LTS: Hôm 25/11, công ty cổ phần Báo cáo đánh giá VN (VietNam Report) và báo VietNamNet đã công bố bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất VN 2010 và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất VN.
Trong đó, FPT đứng vị trí thứ 2 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân. Diễn đàn Kinh tế VN đã vinh dự mời được ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT, tới giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc chiều 8/12.
Ông Nguyễn Thành Nam là một trong 13 thành viên sáng lập FPT. Ông có niềm đam mê và khát vọng đặc biệt với tin học. Chính điều này đã thôi thúc ông trở thành một trong những người khai phá, phát triển mảng kinh doanh phần mềm ở FPT.
Trên cương vị Tổng giám đốc, ông Nam có tầm nhìn lớn với mục tiêu đưa Công ty Phần mềm FPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ giải pháp phần mềm hàng đầu khu vực và ghi tên ngành công nghiệp phần mềm của VN trên bản đồ phần mềm thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ nội dung cuộc trực tuyến này.
Nhận ra thế của mình, thì mới cạnh tranh được
Nhà báo Bình Minh: Câu hỏi đầu tiên từ bạn đọc Bùi Anh Tuấn: Trong sự nghiệp ở FPT ông thấy có ý tưởng nào mà ông cho là điên rồ, kỳ quặc nhất nhưng rồi mang lại thành tựu vang dội nhất cho FPT. Ngoài ra, ông có thể chia sẻ một ý tưởng độc đáo mà ông nhận được từ một nhân viên của ông, ông đã tiếp nhận ý tưởng đó như thế nào và hiện nay nó đang mang lại những kết quả gì cho FPT?
Ông Nguyễn Thành Nam: Cảm ơn bạn Tuấn vì câu hỏi. Ở FPT cũng có một bạn Bùi Anh Tuấn, họa sĩ rất nổi tiếng trong việc vẽ tranh châm biếm lãnh đạo của FPT. Chúng tôi có văn hóa tự trào, tự châm biếm mình, và anh Tuấn có bộ sưu tập tranh các lãnh đạo FPT theo kiểu châm biếm.
Còn câu hỏi của bạn, ở FPT thì người đầu tiên hay đưa ra những ý tưởng "kỳ quặc" này là anh Trương Gia Bình. Có những ý tưởng lúc này thấy bình thường nhưng khi mới thành lập thì rất kỳ quặc. Hồi đó làm còn không có lương, lương theo kiểu lãnh đạo trả bao nhiêu thì trả, anh Bình lúc đó đã bảo là phải có hệ thống lương, và anh đã thiết kế cả hệ thống ấy thật và cho đến nay thì FPT đã có cả hệ thống ấy và rất tốt.
Tức là ngay từ lúc chỉ có mấy người mà anh ấy đã nghĩ đến chuyện đó. Hay khi thành lập FPT Software để mà đi xuất khẩu phần mềm, có 10 người thôi nhưng lúc đó anh Bình đã nói đến việc phải lập một trung tâm đào tạo. Chúng tôi đi kiếm một người giỏi nhất có thể lúc đó, là anh Phan Phương Đạt về làm ở trung tâm này. Lúc đó còn chưa có ai để đào tạo, nhưng thực tế cho thấy những thành công sau này đạt được là có vai trò của trung tâm đào tạo đó.
Những ý tưởng "điên rồ" vào thời điểm ấy nhưng về sau có thể là bình thường. Hay có những mục tiêu đưa ra vào từng thời điểm nhiều ý kiến cho rằng là điên rồ, như năm 2002, FPT đưa ra mục tiêu phải đạt doanh số 1 tỷ USD nhưng rồi thực tế đã lên được. FPT cũng có rất nhiều ý tưởng do nhân viên đưa ra cũng "điên rồ" không kém, một trong những số đó là từ một nhân viên trực tiếp của tôi. Anh ấy rất là giỏi, mới 27 tuổi, nhưng rồi tự nhiên anh ấy xin nghỉ việc. Anh ấy bảo với tôi là có một mơ ước từ bé là muốn phóng một cái vệ tinh.
Đầu tiên mình không tin, nhưng rồi đến tận nhà, tôi thấy những cái anh ấy đang có như một cái ống kính thiên văn to để quan sát không gian, anh ta cũng đã tham gia cuộc thi thiết kế tàu vũ trụ để làm lệch hướng sao chổi đang đâm vào trái đất, nên mình nghĩ anh này cũng không "điên rồ" như mình tưởng.
Rồi tôi hỏi "cần bao nhiêu tiền", anh ta bảo cần 1 tỷ đồng, sau đó tôi đồng ý tài trợ 1 tỷ đồng. Bây giờ thì dự án này (vệ tinh na nô) đã làm xong và chỉ còn chuyện phóng lên nữa thôi, mình không có tên lửa nên phải thuê phóng, rất đắt tiền nên còn đang tính toán.
Thực ra đây là một việc mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn, tuy nhiên trong quá trình làm mình cũng gặt hái được nhiều lợi ích đặc biệt là cho FPT phát triển một ngành công nghiệp gọi là "phần mềm nhúng". Có thể về phần cơ khí mình kém so với thế giới nhưng về phần mềm điều khiển nó lại là sở trường của mình, ít nhất là mình không lạc hậu lắm.
Một ý tưởng nữa mình có được từ nhân viên là vô tình bạn ấy gợi ý cho mình. Nhân viên của mình đa số xuất phát từ nông thôn, bố mẹ nghèo. Tình cờ qua anh ấy, tôi biết được bố mẹ có nhu cầu như thế nào trong việc muốn biết con mình lên thành phố làm việc ra sao. Chúng tôi mới làm một việc là mời bố mẹ đến công ty của con để thăm quan, đầu tiên cũng xuất phát như vậy thôi nhưng về sau chúng tôi thấy sự ủng hộ của bố mẹ vượt xa sự mong đợi lúc đầu và có ý nghĩa rất lớn.
