Hiện nay, đề án thực hiện kích cầu vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo, dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua vào kỳ họp Chính phủ mở rộng vào hai ngày 25-26/12 tới.
Quản lý chặt kích cầu để tránh tiêu cực
Trên thế giới, hiện có khoảng 20 nước và khu vực đã đưa ra các nhóm giải pháp kích cầu kinh tế, chống suy giảm và suy thoái.
Theo ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo, Bộ KH-ĐT, "đáng ra giải pháp kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư phải được tiến hành sớm hơn, tuy nhiên, phải trên cơ sở một đề án, kế hoạch cụ thể, trong khi bây giờ Việt Nam mới nêu là khá muộn. Theo kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng 1997, chúng ta đã phải mất một thời gian dài để kích cầu, từ 2001 - 2002, các giải pháp kích cầu mới có tác dụng tốt. Do đó, Việt Nam phải làm khẩn trương".
"Cần phát tín hiệu nhanh, áp dụng ngay các giải pháp", thay vì chờ đợi nghiên cứu mới triển khai, ông Ân nói.
Ông Lê Đình Ân phân tích, nếu kích cầu mà lại đăng ký DN, dự án từ dưới lên theo cách truyền thống thì lại bất cập. Chính phủ phải trực tiếp quyết định ngay hướng nào kích cầu nào, theo phương án nào, dành cho đối tượng nào theo một phương án cụ thể, chi tiết để thực hiện.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước, Chính phủ cần ưu tiên xem xét các dự án sử dụng nhân lực, nguyên vật liệu trong nước để giữ vững các cân đối khác: cán cân thanh toán quốc tế hiện đang thâm thủng, nên tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, các DN vừa vừa nhỏ, các ngành sử dụng nhiều lao động - những ngành dễ bị tổn thương trong nền kinh tế.
Dù rót vốn vào khu vực nào, thì "kích cầu phải quản lý chặt vì nếu không đó sẽ là dịp nảy nở tiêu cực. Cái gì đầu tư từ ngân sách nhà nước lâu nay đều dễ gắn với tiêu cực", Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Thạo lưu ý.
Chọn trúng đối tượng kích cầu mới hữu dụng
Ts Võ Trí Thành thừa nhận thực tế, Việt Nam không nhiều tiền như Mỹ, Trung Quốc để có thể có gói kích cầu lớn như họ. Vị thế ngân sách của ta rất mong manh. Hiện nay, thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã ở mức 5%. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, năm 2009, để được 5% tăng trưởng, Việt Nam phải chấp nhận thâm hụt 7%, chứ không phải như Quốc hội đề ra.
"Với nguồn lực hữu hạn, yếu, Việt Nam phải có địa chỉ, địa điểm chính xác để kích cầu", Ts. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo lưu ý, qua nghiên cứu gói kích cầu của 20 nước khác, điều Việt Nam cần học tập là chính sách tài chính giữ vai trò chủ đạo, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác chỉ mang tính hỗ trợ.
Các chuyên gia cho rằng, trong kích cầu thì kích cầu đầu tư rất quan trọng. So với khủng hoảng năm 1997, việc huy động nguồn vốn từ thế giới sẽ khó khăn hơn, vì thế giới cũng đang khó khăn. Do đó, Việt Nam cần tập trung kích cầu đầu tư, từ đó lan tỏa kích cầu tiêu dùng.
Dù bức tranh chung của DN không tới mức trong chiều hướng phá sản, nhưng đã dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để bảo toàn vốn, không dám đầu tư, mở rộng. Vấn đề với DN bây giờ không còn nằm ở vấn đề vốn mà ở sức cầu thị trường, tìm đầu ra cho DN.
Tuy cùng chia sẻ quan điểm cho rằng cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết thủ tục hành chính, cải cách thể chế để chuẩn bị cho hậu cải cách nhưng kích cầu đầu tư, hỗ trợ DN như thế nào thì quan điểm của các học giả và nhà quản lý còn rất khác nhau.
Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, ông Cao Sỹ Kiêm kiến nghị không có sự phân biệt đối xử giữa DN lớn và nhỏ. DN nào gặp khó khăn do lạm phát thì đều cần được hưởng chính sách hỗ trợ, không chỉ bằng các chính sách trước đó, mà có thể bằng cả khoản ngân sách dành cho kích cầu.
Không đồng tình, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, "không phải cứ ai khó khăn thì hỗ trợ, khó khăn nhiều thì hỗ trợ nhiều. Phải chọn đúng đối tượng có tiềm năng, có năng lực và đang gặp khó khăn nhất thời. Có như vậy mới giúp nâng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam".
Ông Lộc lưu ý việc hỗ trợ DN phải gắn với việc cơ cấu lại DN. Nếu bản thân DN không chịu được sự đào thải của thị trường thì hỗ trợ cũng không có tác dụng. DN phải có năng lực cạnh tranh thực thì mới tồn tại được về lâu dài.
