Khốn khó nơi đất người
Học hết THPT với học lực trung bình, Trần Hoài Nam (TX Hồng Lĩnh) mong đổi đời với một việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài. Đọc báo tìm việc, tờ nào Nam cũng thấy quảng cáo du học giảm giá 15% học phí, vừa học - vừa làm ở Úc, Canada, Bồ Đào Nha. Với suy tính mỗi tháng kiếm vài ngàn đô, cuối cùng Nam cũng bị cuốn theo “cơn lốc” du học sôi động ấy.
Nhờ mối quen biết với ngân hàng, sau 15 ngày, Nam đã có trong tay giấy chứng nhận sổ tiết kiệm trị giá 1,2 tỷ đồng - bằng chứng về năng lực tài chính theo đúng yêu cầu của đại sứ quán và trường học. Các giấy tờ thuế, doanh thu giả cũng nhanh chóng được hoàn tất vì mẹ Nam là người khá có vai vế ở thị xã. 20 ngàn USD là chi phí cho chuyến đi cùng với tấm bằng IELTS 5.0. Sau gần 3 tháng hồi hộp chờ đợi, Nam lên đường trong sự hân hoan của cả gia đình.
Phần lớn du học sinh Việt Nam tới Australia ban đầu đều đăng ký học tại những trung tâm Anh ngữ ở Sydney. Những ngày đầu đến trường, Nam còn thấy loáng thoáng các bạn đi cùng nhưng ít tháng sau thì thưa dần cho đến khi vắng hẳn. Theo ước tính của trường, 80% sinh viên có tên đăng ký bỏ học. Tuy nhiên, với quy định đóng học phí sẽ đồng nghĩa với việc được gia hạn visa, kéo dài thời hạn hợp pháp ở Úc, khoản nợ buộc cổ khiến Nam phải đi theo tiếng gọi của các farm (trang trại) ở những miền xa.
Suốt ngày, Nam và những người bạn “chìm” trong những cánh đồng đậu, cà, nho, măng tươi… Có lẽ mức lương trên 1.000 AUD mỗi tuần và món nợ ở Sydney đã khiến Nam không gục ngã. Tuy nhiên, nỗi khiếp đảm lớn nhất của dân ở trang trại là chạy “di trú”. Đã rất nhiều lần Nam thoát thân nhờ sự nhanh nhẹn. Trong một lần đang lúi húi bên luống đậu, Nam cùng với 10 người khác, trong đó phần lớn là người Việt đã hết hạn visa bị nhân viên di trú “sờ gáy”.
Trần Thị Quỳnh N. (TP Hà Tĩnh) đến Nhật Bản mang theo sự kỳ vọng của bố mẹ mong con vừa học hành tốt, vừa kiếm được việc làm thêm để có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Qua mối lái, N. sang Nhật sau 6 tháng học tiếng với tổng chi phí 13.000 USD - số tiền không nhỏ mà mẹ của N. phải thế chấp sổ đỏ để vay từ ngân hàng. Nhưng cuộc sống thật không như N. nghĩ.
Ở Nhật, không ai bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng để làm việc, họ chỉ trả số tiền lương theo giờ và phải làm việc quần quật cả ngày mới mong nhận được đồng lương cao. Theo luật quy định của Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4 giờ/ngày và không được phép làm quá 28giờ/tuần. Tiền lương trung bình 1 giờ làm thêm ở Nhật Bản từ 750 yên trở lên (khoảng 160 nghìn đồng). Chi phí sinh hoạt cao, cộng thêm mức học phí hàng tháng (đóng học phí để gia hạn visa) khiến không ít học sinh phải chấp nhận đi làm chui, ăn uống thất thường, chấp nhận lên lớp để ngủ...
Du học dễ như… du lịch!
Sắm vai một người có nhu cầu đi du học, tôi đến Trung tâm Tư vấn du học AN - một cơ sở có uy tín tại đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh - Nghệ An), nơi Nam làm thủ tục đi Úc. Người quản lý ở trung tâm này như “bắt được vàng” và tung ra nhiều chiêu tiếp thị mong kiếm thêm được một suất du học. Với chi phí 25.000 USD, trung tâm sẽ lo từ visa, bảo lãnh ngân hàng, IELTS 5.0... Sau 3 tháng, nếu học viên không bay được, trung tâm sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí.
Khi đề cập đến những du học sinh bị trả về nước, chị quản lý vô tư trả lời: “Đó là do lỗi của họ, trốn đi làm bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật Úc. Chúng tôi không có trách nhiệm về vấn đề đó”.
Trong những lần sắm vai tìm mối du học, tôi quen T., một Việt kiều Nhật quê Hải Dương. Theo lời giới thiệu của T., anh ta có quen ông bạn thân đang làm hiệu phó một trường cao đẳng tại Nhật và có thể dễ dàng đưa người sang lao động tại nước này với chi phí khoảng 300 triệu đồng. T. khoe đã đưa được không ít người Hà Tĩnh sang làm việc tại Nhật.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, TP Vinh và các huyện, nhan nhản mọc lên các trung tâm tư vấn du học. Điều kiện để sang nước ngoài du học mà những trung tâm này đưa ra phần lớn là khá dễ dàng, miễn là người học có tiền.
Theo thống kê của ngành GD-ĐT, điều lạ là số lượng học sinh đi du học nước ngoài lại không tập trung ở khu vực thành thị mà chủ yếu là ở các huyện có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Nghi Xuân, Kỳ Anh là huyện có số con em du học nhiều nhất, trong đó tập trung ở Cương Gián, Xuân Liên, Kỳ Ninh… Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, hiện số du học sinh của xã đang theo học tại Hàn Quốc khoảng 500 em, Úc khoảng 50 em, Nhật Bản 200 em.
Cũng theo ông Tiến, ông thường xuyên nhận được những cú điện thoại đặt vấn đề xin khảo sát và tuyển chọn con em trong xã đi du học nước ngoài. Điều kiện để các em ra nước ngoài học khá đơn giản: Chỉ cần tốt nghiệp THPT và điều quan trọng là tiền! Chi phí trọn gói cho một du học sinh sang Nhật cũng khoảng 12.000 USD, Úc khoảng 22.000 USD.
Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, những học sinh này đi du học thực chất sang để lao động là chủ yếu. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng lao động đi du học với chi phí cao, học lực trung bình, ngoại ngữ kém, bảo lãnh ngân hàng ảo… Thực chất của tình trạng này là lao động chui, phổ biến nhất ở các nước như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh... Chính vì lao động bất hợp pháp nên không ít hệ lụy đã xảy ra đối với họ. Không ít học viên phải ra về với hai bàn tay trắng và những khoản nợ khổng lồ; nhiều người phải sống chui lủi, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người…!
Thật buồn khi nhìn những tập hồ sơ du học sinh trên bàn của Trung tâm Tư vấn du học AN đang chờ đến lượt xuất ngoại. Không biết có bao nhiêu gia đình trong số họ được tư vấn đầy đủ để hiểu rõ về cuộc sống thực của phần đông “du học sinh Việt Nam” nơi xứ người? Và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, họ phải đối mặt với những khốn khó và hệ lụy khi đánh đu với số phận theo con đường du học trá hình trên những vùng đất nổi tiếng tươi đẹp và giàu có.
Theo Quang Linh
(Báo Hà Tĩnh)