Nhà báo Bình Minh: Trên Facebook của ông, tôi có đọc được một số bài viết nói về chuyện phụ huynh của nhân viên tham gia góp ý với lãnh đạo FPT, ông có thể chia sẻ một chút những điều thú vị liên quan không?
Ông Nguyễn Thành Nam: Có hai chuyện cũng hơi buồn cười một chút. Một bác bảo là con gái bác ấy gầy lắm, phụ huynh nói là không chịu ăn gì cả, suốt ngày tôi cứ ép nhưng lên đây không ai ép cả, đâm ra là nhờ anh, nó không ăn thì anh cứ 'tát' cho nó mấy cái cho tôi (cười).
Chuyện thứ hai là đôi vợ chồng ở Nam Định, chồng là bộ đội, vợ là thanh niên xung phong. Ở nhà vợ nấu rượu để cho cậu con trai lên học đại học về CNTT. Họ kể với tôi là khi con họ học ở ĐH Bách Khoa thì họ phải bỏ hết cơ ngơi ở quê, lên Hà Nội mở một quán phở ngay cạnh chỗ con học, trước mắt là kiếm tiền nuôi con, thứ hai nữa là để "trông" con.
Cho nên khi nói chuyện với phụ huynh, mình cảm giác trách nhiệm lớn hơn rất nhiều. Không thuần túy chỉ là có công ăn việc làm và trả lương.
Nhà báo Bình Minh: Mọi người rất chú ý đến phát biểu nhậm chức của ông. Ông có nói về mối quan hệ giữa những điều phi thường và bình thường, những điều học được từ Bác Hồ, và nhân viên FPT bây giờ phải đối mặt với thói quen tự coi mình là phi thường để trở lại là bình thường, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Nguyễn Thành Nam: Cái này có thể các bạn viết báo bị nhầm một chút, chuyện học Bác Hồ với phi thường hay bình thường là hai việc khác. Thứ nhất đây không phải chỉ là "bệnh" của FPT mà của ta cũng nhiều, thực sự người VN cũng làm được nhiều việc lớn, nhưng nhiều khi mình không chịu quên nó đi, mình cứ luôn nghĩ mình đang làm việc lớn, mà lại việc khác mất rồi.
Ví dụ ngày xưa mình từng học toán rất giỏi nhưng bây giờ đi làm kinh doanh thì phải quên việc mình học toán giỏi mà mình nghĩ là phi thường ấy đi. Bản thân công ty FPT nhiều khi cũng quên mất việc đó, mình cũng không thể cứ sống dựa vào thành công trong quá khứ. Còn ý thứ hai thì tôi xin để buổi khác vì nó rất dài và có quá nhiều điều để nói.
Nếu có một ý thì tôi xin chia sẻ điều này: Bác Hồ từng nói đại ý một đất nước yếu muốn đánh bại một cường quốc (hồi đó là Pháp) thì không thể dựa vào vũ lực mà phải dùng thế. Áp dụng vào đây, mình là một nước nghèo, FPT là một công ty bé, lại muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng đầu thì về cơ bản không thể dùng lực để đối chọi mà phải dùng thế.
Cái thế ở đây nó gắn với cả VN, với cả đất nước chứ không phải chỉ một mình công ty. Thế là do nhân dân tạo nên, do tình hình thế giới thay đổi, năm nay khủng hoảng có thể làm việc này tốt nhưng sang năm sau hết khủng hoảng việc đó lại không tốt nữa. Mình nhận thức được vị thế của mình mình sẽ không giáo điều. Có một triết lý hay về sức mạnh của kẻ yếu, vì nó biết yếu điểm nào và có ước muốn vươn lên nên có thể sẽ mạnh hơn thắng mạnh mà không hiểu.
Nhà báo Bình Minh: Hơn 10 năm trước, FPT đã có khẩu hiệu toàn cầu hóa FPT, như việc FPT muốn vươn ra toàn thế giới, đến nay FPT đã thực hiện được việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Nam: Kết quả thì khá rõ ràng, bây giờ FPT là Global Partner (đối tác toàn cầu) của Microsoft trong việc chuyển đổi ứng dụng của Microsolt.
Trong vòng 10 năm, từ chỗ họ chẳng biết mình là ai cho đến chỗ họ coi mình là một Partner trên toàn cầu (trong một lĩnh vực thôi), vị thế của chúng tôi đã khác. Còn dùng cái thế đó để chuyển thành lực lại là một chuyện nữa, từ cái thế ấy, mình sẽ làm gì để mang lại lợi ích nữa cho đất nước.
Trong suốt 10 năm qua đã có hàng ngàn lập trình viên của VN được sang, làm việc và thể hiện mình trong những môi trường cực kỳ hiện đại như của Sony, Panasonic, Motorola, IBM...
Toàn cầu hóa là một quá trình tự nhiên, mình không cần nhất thiết phải đi ra ngoài, người ta sẽ mang cái toàn cầu hóa đến VN, nhưng nếu mình không ra ngoài mình sẽ không hiểu. Còn khi mình ra ngoài rồi thì khi họ đến, mình sẽ nói chuyện với một cái thế khác với nhiều hiểu biết hơn.
Trước tiên phải dám mơ và mơ to
Nhà báo Bình Minh: Để trở thành tập đoàn toàn cầu và lọt được vào vị trí 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới như FPT đặt ra, FPT đang có những bước đi như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Nam: Cái này thì hiện nay đúng là một giấc mơ (cười).
