Ông Nguyễn Việt Hùng, giám đốc điều hành Công ty KMS Technology, chuyên gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, nói rằng gia công phần mềm là một ngành được khuyến khích đầu tư nhưng trên thực tế các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp phần mềm hầu như không có.
Theo ông Hùng, đặc thù của các công ty gia công phần mềm là không có nhà xưởng và máy móc để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Do đó, khi họ đi gõ cửa các ngân hàng để vay vốn đều bị từ chối.
Năm nay KMS nhận nhiều hợp đồng từ đối tác Mỹ và dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 200 kỹ sư. Do đó, họ cần nguồn vốn để mở rộng hoạt động.
"Tài sản của ngành gia công phần mềm chỉ có con người và chúng tôi không thể lấy con người ra thế chấp vay vốn", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, Chính phủ từ lâu đã xác định ngành CNTT, trong đó có gia công phần mềm, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế trong vòng 4 năm đầu tiên. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần để tồn tại trong những năm đầu vẫn là nguồn vốn.
Do đó, ông Hùng kiến nghị nhà nước nên xây dựng một cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp CNTT nếu muốn phát triển ngành này hơn nữa.
Cũng liên quan đến chính sách thuế, ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch TMA Solutions, cũng nói rằng lĩnh vực phần mềm hiện nay vẫn được coi là lĩnh vực ưu đãi đầu tư như được miễn thuế nhập khẩu và các khoản thuế liên quan khác đối với thiết bị tạo tài sản cố định và hình thành dây chuyền sản xuất doanh nghiệp, tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi lại chưa thực sự phù hợp.
Một trong những bất cập hiện nay là cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) lên các sản phẩm phần mềm.
Theo quy định của ngành thuế, doanh nghiệp nếu thuộc diện "không phải chịu thuế" thì sẽ không được khấu trừ những chi phí đầu vào khác phục vụ cho việc làm ra sản phẩm, nhưng nếu thuộc diện "chịu thuế suất 0%" thì lại được tính khấu trừ thuế.
Trên thực tế, một doanh nghiệp khi làm phần mềm, ngoài các chi phí lương, thưởng cho nhân viên còn phải sử dụng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mua ngoài và phần lớn các sản phẩm, dịch vụ đều chịu thuế VAT với mức thuế suất 10%. Nếu không có chính sách "không đánh thuế VAT đối với phần mềm" thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phần thuế VAT của các sản phẩm, dịch vụ mua ngoài đó khi tính khoản thuế VAT phải nộp hàng tháng. Nhưng do chính sách ưu đãi mà doanh nghiệp không được khấu trừ khoản thuế này và phải chuyển nó sang thành chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một vấn đề khác đang gặp nhiều ý kiến trái chiều hiện nay là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Hiện tại, hoạt động sản xuất phần mềm đang được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế TNDN. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu kể từ khi thành lập, được hưởng mức thuế suất 5% trong 9 năm tiếp theo và 2 năm sau đó hưởng mức thuế ưu đãi 10% thuế TNDN.
Các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN như hiện nay có hiệu quả đối với các doanh nghiệp mới thành lập còn đối với các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm thì không còn được hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến môi trường của Việt Nam.
Trong một cuộc hội thảo tổ chức tại TPHCM cuối năm ngoái, ông Lê Truờng Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, nói rằng thay vì ưu đãi thuế doanh nghiệp như hiện nay, nhà nước nên xem xét ưu đãi thuế thu nhập cho kỹ sư, lập trình viên hoặc chuyên gia CNTT nước ngoài làm việc tại Việt Nam được giảm thuế thu nhập cá nhân.
"Đây sẽ là một giải pháp tốt nhằm thu hút nhân lực trình độ cao, đặc biệt là các chuyên gia cho ngành CNTT-TT tới Việt Nam. Đồng thời, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT trong những năm tới", ông Tùng nói.
Hà Vân
(theo TBKTSG)