Cùng với việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, điều hết sức cần kíp là thay đổi cách tuyển sinh ĐH và CĐ. Trong lúc các trường đại học và cao đẳng ngày càng phức tạp, đa dạng về tính chất cũng như trình độ mà việc tuyển sinh lại theo một qui trình, cách thức thống nhất như hiện nay là không hợp lý.
Do tư tưởng quản lý tập trung quan liêu còn rất nặng nên từ việc đăng ký thi, ra đề thi cho đến việc coi thi, giám sát thi, chấm thi, tất cả thành một hệ thống phức tạp vượt quá tầm kiểm soát hữu hiệu của Bộ GD và ĐT, khiến cho mặc dù đã được liên tục chỉnh sửa đến nay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ vẫn rất nhiêu khê, tốn kém và còn nhiều bất cập.
Việc tổ chức thi tập trung ở các thành phố khiến thí sinh ở nông thôn và vùng xa phải chịu thêm một áp lực tâm lý nặng nề và một gánh nặng chi phí về tiền trọ, đi lại, ăn ở và cả học luyện thi trước ngày thi. Đó là một bất công lớn đối với họ, mà cho đến nay các cơ quan quản lý không hề quan tâm.
"Theo tôi, tốt nhất nên thay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ hiện nay bằng một kỳ thi sơ tuyển (ST) nhẹ nhàng kiểu như SAT ở Mỹ, chỉ nhằm kiểm tra xem trình độ văn hóa phổ quát của thí sinh có đạt mức tối thiểu cần thiết để theo học ở đại học hay không"
|
Vậy giải pháp hợp lý nên như thế nào? Theo tôi, tốt nhất nên thay kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ hiện nay bằng một kỳ thi sơ tuyển (ST) nhẹ nhàng kiểu như SAT ở Mỹ, chỉ nhằm kiểm tra xem trình độ văn hóa phổ quát của thí sinh có đạt mức tối thiểu cần thiết để theo học ở đại học hay không. Vì chỉ có mục đích sơ tuyển nên chỉ thi về khả năng đọc, viết, tư duy logic, ngoại ngữ (cho nên có thể thi trắc nghiệm một phần), và có thể thi ở nhiều nơi phân tán khắp nước, bất cứ ai cũng có thể xin dự thi, chứ không chỉ học sinh lớp 12 THPT; thậm chí có thể tổ chức 2, 3 lần thi, cách nhau mấy tuần, vào mấy tháng hè.
Ai qua được kỳ thi sơ tuyển thì mới có thể nộp đơn xin dự tuyển vào một hay một số đại học hay cao đẳng, còn việc có được tuyển hay không thì sẽ do từng đại học xét cụ thể, dựa trên học bạ và kết quả thi ST của đương sự. Mỗi đại học thông báo rõ những điều kiện dự tuyển vào trường đó. Có đại học chỉ đòi hỏi kết quả thi ST, nhưng phần lớn các đại học có chất lượng đều đòi hỏi thêm học bạ THPT của thí sinh phải ghi rõ kết quả học tập chương trình nâng cao về một số môn phù hợp với hướng đào tạo của chuyên ngành mà thí sinh muốn xin vào học. Gặp trường hợp chưa rõ thì thí sinh có thể được gọi đến phỏng vấn, hoặc phải qua một cuộc sát hạch tùy trường quy định.
Cách tuyển sinh như thế linh hoạt (ai cũng dự thi ST được, chứ không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT), nhẹ nhàng (thi ST không đòi hỏi phải học thuộc lòng hay phải luyện thi vất vả như lâu nay), ít tốn kém, thuận tiện cho số đông (không phải tập trung ở các thành phố lớn) và phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng trường ĐH hay CĐ (từng trường được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm tuyển sinh), cho nên có hiệu quả hơn.
Có thể có lo ngại là khó kiểm soát tiêu cực, nhưng kinh nghiệm cho thấy chính phương thức tuyển sinh nặng nề, phức tạp, tập trung như hiện nay mới tiềm ẩn nhiều tiêu cực khó kiểm soát. Trong chuyện này cũng như nhiều chuyện khác về quản lý kinh tế, thủ tục càng rườm rà, phức tạp, càng dễ bị lợi dụng.
* * *
Việc học và thi của con em chúng ta ở THPT như hiện nay quá nặng nề, vất vả so với các nước khác, tạo ra cho họ một thế bất lợi lớn khi ganh đua với bạn bè cùng trang lứa ở các nước khác. Do đó đổi mới tổ chức học và thi cũng là một nhiệm vụ cần kíp để tạo thuận lợi cho việc hội nhập, hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
GS Hoàng Tụy
(theo VietNamNet)