Điều quan trọng đầu tiên là phải dám mơ cái đã, đã mơ thì phải mơ to, còn làm thì từng bước nhỏ, làm to chết ngay. Phải đánh thức được khát vọng của từng thành viên, đó phải là giấc mơ chung. Sau đó phải là mỗi người làm việc đó đã tốt nhất chưa. Từng người một phải nâng cao năng suất lao động của mình lên đến mức trình độ thế giới.
Mình muốn một công ty tầm thế giới thì năng suất lao động phải tương đương tầm thế giới. Rất may là FPT đã có những cái cơ bản nhất của một hệ thống tốt để mỗi người làm việc tốt nhất cộng lại nó phải thành cái tốt hơn. Mục tiêu thứ 3 cần đạt được là phải có những sản phẩm sở hữu trí tuệ của mình.
Những giai đoạn đầu của một doanh nghiệp bao giờ nó cũng phải đi học theo rất nhiều nhưng bây giờ phải đặt sẵn nền móng để đến lúc mình phải có những cái của mình. Samsung lúc đầu họ cũng lấy Sony làm mô hình và đến năm 2000 thì họ bắt đầu vượt lên trên Sony.
Nhà báo Bình Minh: Ông có thấy việc gia công phần mềm hiện nay đã có được giá trị gia tăng cao hơn hay chưa hay chỉ dừng lại ở việc mình đi làm thuê cho các tập đoàn nước ngoài?
Ông Nguyễn Thành Nam: Tôi nghĩ, đây cũng có thể là một cái bẫy, bẫy muốn thành công nhanh. Nếu ông đang ở dưới đáy của xã hội mà ông muốn trở thành Bill Gates thì đó là một giấc mơ điên rồ. Cho nên tôi nghĩ cái khẩu hiệu VN phải có nhiều Bill Gates là khẩu hiệu hại nhiều hơn lợi.
Theo tôi, cách tư duy VN phải đẻ ra những Bill Gates có lỗi của truyền thông trong các tuyên truyền, đã thổi những hình ảnh không hiện thực, nếu quay lại thời chiến tranh thì các cụ nhà ta đưa ra những hình ảnh rất hiện thực và có thể lặp lại được, người anh hùng là có thể học được.
Tôi không thần tượng Bill Gates, cũng không làm Windows, bây giờ các tập đoàn nước ngoài cho mình làm cùng cũng là tốt lắm rồi. Từ chỗ làm cùng, mình sẽ học được gì, nói chuyện gì, sau đó mới là sang tạo ra cái của mình. FPT đang đặt ra mục tiêu là nói chuyện ngang hàng với tất cả các khách hàng, sau đó năng lực học tập, vì chúng ta năng lực học tập là nhanh lắm nhưng từ đó đúc kết ra sản phẩm trí tuệ là thách thức.
Chúng ta hãy nhìn lại sau mấy chục năm phát triển có bao nhiêu sản phẩm, mình rất thực tế, tránh những việc không hiện thực. Chúng ta phải gieo vào thanh niên lý tưởng hãy làm việc thật tốt, thật năng suất công việc của mình đi. Ví dụ, một nhân viên chưa làm tốt công việc của mình, còn mắc lỗi mà nói tôi sẽ làm cái này, làm cái kia, thì hãy nhìn lại đi. Muốn làm sản phẩm tốt thì việc bây giờ phải làm tốt nhất những việc nhỏ nhất, dù là gia công.
Nhà báo Bình Minh: Một bạn đọc trên Thái Nguyên có câu hỏi tương tự là định hướng trong việc phát triển phần mềm của VN để có những doanh nghiệp gia công phần mềm như Ấn Độ và đạt mục tiêu xuất khẩu 1.000 tỷ?
Ông Nguyễn Thành Nam: 1.000 tỷ đồng thì xong rồi. Số lượng lập trình viên của mình chỉ bằng có 1% của Ấn Độ, đó là số lượng chứ chưa nói chất lượng. Nếu nói về định hướng thì đầu tiên là phải đủ về số lượng đã, sau đó là phải đạt đến một trình độ nào đó. Sau đó là mình xác định mình đi vào lĩnh vực nào, mình mạnh cái gì, vì mình có rất nhiều điểm yếu, mà điểm yếu cốt lõi nhất của mình là không biết tiếng anh. Bỏ qua cái đấy, vậy VN có điểm gì mạnh?
Tôi tin, thanh niên VN có một điểm rất mạnh là học nhanh. Học cái mới nhanh lắm, đi vào cái hướng này có lẽ mình mới đuổi kịp. Học ở đây là học cái mới, chứ học cái cũ thì học làm gì, vì người ta học hết rồi. Công nghệ càng mới thì việc học càng có ích, càng học nhanh càng có lợi.
Người VN phát huy được cái học nhanh và đam mê nhưng chỉ cần một người thôi, thậm chí là hai người ngồi với nhau là có thể lập được một chương trình rồi. FPT đã đưa ra ngọn cờ là ai viết được chương trình thì cứ đưa lên đây, mới được một tháng mà ngoài sức chờ đợi luôn, bằng lập trình viên FSOP làm việc cả năm.
Nhiều lúc chúng ta cứ nghĩ làm cái to rồi làm cái bé nó không thuận, nhưng làm cái bé nó cần một kỹ năng khác, vì vậy mà mới một tháng phát động phong trào mà đã có 152 ứng dụng rồi, thậm chí trong những người tham dự đã có những người 60 tuổi rồi.
Điều đó có nghĩa là phần mềm đang biến thành một cuộc chiến tranh nhân dân mà ai cũng có thể tham gia được, chứ trước đây nó là của một số ít người được đào tạo huấn luyện giỏi.
