Kéo điện cho dân, nợ nần ai trả ?
Posted: 24/7/2008.
Đáp theo sự kêu gọi của những người đứng đầu huyện và xã, ba cựu chiến binh của bản Vĩnh Kim (xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã giấu vợ con mang sổ đỏ đi thế chấp để vay vốn, kéo điện về cho cả bản dùng. Sau hơn 5 năm “giúp xã” cho dân có diện dùng, còn ba cựu chiến binh ấy đang sống dở chết dở vì nợ !
Ông Huỳnh và anh Trị bên công trình điện làm họ giở khóc giở cười.
Thương dân, liều mình giúp xã
Nằm biệt lập bên ngoài bởi những lèn đá cao ngút và con đường độc đạo quanh co, bản Vĩnh Kim gồm hơn 150 hộ dân tộc Thái, Thanh, với 800 nhân khẩu. Năm 1994, bản Vĩnh Kim đón tin vui, khi UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ 230 triệu đồng xây dựng đường điện về bản. Nhưng chừng ấy vốn chỉ đủ để chi phí cho việc khảo sát, thiết kế, xây dựng được mấy hàng cột,… sau đó vì thiếu vốn mà công trình bị dừng lại, hàng trăm triệu của của nhà nước chịu cảnh phơi mắng phơi mưa.
“Của đau dân xót”, đại diện nhân dân trong bản và chính quyền xã Hội Sơn đã kiến nghị lên trên để có biện pháp sớm hoàn thành công trình nhưng vẫn không có kết quả. Ngày 7-3-2002, UBND huyện Anh Sơn có thông báo tới UBND xã Hội Sơn với nội dung “Về nguồn vốn để bảo đảm công trình sớm hoàn thành, UBND xã Hội Sơn làm thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng nông nghiệp, UBND huyện chịu trả tiền lãi suất. Sau khi công trình đưa vào sử dụng sẽ làm thủ tục tiếp nhận hoàn vốn của Công ty điện 1 để trả cho ngân hàng”.
Nhưng với khả năng tài chính của xã Hội Sơn thì ngân hàng nông nghiệp huyện không thể cho xã vay với số tiền lớn để hoàn thành công trình. Sự việc đang bế tắc thì ba cựu chiến binh, đảng viên trong bản Vĩnh Kim là ông Lê Văn Huỳnh, Lương Quốc Trị, Lữ Văn Thành đã “bí mật” bàn bạc với nhau, giấu vợ con, mang toàn bộ gia tài, sổ đỏ của gia đình đến ngân hàng huyện Anh Sơn để thế chấp vay gần 183 triệu đồng thay cho xã để xây dựng hệ thống đường dây điện cao thế về bản Vĩnh Kim. Trong đó, ông Huỳnh là 71 triệu đồng, ông Trị hơn 60 triệu đồng, ông Thành hơn 50 triệu đồng, toàn bộ số tiền được vay trong vòng 3 năm, do UBND huyện Anh Sơn trả lãi suất và chuyển thẳng vào quỹ của xã Hội Sơn để hoàn thành công trình điện.
Sau khi có vốn, công trình sớm được hoàn thành nhanh chóng, đến tháng 1/2004 nhân dân Vĩnh Kim lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy ánh điện về bản.
"Vác tù và" chịu nợ !
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi nhân dân bản Vĩnh Kim bắt đầu quen dần với ánh điện thì cũng là lúc những cựu chiến binh trên ngày đêm lo âu với món nợ khổng lồ mà mình đang mắc ngân hàng.
Từ khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay, xã Hội Sơn vẫn chưa thực hiện xong cam kết với ba hộ kể trên. Với sự hỗ trợ của huyện, xã Hội Sơn đã nhiều lần tìm cách trả nợ nhưng vẫn chưa xong, trong khi đó UBND huyện Anh Sơn lại phải cắn răng chịu trả tiền lãi hàng tháng cho khoản tiền mà theo cam kết thì phải thanh toán trước ngày 19-9-2006. Tính đến thời điểm này, ba hộ đó vẫn còn nợ ngân hàng gần 70 triệu đồng.
Vốn giấu vợ con mang toàn bộ gia tài, sổ đỏ đi cầm cố để vay tiền cho xã nên cả 3 cựu chiến binh này rất nóng ruột vì “Cứ đến hạn là cán bộ ngân hàng lại xuống bản giục trả nợ”.
