Ngày nay, mỗi khi ghé qua các khu KTX hay khu nhà trọ sinh viên, bạn sẽ thấy cảnh nhiều bạn trẻ sau giờ lên lớp lại hối hả đi làm thêm bằng nhiều hình thức khác nhau. Xu hướng đó được coi là sự năng động của giới trẻ nhằm có thêm thu nhập trang trải và tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Thử nhìn lại thời gian biểu 24h của sinh viên, hẳn là ở ngành học nào, khối lượng kiến thức cũng không hề nhẹ.Trong đó, bao gồm cả những gì cần phải ghi nhớ, nắm bắt thực hành thành thạo và cả những điều buộc người học phải dành thời gian suy ngẫm nữa.
Ai đã từng qua thời “SV” sẽ không lạ gì chuyện xoay xở để cải thiện thêm cuộc sống nhưng thử nghĩ xem ngoài thời gian đi học, đi làm, sinh viên sẽ còn bao nhiêu thì giờ ngồi tự học. Có lẽ sẽ phải tinh giản đến mức tối đa những gì cần học. Nhiều người sẽ ngộ nhận khi thấy nhiều sinh viên đi làm thêm mà kết quả học vẫn khá, giỏi. Nhưng liệu có ai dám khẳng định ngoài vùng kiến thức để trả bài thi ấy, bạn sinh viên kia sẽ nắm kiến thức sâu đến thế nào. Những câu hỏi kiểm tra (điểm) nhằm khảo sát mặt bằng kiến thức (diện) dù có hay đến đâu cũng khó đánh giá được trình độ thật của những bạn chọn cách học như thế. Đó là sự đốt cháy giai đoạn trái với tự nhiên.
Xuống với cấp phổ thông, nhiều bạn mới ngấp ngé đầu cấp ba đã muốn thử sức với những việc làm có tiền và tâm sự: “Em chỉ còn hai năm nữa là đi Hà Nội học, muốn tiếp xúc dần để có thêm kinh nghiệm”. Sẽ chẳng thành vấn đề gì nếu hai năm sau em học sinh ấy thi đỗ vào một trường đại học. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể lại thấy có nhiều điều đáng báo động. Ví như, lấy tiêu chí hướng nghiệp là quan trọng các em bỗng dửng dưng với kiến thức mà chỉ chú trọng vào điểm số và tích luỹ những gì phục vụ cho bài thi như một thứ tài khoản chứ không còn mặn mà với kiến thức nữa. Từ đó những gì phục vụ cho việc hình thành tư duy và nhân cách bị rớt xuống cuối bảng giá trị cần nhận thức, nhường chỗ cho những thuật toán, những ý “ăn điểm”.
Hàng năm, nhiều thí sinh thi ĐH, CĐ khối C nhận điểm liệt môn Lịch Sử bởi nếu chỉ cố gắng nhớ mấy con số khô khan mà không đặt nó trong trường sự kiện, văn hoá thì thất bại là đương nhiên. Quan niệm thực dụng giản đơn và một tư duy chịu ảnh hưởng kinh tế thị trường quá sớm sẽ luôn khắc tinh với môi trường giáo dục đòi hỏi người học phải tĩnh tâm và có những chiến lược dài hơi để tiếp thu tri thức. Những toán tính nhất thời, trước mắt sẽ làm đứt gãy chiến lược đó. Sẽ là quá sớm để nói về sự xuất hiện cái nhìn định giá đắt - rẻ những giá trị trong trường học xuất phát từ lời nhuận bên ngoài.
Chỉ xin nói rằng tất cả những gì quá sớm, quá nhanh trái với tự nhiên đều ẩn chứa những phương hại. Một em bé khi ra đời đã phải bắt đầu từ lẫy-bò-đi-đứng vậy mà khi vững bước vẫn đủ sức lập nên những kỉ lục điền kinh. Cũng từng ấy năm ngồi trên ghế nhà trường mà nhiều người vẫn trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, những nhà kinh doanh trẻ thành đạt. Nhìn ra nước ngoài cũng vậy, nhìn ở lĩnh vực nào cũng thấy, có lẽ nhanh đúng lúc đúng chỗ, hướng nghiệp một cách có khoa học mới thực sự là điều tuyệt vời cho những bạn trẻ.
Bùi Việt Phương