Nhưng thực chất hiện nay nó đã bình dân hóa cái này và vì vậy đây là một cơ hội hiếm có. Quá trình mà chúng ta cùng làm việc với các hãng nổi tiếng đó là quá trình chúng ta đi học mà vẫn được trả tiền, phải nhận thức như thế. Mình cứ nghĩ mình đi bán chất xám cho nó, nhưng thực chất mình có chất xám đâu mà bán mà thực chất mình đang học chất xám của nó mà lại còn được tiền.
Nhà báo Bình Minh: Liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của ngành CTTT-TT của VN, FPT đã đóng góp được những gì?
Ông Nguyễn Thành Nam: Trong mục tiêu nước mạnh, một phần rất quan trọng là xây dựng các doanh nghiệp mạnh. Ngoài việc giáo dục, đào tạo, chính phủ điện tử thì phải có các doanh nghiệp mạnh về CNTT. Đầu tiên mình phải tự biến mình thành một doanh nghiệp cái đã. Trách nhiệm đó phải làm sao cho FPT biến thành một doanh nghiệp mạnh về CNTT theo chuẩn thế giới chứ không phải theo chuẩn của mình.
Điều thứ hai là phải chia sẻ, vì phải xác định kinh nghiệm của mình đã có cái gì rồi để từ đó chia sẻ, tôi nghĩ chỉ có giấc mơ là không chia sẻ được thôi. Người đi trước cần nói một câu thì tiết kiệm được bao nhiêu công sức cho người đi sau, đó chính là trách nhiệm của FPT.
Nhà báo Bình Minh: Còn với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực CNTT và phần mềm thì làm như thế nào để theo được chủ trương ấy của FPT?
Ông Nguyễn Thành Nam: Ra nước ngoài họ chẳng biết mình là ai, và mình cứ nói mình coi trọng bằng cấp nhưng thực chất Tây còn coi trọng bằng cấp hơn, vấn đề là bằng cấp của ai thôi. Nếu nói Harvard thì họ nhận luôn khỏi phải bàn, còn mình hỏi có gì hay thì bảo chỉ có cái giải thưởng Sao Khuê, nó chẳng biết Sao Khuê là giải thưởng gì.
Từ đấy đặt ra vấn đề là mình phải có một cái bằng mang tính chất quốc tế. Hồi trước anh Bình anh ấy có bảo anh phải thi cho tôi cái bằng CMM, thì mình nhận thức được ngay cái bằng này nước ngoài nó hiểu. Tại sao các việc ấy doanh nghiệp VN không làm?
Thật may là Bộ TT&TT cũng ủng hộ, và có đến 7-8 người có bằng cấp rồi, nếu có độ 500 có bằng CMM thì mình cũng hơn Ấn Độ. Cái bằng cấp đó nó quyết định người ta sẽ nói chuyện với mình, thì cái đấy là cộng động doanh nghiệp đang đi đúng hướng.
Nhà báo Bình Minh: FPT đa dạng hóa, nhiều lĩnh vực, vậy thì thành công nhiều hơn hay thất bại nhiều hơn và nó rút ra được bài học gì cho FPT trong việc đa dạng hóa như vậy?
Ông Nguyễn Thành Nam: Đa dạng hóa thôi nhưng hơn 90% lợi nhuận đến từ CNTT và hơn 85% nhân viên làm trong lĩnh vực đây. Mình đi làm cái khác thì cũng là tay trái thôi nhưng bản chất thì luôn luôn thử thì mình thử.
Thậm chí như viễn thông gần đây cũng thử, có những cái thử thành công như làm về chứng khoán, tất nhiên làm như người khác là mình chết, vì mình phải tận dụng lợi thế của mình là CNTT nên tập trung làm vào chứng khoán online là chính và rồi cũng lên thành đại gia. Học cả những thành công và những thất bại và sang chứng khoán học được những bài học thất bại rất là bổ ích cho việc hiện tại.
Cần hiểu rõ mình đang đứng ở đâu
Nhà báo Bình Minh: Bạn đọc lequangtuyen1818@...có hỏi, ngành IT không còn được hot như trước nữa, bao nhiêu viễn cảnh về gia công phần mềm nó cũng tan biến khi đồng lương và sự đầu tư vào lĩnh vực này cũng hạn chế và tương lai cũng khá mờ mịt. Với tư cách là TGĐ FPT thì anh suy nghĩ gì về IT hôm nay và làm sao để nâng cao chất lượng IT như hiện tại?
Ông Nguyễn Thành Nam: Cảm ơn bạn Tuyên về câu hỏi này, bạn hỏi câu này đúng là tôi cũng đang trăn trở thật là tại sao hay thật mà mình không học, CNTT là một ngành hấp dẫn sao lại không được đánh giá trong xã hội. Bây giờ có một xu hướng là mình thích đi học về kinh tế và tài chính hơn, đây là một thực tế vì nó kiếm tiền nhanh hơn và học thì nhàn hơn.
Tuy nhiên, mình có niềm tin là nước mình sẽ phát triển và rõ ràng là nước nghèo thì chúng ta sẽ không bàn, mình phải tin như thế. Nước mình phát triển thì mình cần những người giỏi về chứng khoán tài chính nhưng số lượng này là rất ít, không cần quá nhiều và kể cả nước Mỹ cũng ít thôi. Mình phải điều chỉnh, nền kinh tế sẽ phải tự điều chỉnh.