Lương Quốc Trị, một trong ba người “liều” của bản Vĩnh Kim.
Cái kim trong bọc cũng còn thò ra huống chi cả gia tài như vậy làm sao mà giấu vợ con mãi được, dần dần họ cũng nói chuyện này với vợ. Bà Bình, vợ ông Huỳnh tâm sự: “Tui có biết chi mô, chỉ khi thấy người ta đòi nợ ông ấy mới nói thật. Ban đầu cũng giận lắm vì chuyện lớn như thế mà ông ấy dám lừa vợ con, nhưng sau nghĩ lại cũng vì cái đường điện của bản nên dần dần cũng ngoai”. Nhưng không phải ai cũng dễ thông cảm như bà Bình, lúc đầu vợ anh Thành cứ ngỡ là chồng mình mang gia sản đi đánh bạc còn vợ ông Trị thì ngất lên ngất xuống mấy ngày,…
Gia đình không có điều kiện để phát triển kinh tế, việc học hành của con cái bị gián đoạn và tình cảm trong gia đình rạn nứt. Lại nhớ lời bà Bình-vợ ông Huỳnh: “Nhà tui có 9 miệng ăn, mấy năm trước chúng nó học phải vay mượn khắp nơi, giờ thì không học nổi nữa rồi”. Trong ba gia đình thì ông Huỳnh có căn nhà sàn quý do cha mẹ để lại được xem là có giá trị nhất. “Cán bộ ngân hàng nói nếu không có tiền trả nợ họ sẽ dỡ ngôi nhà này ! Lúc đó chỉ còn nước dựng lều mà ở ”.
Được vạ - má sưng !
Mang tâm sự của ba cựu chiến binh dũng cảm chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Úy, Chủ tịch UBND xã Hội Sơn thì được trả lời rằng “bản thân xã luôn xác định đó là nhiệm vụ của mình nhưng trong khi ngân sách còn quá nghèo thì hiện xã đang bất lực ”. Cũng theo bà Úy thì sở dĩ có hiện tượng nợ quá hạn trên là bởi “Theo kế hoạch, khi dự án hoàn thành chúng tôi sẽ bàn giao cho Sở Điện lực thì đơn vị này sẽ hoàn trả vốn ban đầu. Nhưng công trình xong, dự án của Sở Điện lực đã kết thúc nên chúng tôi đang gặp khó khăn”.
Về phía UBND huyện Anh Sơn, bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch huyện thẳng thắn: “Về công trình điện Vĩnh Kim, huyện đã rất có trách nhiệm với xã, không chỉ trả tiền lãi từ đó đến nay mà huyện cũng đã hỗ trợ cho xã Hội Sơn 50 triệu tiền gốc. Trách nhiệm trước nhân dân bây giờ hoàn toàn thuộc về xã Hội Sơn ”.
Đại diện phía ngân hàng, ông Doãn Ngọc Thìn, Giám đốc chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết, nguyên nhân chính của vấn đề là bởi những người có trách nhiệm của xã Hội Sơn chưa thực sự lo lắng tìm cách trả nợ cho dân, đến khi nợ quá hạn thì mới chạy đôn chạy đáo; còn UBND huyện Anh Sơn lại thiếu sự đôn đốc, phối hợp với xã và ngân hàng để tìm phương án trả nợ cho kịp thời hạn nên đã dẫn đến hiện tượng đáng tiếc này.
Trong khi chờ đợi những người có trách nhiệm giải quyết vấn đề thì những cựu chiến binh, những “hiệp sĩ” nơi bản làng này giờ đây chỉ biết thở dài: “Là những đảng viên, lại là cựu chiến binh, chúng tôi đã làm liều để đem ánh sáng về cho nhân dân, nhưng giờ thì thấy mệt mỏi vì nợ nần lắm rồi !”.
Các tin mới:
Những lĩnh vực nghề nghiệp hấp dẫn dành cho tân cử nhân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103.
Mười nghề hấp dẫn nhất nước Mỹ trong năm 2013.
Không thiếu việc làm cho sinh viên CNTT có kĩ năng tốt.
CEO Facebook xuất hiện ở Việt Nam.
Các tin cũ hơn:
Bài 2: 30 năm đi tìm kỷ vật Đồng Lộc.
Bài 1: Những người đứng sau huyền thoại Đồng Lộc.
Cảnh báo lao động đi Hàn Quốc.
Báo chí, một chỉ báo về đời sống tinh thần xã hội.