tín dụng chủ yếu là cho vay theo hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay bằng hình thức thấu chi tài khoản qua thẻ tín dụng… với lãi suất cho vay 0%, cho vay mua nhà với giá trị lên đến 100%.
Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng của khối ngân hàng thương mại đã phải ngừng lại khoảng giữa đầu năm nay, vì lý do lạm phát, hạn mức tín dụng 30% và vì thiếu thông tin về… khách hàng.
Thiếu các trung tâm thông tin dữ liệu khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) mới chỉ cung cấp thông tin về doanh nghiệp, khiến ngân hàng không có cơ sở để đánh giá mức độ an toàn và rủi ro đối với khách hàng cá nhân vay vốn của mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm phát, giá cả các mặt hàng được kiềm chế ở mức tối đa, sức mua của người dân cũng suy giảm và đặc biệt, quy định về mức tăng trưởng tín dụng 30% của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một khoảng cách khá xa, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã “chú tâm” trở lại với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đây được xem là “hành động khôn ngoan” của khối nội trong việc cạnh tranh lấy lại thị phần đối với một số ngân hàng, công ty tài chính nước ngoài.