Và lĩnh vực nào càng mới thì chúng ta học càng nhanh và càng thành công. CNTT sẽ tăng năng lượng cho các ngành khác, CNTT cũng không nên tách rời mà là một phần của các ngành khác, trong đó nó là cốt lõi. Chúng ta nhầm tưởng CNTT là một ngành độc lập thì sẽ bế tắc thôi. Nếu chúng ta nghĩ CNTT là một phần của GTVT, một phần của nông nghiệp, công nghiệp...thì năng suất cao, chắc chắn sẽ là một phần quan trọng của VN tương lai.
Nhà báo Bình Minh: Bạn Nguyễn Bá Thanh có một giả định: Nếu ông là Thủ tướng của VN thì chiến lược kinh tế của ông trong 10 năm tới sẽ như thế nào và tập trung vào những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Thành Nam: Tôi xin phép không trả lời (cười).
Nhà báo Bình Minh: Có bạn đọc hỏi là sao sau 20 năm mà sản phẩm công nghệ của FPT vẫn chưa rõ ràng, với những cái điện thoại thì linh kiện vẫn được sản xuất từ Trung Quốc. Vậy tại sao chưa có sản phẩm được sản xuất toàn bộ của FPT?
Ông Nguyễn Thành Nam: Đây là một quá trình học hỏi. Chương trình trước đây của FPT đã làm ra nhiều chương trình rất hay nhưng rồi lại vứt xó, hay chương trình hiện đại hóa ngành ngân hàng hay hơn chương trình trước nhưng rồi cũng vứt xó. Tức là trong lịch sử của FPT có rất nhiều sản phẩm của mình rồi và thực tế là nó chết. FPT cũng đã từng tự làm điện thoại nhưng chết không bán được.
Mình tự đặt câu hỏi là cái gì đấy sai, và cái sai đầu tiên của mình là mình đã tự tách mình ra khỏi thế giới. Trên thế giới này không có cái gì mà tự mình làm nữa, chỉ có mình là tự hì hụi làm thôi, thành ra bên ngoài thay đổi mình không biết. Chính vì vậy, trước khi làm cái gì thì phải tìm hiểu cái này thế giới làm như thế nào đã rồi hãy tham gia, rồi từ đó là nhảy vào chỗ nào mà mình mạnh nhất.
Ví dụ, kinh nghiệm làm cái điện thoại, thì phải đi xem Nokia làm điện thoại như thế nào, còn nếu lập nhà máy để ngồi làm điện thoại thì 3 hôm là chết. Nếu đến trung tâm thiết kế của Nokia thì chán luôn không muốn làm nữa vì mình sẽ thua chắc rồi. Như vậy, có những chỗ là mình sẽ thua chắc, và có những chỗ mình cũng sẽ cạnh tranh được.
Trong kinh tế họ gọi là lợi thế cạnh tranh tương đối, tức là bạn vẫn mạnh hơn mình, nhưng so về tương đối thì chỗ này là bạn ít mạnh hơn nhất. Mình tập trung vào chỗ ấy và những chỗ khác mình không làm, nguồn lực mình rất ít mà cái gì mình cũng làm cả thì không thể thành công được. Làm cái gì cũng phải xem có cạnh tranh được không.
Anh lấy ví dụ thế này, bây giờ mình quyết tâm đi vào World Cup nhưng mà tham gia để học hỏi thì không tham gia. Đã tham gia là ít nhất phải thắng một trận. Bây giờ cứ tham gia đi để cọ sát thì rất dở. Thì đấy, chúng ta ra thế giới chúng ta phải cọ sát, ít ra thắng một trận thì đá mới đá. Bây giờ mình đang ở thế phòng thủ, thì phải phòng thủ cho đối phương không thể ghi bàn đã, rồi mình rình rình tấn công sau.
Thì việc làm một sản phẩm nó cũng có tính chất như vậy. Hiện tại công ty FPT cũng đã triển khai rất nhiều sản phẩm, không chỉ có chiếc điện thoại. Nhưng nó phải đặt trong bối cảnh toàn cầu.
Vừa rồi trong một cuộc triển lãm ở Hàn Quốc - triển lãm về thành tựu điện tử thế giới, Tổng thống Mỹ Obama có đến thăm một quầy hàng của hãng Motorola có một con chip thế hệ mới, chip đấy một phần làm ở FPT. Nhưng cái đấy mình không cần phải đi khoe.
Mình vẫn chưa thể làm được cả con chip, mình cũng không nên đặt mục tiêu làm cả con chip ấy. Nếu mình đã làm ra như vậy thì tức là mình đã tích hợp được thế mạnh của mình vào thế mạnh của thế giới, lúc đó mình sẽ mạnh hơn rất nhiều. Vấn đề thứ hai nữa là mình cần phải có thương hiệu, Motorola có thương hiệu, mình không có.
Thương hiệu là tiền bạc để xây lên được. Thương hiệu không có một công ty nào trên thế giới tự nhiên có được, nó cần phải có thời gian. Khi nào thương hiệu có tính chất toàn cầu thì doanh nghiệp mới có khả năng cạnh tranh được. Rất may tất cả mọi thứ đang đi đúng, mình phải đầy nhanh hơn. Nhưng muốn đẩy nhanh hơn thì mình cần phải làm thật tốt những việc hiện tại chứ không phải chỉ mong muốn là nó đi được.
Nhà báo Bình Minh: Anh có kỳ vọng là F-store cùng FPT-Mobile sẽ ra thị trường thế giới và có doanh thu tốt?
Ông Nguyễn Thành Nam: Tất nhiên là tôi kỳ vọng như thế nhưng thế giới là đâu? Có một câu chuyện là khi tôi đi sang Mỹ, thì họ hỏi một câu thế này "Thế anh sang đây làm gì" - Sang đây kiếm tiền. Họ bảo "anh điên à", bây giờ thế giới sang bên Trung Quốc, VN kiếm tiền, có mỗi mình anh sang đây kiếm tiền. Thế giới đang ở đây.
