Số liệu thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2010, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam tăng trưởng bình quân 30%/năm - mức tăng trưởng rất cao so với các ngành kinh tế khác.
Từ vị trí không tên tuổi gì, đến nay, ngành phần mềm của Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ 3 của Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm và là đối tác nước ngoài được ưa thích nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh thu từ xuất khẩu phần mềm chiếm tới 40% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Cũng nhờ khẳng định được vị trí trên thị trường xuất khẩu, ngành phần mềm Việt Nam đã bước đầu xây dựng được hình ảnh chung của ngành ở trong nước và cộng đồng công nghệ thông tin thế giới. Minh chứng là Việt Nam nằm trong danh sách 10 thị trường hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trên toàn cầu do Công ty tư vấn A.T.Kearney xếp hạng. Hà Nội và TP.HCM đứng vị trí thứ 10 và thứ 5 trong danh sách 50 thành phố dành cho ngành gia công phần mềm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Vinasa, ngành phần mềm Việt Nam vẫn còn manh mún về quy mô và thị trường. Các doanh nghiệp có quy mô lớn còn rất ít và đây chính là rào cản đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài khi tìm đối tác tại Việt Nam.
Cũng chính do thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, nên ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam chưa đủ sức để thực hiện các dự án lớn và cũng chưa đủ sức để hợp tác và cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của thế giới nhằm tạo nên hình ảnh và phân khúc thị trường riêng của mình.
Do hạn chế đó, nên dù được coi là đối tác ưa chuộng số 1 của doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mới chiếm 1% thị phần thuê gia công phần mềm ngoài biên giới của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn thị phần tại thị trường này.
Phân tích những bất cập trong ngành phần mềm Việt Nam, ông Công cho rằng, lý do chưa tạo ra được các doanh nghiệp làm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin lớn là do chậm thực thi các chính sách đã được ban hành. Ví dụ, Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 đã phải xin kéo dài đến năm 2012 do chưa giải ngân hết tiền của Chương trình và cũng chỉ có 40% trong tổng số 145 doanh nghiệp được Vinasa khảo sát biết đến chương trình này. Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó giám đốc VTC Intercom, chính sách thay đổi ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi rủi ro về chính sách là rất lớn. Còn theo ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần MISA, rất nhiều chính sách, dự án nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin được ban hành, nhưng doanh nghiệp phần mềm không được hưởng lợi bao nhiêu.
Đức Huy
(theo báo Đầu Tư)