Hiện nay, "chủ trương hỗ trợ có, đôi khi kịp thời, nhưng triển khai có vấn đề, chậm và không hiệu quả". Đơn cử, quỹ bảo lãnh tín dụng đã triển khai thành công ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam, sau 7 năm ban hành mới chỉ có 11 tỉnh xây dựng được quỹ, 3 quỹ hoạt động được và chưa giúp được bao nhiêu cho DN. Ngay cả bây giờ có tăng cường xây dựng, triển khai quỹ nhanh nhất cũng phải 1-2 năm nữa mới phát huy tác dụng.
Việc kích cầu tiêu dùng cũng chính là nhằm hỗ trợ cho DN có được đầu ra. "Một thời gian dài chúng ta đã lãng quên, coi nhẹ thị trường, để thị trường trong nước tự phát, đến lúc phải chú ý xây dựng... Khuyến khích nhân dân dùng hàng trong nước...Kinh nghiệm từ việc xử lý lương thực vừa qua cho thấy mạng lưới phân phối và tiêu thụ quan trọng đến mức nào", ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Kiêm, Chính phủ rất cần chú ý đến lương của khu vực hành chính, khu vực DN, để DN tự do lựa chọn quyết định tiền lương...; phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dỡ bỏ hạn chế cho vay tiêu dùng, dù phải mở thận trọng, từng bước; tăng vốn cho các DN bán lẻ để họ có điều kiện dự trữ, lưu thông, phân phối.
Riêng đối với kích cầu đầu tư qua hạ tầng cơ sở, ông Thạo cho rằng, trong các nghị quyết về tam nông, về kinh tế biển... chúng ta có nhiều dự án nhưng chưa bố trí được nguồn lực, tại sao nhân dịp này không bố trí vốn để thực hiện. Làm như vậy, một mặt vừa giải quyết được vấn đề kết cấu hạ tầng vốn là điểm nghẽn tăng trưởng, vừa hiện thực hóa các nghị quyết.
Đơn cử, chúng ta nói nhiều về việc dự án đầu tư nước ngoài giành bờ xôi ruộng mật của nông dân làm khu công nghiệp, mà nguyên nhân vì không có đường kết nối lên vùng sâu, vùng cao, vùng xa. "Trên cả nước, không có một kilômét cao tốc nào đúng nghĩa". Tại sao chúng ta không đầu tư vào đó, vừa trúng, vừa đúng hướng phát triển.
Việc đầu tư hệ thống kho để trữ và bảo quản lúa, cafe, điều... theo ông Thạo cũng nên tranh thủ làm, vừa giải quyết mua hàng hóa cho nông dân, vừa đảm bảo chất lượng để phục vụ xuất khẩu.
Huy động mọi binh chủng kinh tế để kích cầu?
Ông Thạo cho rằng, ngoài 1 tỷ USD kích cầu từ ngân sách nhà nước, cần phải thực hiện cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm giữa các đối tượng xã hội.
Nghiên cứu gói giải pháp kích cầu của Trung Quốc, số tiền dùng cho kích cầu chỉ 25% là tiền nhà nước, còn 75% là từ DN, ngân hàng, huy động nước ngoài. Nhà nước vừa đưa tiền ra, vừa xử lý qua cơ chế, ví dụ cơ chế thuế sẽ giúp tạo gần 100 tỷ USD.
Theo ông Bảo, Việt Nam cũng cần huy động nguồn lực của mọi binh chủng trong nền kinh tế, cả trong và ngoài nước để kích cầu.
Trong khủng hoảng tài chính 1997, tại các nước Hàn Quốc, Thái Lan, người dân còn tháo nhẫn, vòng vàng để hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Việt Nam chưa khó đến mức đó, nhưng cần hợp sức, hợp lực làm, tạo ý thức dân tộc cao để làm quyết liệt mới giải quyết được, ông Thạo nhấn mạnh.
|
Hiện nay, tiền nhàn rỗi trong các ngân hàng thương mại rất nhiều. Theo ông Thạo, đấy chính là nguồn lực cho kích cầu (Ảnh: Vietimes)
|
Ông đặt vấn đề, DN đang gặp khó khăn, các Ngân hàng có dám hi sinh một phần lợi ích cá nhân của mình không? Liệu các ngân hàng có sẵn sàng giảm lợi nhuận, lương thưởng không để chia sẻ với DN?
Hơn nữa, hiện nay, tiền nhàn rỗi trong các ngân hàng thương mại rất nhiều. Dù các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng cũng không thể cho vay. Theo ông Thạo, đấy chính là nguồn lực cho kích cầu. Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại mua, vì trong khó khăn hiện nay, phát hành trái phiếu cho dân cư, DN mua rất khó, trong khi các ngân hàng thương mại có lực. Việc này giúp giải tỏa cho cả hai phía: Chính phủ vừa có thêm vốn kích cầu, còn ngân hàng thì đỡ lỗ vốn, có được cứu cánh.