Tổng giám đốc của Intel khi phát biểu trước tất cả các thành viên của mình nói rằng :" Cuộc cạnh tranh bây giờ đang ở châu Á".
Mình có may mắn là mình đang ở đúng chỗ thế giới. Mình chẳng phải lo gì, mình sẽ phải cạnh tranh ngay ở đây. Chỉ có một điều mình đừng làm cái gì đó quá đặc thù VN bán ra thế giới nó khó.
Ví dụ Twitter thì ai cũng chơi được nhưng chơi "Ô ăn quan" thì ở nước ngoài khó. Vì vậy, khi mình làm cần phải tính toán trước liệu dân Bangladesh, Indonesia có chơi được không? Từ xưa người VN vẫn quen những đặc thù của VN nên khó mang ra thế giới. Rất may chúng ta đang ở trung tâm phát triển rất năng động của thế giới.
Nhà báo Bình Minh: Tôi cũng rất quan tâm đến những sản phẩm điện thoại như FPT-Mobile, về cơ bản thì cũng giống như các thương hiệu khác của VN, tôi thấy có một tỉ lệ khá lớn các linh kiện thường được nhập và đặt hàng từ những nước bên ngoài như Trung Quốc ...
Vậy thì linh kiện và các phần mềm hệ thống, hệ điều hành, trình duyệt Wap đối với dân lập trình trên Mobile thì họ thấy nó không được chuẩn khi sử dụng các ứng dụng phổ biến như Facebook cho Mobile, Opera ....Họ thường xuyên thấy hệ điều hành đó không tương thích với các ứng dụng và các mã nguồn mở. FPT đã giải quyết bài toán đó như thế nào ?
Ông Nguyễn Thành Nam: Giải quyết bài toán này tôi nghĩ nó chẳng khó. Tất nhiên là cũng khó nhưng chỗ này mình có thể giải quyết được. Một điều cũng rất may đó là thế giới rất là mở. Nếu tôi làm lập trình trên Iphone, thì hệ điều hành là Brower base của Apple. Apple sẽ ngăn cản tôi. Thứ hai bản thân Iphone ở VN là quá đắt.
Nếu gọi đây là thị trường thì thị trường ở VN còn rất nhỏ. Iphone bán chủ yếu ở Mỹ. Mình đang đánh nhau thì đánh nhau ở đây chứ mình có đánh nhau ở Mỹ đâu. Đấy là việc làm thế nào mà một chiếc điện thoại rẻ tiền mà lại smart như Iphone là việc mình phải làm. Mình có làm được không ? Anh nghĩ là làm được, khả thi nếu như mình hiểu mình đang đứng ở đâu. Đấy là mục tiêu mình đặt ra. Cách quan sát rất đơn giản đó là điện thoại rẻ tiền nhưng thông minh.
Tất nhiên là rẻ tiền mà thông minh thì nó không thể thông minh như đắt tiền được, nhưng cũng phải thông minh tương tự. Có người hỏi "Anh làm điện thoại smart à, smartphone à ?", mình mới hỏi "Định nghĩa thế nào là smartphone? ".
Cậu ấy định nghĩa Smartphone là Iphone, là BlackBarry, mình mới bảo thế không đúng. Smartphone là điện thoại lập trình được. Thế này là smart, nó có giá 1 triệu thôi. Thế anh có biết là mua một cái BlackBarry bao nhiêu tiền không, mà chưa kể không dùng được, phức tạp lắm. Mình phải khả thi, để mình nhằm vào thị trường nào. Nếu như chúng tôi định sản phẩm bán sang Mỹ thì lúc đấy mới phải tính đến chuyện kia. Nhưng mà như thế thì anh đoán thua chắc.
Tại sao mình không làm ở đây đi đã, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc ... Tại sao mình không bán ở Trung Quốc. Trăn trở của mình là suốt ngày chỉ so với Mỹ. Ta nghĩ đơn giản như đá bóng, suốt ngày đi so với Brazil. Đá bóng mình thắng được Thái Lan đã mừng quá.
Cái đó là cái thực tế mà chúng tôi mơ ước rất thực tế khi thực hiện. Nếu thất bại, mình không có nhiều tiền, nếu như thất bại mình không có cơ hội để làm lại. Bên Mỹ họ có nhiều tiền, hỏng lại làm lại, không như VN là một nước nghèo. Tôi có 3 viên đạn bắt chết 3 con hổ, nếu tôi bắn phát trượt thì con đấy nó ăn thịt tôi rồi.
Cho nên không được phép sai. Đó là cái dở, cũng là điểm yếu của người làm công nghệ ở VN. Vì vậy làm cái bé, sai còn sửa được. Bỏ hết nguồn lực vào một chỗ thì khả năng sẽ không sửa được.
Nhà báo Bình Minh: Tức là FPT sẽ không hướng tới là sẽ có một nhà máy lắp ráp điện thoại ở VN đúng không ạ?
Ông Nguyễn Thành Nam: Thuần túy câu hỏi này là câu hỏi kinh tế. Nếu rẻ hơn ở Trung Quốc chắc chắn làm ngay. Thực ra, khi anh nêu bài toán này với đối tác Đài Loan: "Tôi muốn thiết kế một con chip thì anh làm thế nào". Họ bảo là " thì anh mua của tôi đi là xong". Việc gì phải tự làm, công ty tôi đang thiết kế đây này, giá thế này anh có tiền không.
