Khó nắm được chính xác con số lao động mất việc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát tình hình, hết tháng 1/2009 đã có 85.000 lao động mất việc làm. Dự báo đến cuối năm tổng số lao động mất việc sẽ lên tới 300-400.000 người. Số này tập trung ở nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến gỗ... những đơn vị sử dụng nhiều lao động nhưng lại không chủ động, không có những đơn hàng ổn định.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, con số đưa ra mới chỉ ở khối các doanh nghiệp. Trong hơn 46 triệu lao động thì chỉ có 9 triệu người làm việc ở các doanh nghiệp. Bà Mai muốn biết tình hình mất việc ở các khu vực khác như hợp tác xã, các làng nghề...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Ngân thừa nhận, khó nắm được chính xác con số lao động ở những khu vực này. Vừa qua, nghe thông tin có vùng làng nghề có tới 2.500 lao động mất việc, Bộ LĐ-TB&XH đã về kiểm tra nhưng thực tế không phải vậy. Theo Bộ trưởng Ngân, nói những người lao động ở đây mất việc cũng không đúng vì đây chỉ là việc làm thêm, khi khó khăn, không có việc, người dân trở lại với việc đồng áng, chỉ thiếu việc để làm hơn thôi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận vẫn chưa xuôi, yêu cầu Bộ trưởng LĐ-TB&XH đưa ra ý tưởng để nắm bắt, quản lý được lượng lao động này. Bà Ngân “chỉnh”: “Tôi không nói chúng ta hoàn toàn không nắm, không quản lý được lao động ở khu vực ngoài doanh nghiệp nhưng để nói có bao nhiêu lao động mất việc ở những khu vực như làng nghề thì rất khó vì còn có sự dịch chuyển lao động. Tôi biết rằng câu trả lời này không làm đại biểu hài lòng nhưng là một thực tế”.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo nêu câu hỏi, với tinh thần khó khăn sẽ tác động tới công ăn việc làm, Bộ trưởng có xin điều chỉnh lại các chỉ tiêu?
Bà Ngân cho biết, năm ngoái, khi điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ không đề cập điều chỉnh chỉ tiêu việc làm. Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa có ý kiến nhưng Bộ trưởng Ngân cũng cho rằng “nên thực tế”, hiện Bộ vẫn đang cố gắng để duy trì nhưng nếu có thay đổi khó khăn hơn, thì cũng phải tính tới vấn đề cắt giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH vẫn nhận định, tình hình hiện không đến mức bi quan, vẫn có nhiều đơn vị, cơ quan đang đăng thông báo tuyển lao động...
Đề cập tới khu vực lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhiều đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm của đơn vị quản lý khi người lao động uống rượu, vi phạm pháp luật phổ biến ở nước sở tại. Một lần nữa, nữ Bộ trưởng lại gật đầu với nhận định, đa phần lao động kém ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, vi phạm pháp luật nước sở tại. Bà Ngân cho biết, đây cũng là vấn đề trăn trở của Bộ.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH tự dẫn ngay hiện trạng lao động ở Quata trong chuyến đi vừa qua. Đất nước Hồi giáo này cấm uống rượu nhưng người Việt Nam đã rất “sáng tạo”, tổ chức nấu rượu trong cư xá, không chỉ để uống mà còn bán ra bên ngoài. Đã có trường hợp cả nhóm công nhân tổ chức nhậu say mèm, đơn vị quản lý tìm thấy đưa về, đến 3 ngày sau vẫn chưa hết say.
Nêu quan điểm với vấn đề xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Ngân cho rằng nên tránh làm tràn lan. Chỉ cần đưa được 80-90 nghìn lao động ra nước ngoài mỗi năm nhưng có việc tốt, mức lương cao hơn thì hiệu quả hơn hẳn việc “xuất ồ ạt”.
Chỉ “xử” hành chính cán bộ xẻo tiền Tết người nghèo
Vụ bớt xén tiền tết của người nghèo vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được nhiều chất vấn về vấn đề trách nhiệm của Bộ cũng với tư cách cơ quan tham mưu, triển khai, giám sát việc thực hiện chủ trương này.
Phó chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết “thẳng thừng”: Việc bớt xén, xà xẻo tiền tết của người nghèo vừa qua cũng do thời gian tham mưu của Bộ quá gấp gáp, văn bản của Chính phủ đưa ra chỉ 10 ngày trước Tết. Ông Thuyết yêu cầu Bộ “tự nhận trách nhiệm” trong vụ việc.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH thẳng thắn thừa nhận, là cơ quan tham mưu về chính sách này, trách nhiệm của Bộ là rà soát hộ nghèo chưa đúng, kiểm tra chưa thật kịp thời. Tuy nhiên, sai phạm xảy ra trong khâu thực hiện nên theo bà Ngân, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc triển khai này.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nối tiếp, yêu cầu giải trình về việc rà soát, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ làm sai. Chế tài xử lý cũng là nội dung được quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân phân trần, sai phạm xảy ra do việc thực hiện tắc trách, chưa thực công tâm, khách quan chứ không phải cán bộ cố ý làm sai do ý định “tư túi”. “Tôi chưa thấy trường hợp nào người thực sự nghèo mà cán bộ cơ sở tìm cách loại ra để cắt tiền. Vậy nên sai sót này chỉ xử lý hành chính chứ cũng chưa biết làm sao” - bà Ngân thành thật.
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Lê Quốc Dung lại đặt vấn đề, việc hỗ trợ người nghèo ăn tết dự kiến ban đầu giải ngân 2.500 tỷ đồng với số đối tượng được hưởng là 2,3 triệu hộ nhưng thực tế số tiền đã phân phát chỉ hơn 17.000 tỷ đồng. Ông Dung băn khoăn, như vậy đã có bao nhiêu hộ nghèo đáng ra được hưởng hỗ trợ bị gạt ra?
Bà Ngân lý giải, số tiền 2.500 tỷ đồng đề ra ban đầu khi chưa thống kê đích xác số lượng đối tượng được hưởng. Con số này ứng với 2,4 triệu hộ nghèo nhưng theo bản thống kê chi tiết từ địa phương thì chỉ có 2,3 triệu hộ thuộc diện nhận hỗ trợ với số tiền chi gần 1.800 tỷ đồng. Số chênh lệch này, bà Ngân khẳng định là hợp lý.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh “đỡ lời” cho Bộ trưởng LĐ-TB&XH. Ông Ninh lý giải, nếu làm tốt công tác phân loại, xác định hộ nghèo thì việc “quyết tiền” rất nhanh, không cần lập dự toán. Vì việc xác định hộ nghèo chưa thật chuẩn nên khi triển khai còn nhiều lúng túng.
P.Thảo