Theo ông Vũ Bằng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc này cũng giảm rủi ro cho cán cân thanh toán quốc tế, giảm khả năng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua bán trái phiếu Chính phủ cho các ngân hàng thương mại.
Đến khi giải pháp có tác dụng thì nền kinh tế đã sang trạng thái khác
Trong cách làm, theo Ts. Lê Đình Ân, Việt Nam phải thấy được sự chuyển hướng rất nhanh của các nền kinh tế, từ đó đưa biện pháp xử lý nhanh, kịp thời. Cần học tập kinh nghiệm xử lý của các nước để thích ứng.
Ông Ân đơn cử, khi giá dầu xuống thấp, tiêu dùng họ hướng tới các hàng dùng dầu nhiều. Khi hàng nhập khẩu không có đầu ra, các nước chuyển hướng ngay vào tiêu dùng trong nước, với những chính sách phản ứng rất nhanh. Đơn cử là Trung Quốc với chính sách xử lý hàng tồn kho.
Đối với quản lý thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thế giới cũng ứng phó rất nhanh. Các nước nhộn nhịp đi lại tìm kiếm, mở rộng thị trường đúng nơi đúng chỗ, vừa khắc phục hậu quả, và bắt đầu chiến lược dài hạn: châu Phi, Nam Mỹ, thị trường mới nổi...
"Chúng ta phải thừa nhận, việc đổi suy nghĩ, theo kịp diễn biến của Việt Nam chậm. Khi khủng hoảng nổ ra ở Mỹ, Việt Nam coi là đứng ngoài cuộc. Khi khủng hoảng lan sang châu Âu, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam mới thấy ảnh hưởng, nhưng đậm, sâu, tác hại tới đâu, vẫn chưa phân tích được, dù vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu độc lập cảnh báo sớm. Đến thời điểm này, chúng ta mới thấy rõ ảnh hưởng. Có thể nói, cả về diễn biến, phòng ngừa, cảnh báo của ta rất chậm", Ts Ân nói.
Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm bổ sung, vài tháng trước, ta phải gò lưng chống lạm phát, đến bây giờ lại phải dè chân chèo để chống suy giảm kinh tế, áp dụng đồng thời chống lạm phát và chống suy giảm, hai phương cách và tác động mâu thuẫn lớn với nhau.
"Tình hình thế giới chuyển biến nhanh, áp Việt Nam nhanh và sâu. Không chỉ khó khăn hơn năm 2008, khó khăn năm 2009 sẽ còn đến nhanh, đến toàn diện và bất ngờ hơn... Do đó, trong điều hành phải chú ý đến liều lượng, thời gian và sự phối hợp. Nhận thức được mà liều lượng nhiều không ổn. Liều lượng phải thỏa đáng, thời gian phải chính xác và phối hợp phải đồng bộ", ông Kiêm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thạo quan ngại, với cách làm chậm chạp hiện nay của Việt Nam, các biện pháp có phát huy tác dụng cũng rất yếu, thậm chí lợi bất cập hại. "Chính sách nào cũng có độ trễ, đến lúc phát huy tác dụng thì nền kinh tế đã sang trạng thái khác rồi".
Như vừa rồi, các biện pháp chống lạm phát đang phát huy tác dụng thì Việt Nam đã chuyển sang giảm phát rồi. Do đó, với 5 nhóm giải pháp mới, nhất là gói 1 tỷ USD kích cầu, thì "chọn lựa dự án nào, quy trình, thủ tục, quản lý chặt chẽ, ngay thủ tục hành chính cũng phải rất gọn", nếu không sẽ "mất thời cơ".
"Việt Nam cần rút bài học về công tác áp dụng các biện pháp của Chính phủ từng ngành, từng lĩnh vực chưa đúng, chưa linh hoạt. Suốt thời gian dài, các lĩnh vực đều hô 8 nhóm giải pháp, nhưng ngành nào, tháng nào giải pháp nào hàng đầu thì chưa có được. Chúng ta cần tổng kết việc thực hiện 8 nhóm giải pháp vừa rồi, rút kinh nghiệm cho thực hiện 5 nhóm giải pháp hiện nay", Ts. Ân nói. "Nếu thực hiện 5 nhóm giải pháp mà cũng hô là chính, trong khi áp dụng vào ngành mình, tỉnh mình như thế nào không nghiên cứu kĩ, áp dụng tốt thì tác dụng của các giải pháp nghiên cứu công phu của Chính phủ cũng không bao nhiêu".
Trong bối cảnh vừa chống suy giảm, vừa kiềm chế lạm phát vì áp lực vẫn còn và có khả năng quay trở lại nếu không cẩn trọng. Nói cách khác, "vừa tống tiền ra, vừa thu tiền về" thì việc tống ở đâu và thu ở đâu, để chống lạm phát được mà chống suy giảm, hoàn toàn phụ thuộc vào điều hành, sự linh hoạt, thích ứng của Việt Nam", ông Kiêm nói.