Ví dụ bây giờ anh Đoàn Nguyên Đức chẳng hạn, anh muốn làm công nghệ đơn giản lắm, anh ý có thể mua 2 công ty làm chip ở bên Đài Loan luôn, giải quyết vấn đề công nghệ VN luôn. Nhập tịch như kiểu Philippines ấy, nhập mây ông đá hay ngay.
Doanh nghiệp Việt cần thể hiện đúng giấc mơ của mình
Nhà báo Bình Minh: Câu hỏi của bạn đọc ở địa chỉ laohachl010@, thưa ông, với vai trò Tổng giám đốc tập đoàn tư nhân, xếp thứ hai trong số những tập đoàn lớn nhất VN, về mặt chiến lược phát triển doanh nghiệp, tôi không muốn đề cập vì đã và đang trên con đường FPT đi lên và xứng đáng được công nhận.
Tuy nhiên về tổng quan nền kinh tế có vẻ quá nhiều lực cản, cơ chế, chính sách. Ông suy nghĩ gì về các hoạch định, chiến lược gắn kết khối kinh tế tư nhân ở VN lại để cải thiện sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân, liên kết sức mạnh của khối kinh tế tư nhân làm gia tăng áp lực lên xã hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế VN trong thời gian tới hay không?
Tôi rất mong các nhà quản trị nền kinh tế VN có năng lực và tầm nhìn để đưa đất nước VN phát triển. Chúng tôi mong nhà lãnh đạo tài giỏi của VN có thể đưa VN từ một nước nghèo như hiện nay trở thành con hổ hay con rồng châu Á như các nước khác. Tôi nghĩ với hơn 10 năm ông đưa tập đoàn đi lên, ông sẽ có những cái ý tưởng, kinh nghiệm để có thể từ mô hình phát triển của tập đoàn FPT giúp cho các doanh nghiệp VN có được những sự phát triển hay không.
Ông Nguyễn Thành Nam: Câu này khó trả lời nhỉ? Lại cứ nhắc đi nhắc lại thôi. Bây giờ đang nghèo thì phải tìm cách thoát nghèo đã. Thì đấy là cái việc bạn nghĩ phải làm ngay đầu tiên. Nếu bạn đang là giám đốc doanh nghiệp thì ít nhất doanh nghiệp bạn phải sống được đã. Bạn còn chưa sống được thì còn lo gì đến đất nước. Doanh nghiệp phải sống được đã. Anh vẫn tin rằng, khối tư nhân bây giờ vẫn đang là giải quyết chiếm đến 70-80% công ăn việc làm cho xã hội. Nó sẽ tiếp tục phát triển.
Thế còn trong những doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ thì có doanh nghiệp nào lên được thành lớn không? Anh nghĩ đây là một câu hỏi rất hay. Mình đặt ra câu hỏi là có cần phải có con hổ thật không. Nếu mình không phải có gen hổ thì việc gì mình phải mơ mình thành hổ. Cáo ngay đúng không? Nên bạn đừng mơ mình biến thành hổ, chẳng may có gen hổ rồi thì kiểu gì cũng thành hổ, khỏi lo. Nhưng nếu mà đã cáo thì tin rằng mình là cáo rất là ngon, bắt gà rất giỏi.
Tức là mọi người hay mơ ước các ước mơ của mình, anh nghĩ ở đây là mọi người hay mơ cái mơ ước của người khác. Các doanh nghiệp tư nhân VN hãy thể hiện đúng ước mơ của mình thì sẽ thành công. VN đã có nhiều ví dụ tiền đề cho việc thành công đấy.
Nhà báo Bình Minh: Tôi nghĩ rằng, vấn đề nằm ở chỗ không giống như gen có từ khi mới sinh ra, mà các doanh nghiệp thì ban đầu cũng đều có những quy mô na ná giống nhau thôi. Thế nên, bạn Thanh Nguyễn xin hỏi ông, điều kiện tiên quyết để phát triển một doanh nghiệp đi lên từ quy mô nhỏ. Ông có thể chia sẻ bí quyết điều hành, phát triển FPT để từ một doanh nghiệp trở thành một doanh nghiệp hàng đầu như thế không?
Ông Nguyễn Thành Nam: Trên diễn đàn cũng có một bạn hỏi như vậy. Thực ra, doanh nghiệp nào cũng bắt đầu đi lên từ quy mô nhỏ mà thôi. Nhưng phải nói thế này, xác suất để doanh nghiệp đấy thành tập đoàn lớn là thấp. Nó có mấy điều thực hiện như thế này:
Thứ nhất là doanh nghiệp có muốn không đã. Ví dụ tôi là một doanh nghiệp chỉ để kiếm đủ ăn cho gia đình thì hiển nhiên không bao giờ thành lớn cả. Mà lớn là dở. Anh đã đặt mục tiêu thế đừng lớn. Khi mà đã nghĩ rằng mình muốn làm cái gì đó lớn lao thì trước hết, đội đầu tiên là đội quan trọng. Khi bắt đầu một doanh nghiệp như vậy thì đừng nghĩ việc đóng tiền để sau này chia nhau.
Đầu tiên là tìm những người cùng chí hướng đã, khi mình có chí hướng thì phải xem họ có đồng chí hướng không đã. Chứ đừng đi gọi vốn vội. Vốn là việc sau. Đội bắt đầu, hoặc một mình, hoặc gia đình, hoặc là một nhóm bạn bè nó đã có một kết nối rất chặt chẽ thì mới đi xa được.
Còn kết nối lỏng lẻo, phải đóng vốn ít thì chỉ cãi nhau cái là tan. Cái con tàu ngay từ đầu đã phải chắc chắn bằng mối quan hệ giữa những người sáng lập với nhau.
Thứ hai, kinh nghiệm của FPT, FPT lúc đầu rất may cái nhóm đấy là bạn bè biết nhau lâu rồi. Mặc dù tôi với anh Bình lúc đấy mới làm ăn nhưng trước đấy chơi với nhau đã 10 năm rồi. Thế nên mặc dù không phải là gia đình nhưng rất gắn bó. Cái thứ hai là những vấn đề mang tính hệ thống thì cần phải giải quyết sớm. Bảng lương phải làm từ sớm, đừng để đến lúc đông rồi thì chịu. Rồi hệ thống quy trình cũng phải làm rất sớm. Văn hóa công ty là một thứ bền vững, cái gì là bền vững thì phải xây từ đầu như là hệ thống quy trình, văn hóa phải xây từ sớm. Còn kinh doanh có thể đổi.
Thế tôi muốn hỏi văn hóa là gì? Văn hóa rất đơn giản, văn hóa của anh sáng lập là gì thì văn hóa công ty là như thế. Người sáng lập là người am hiểu, hiền lành thì công ty sẽ hiền lành nhưng anh phải tin rằng đấy là đúng. Anh sẽ duy trì nó. Chứ giữa chừng lại thay đổi thì chết.
Những cái đó là phải setup càng sớm càng tốt. May mà FPT đã setup nó từ rất sớm và nó vẫn tồn tại được. Anh cho rằng đấy là một điều kiện tiên quyết để tồn tại. Thực ra suy cho cùng thì tôi tồn tại được lâu thì tôi sẽ lớn. Còn anh không lớn chẳng qua là chết giữa chừng. Thực sự, đây là bài học lớn nhất nếu như tôi không chết được thì kiểu gì tôi cũng sẽ lớn.
Nhà báo Bình Minh: Câu chuyện văn hóa FPT thực sự là câu chuyện rất hay. Tôi xin phép quay lại sau. Ở đây liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân tại VN, tiếp nối câu chuyện này thì ông Nam có thể thấy là ở doanh nghiệp nào của VN, trong một môi trường kinh doanh như ở VN luôn luôn biến động như thế này thì lúc nào cũng phải ở trong tình thế là phải lách, phải tìm những khe để đi qua và thường xuyên phải mạo hiểm, đối mặt với những rủi ro. Thế thì FPT đã làm thế nào để tồn tại và không gặp phải những rủi ro, không bị thương vong trong quá trình phát triển như thế.
Ông Nguyễn Thành Nam: Đấy tôi nói xong rồi đấy. Tức là rủi ro thì kiểu gì cũng gặp, đi đường thì kiểu gì cũng rơi xuống hố, vấn đề là không chết. Chứ còn không tránh được. Chứ bây giờ bảo làm thế nào để không rủi ro thì không có. Tức là cạm bẫy rất nhiều. Môi trường kinh doanh ở VN rất nhiều cạm bẫy. Làm thế nào để không chết. Rơi xuống lại đứng lên được.
Đấy anh bảo là mối quan hệ con người với con người với nhau rất là chặt chẽ. Để không vì thế mà tan. Thứ hai là phải có một hệ thống được viết rất rõ rang ra. Viết ra quy định rõ ràng. Nói mồm không thì dễ tan lắm. Cái thứ 3 nữa là có một cái văn hóa, một cái ứng xử thống nhất, một hệ thống giá trị để cùng chia sẻ, cùng cách ra quy định. Thì lúc đứng lên mới bình thường, lại đi tiếp.
Nhiều doanh nghiệp chết vì vẫn chỉ dựa vào cảm giác
Nhà báo Bình Minh: Ông có nói rằng là cố sống được lâu thì sẽ lớn, thì ở VN cũng có một cách nói nôm na khác cũng có nét tương đồng là luôn luôn ở tâm thế dễ bị nuôi cho béo rồi làm thịt. Doanh nghiệp VN rất sợ chuyện đó, rằng nếu phát triển to ra thì kiểu gì cũng sẽ bị rủi ro to hơn. Đã từng có doanh nghiệp VN bị như thế rồi. FPT cũng là một doanh nghiệp rất là lớn thì làm thế nào để tránh được việc đó.
Ông Nguyễn Thành Nam: Điều này là không tránh được, việc chấp nhận những rủi ro là đương nhiên, bảo tránh là hoàn toàn sai. Vấn đề làm thế nào để rủi ro xong tôi vẫn còn tồn tại. Khi to thì hậu quả nó sẽ lớn hơn rất nhiều. Anh ví dụ như khi mình lái xe xịn, chạy với tốc độ lớn thì hậu quả rất là lớn. Còn lái xe công nông thì có đâm hậu quả cũng nhỏ. Thực ra khác nhau giữa cái xe xịn với xe công nông này là gì?
Xe xịn nó có hệ thống cảnh báo, nó có đồng hồ rất nhiều. Doanh nghiệp cũng thế thôi, khi to lên mà vẫn còn dựa vào cảm giác là chính, kiểu đi nhanh hay chưa thì thò tay xem nó có mát không thì mình cũng chết. Phải nhìn đồng hồ, lúc nào nhanh phải phanh ngay. Thì những doanh nghiệp lớn ở VN chết chẳng qua là vì không có đồng hồ, vẫn dựa vào cảm giác.
Cảm giá khi nhỏ nó đúng, lớn nó không đúng. Thì xây dựng hệ thống đồng hồ từ lúc còn bé, lúc lớn nó với có giá trị. Ai cũng cho rằng lúc bé nó là một cái lãng phí. Thì nhiều người bảo bé cần gì, lúc lớn đi nhanh mới chết. Thì bài học này, anh cho rằng những doanh nghiệp lớn mà chết chủ yếu là vì hệ thống đồng hồ không hoạt động.
Có 2 hình thức hoặc là không có, nhiều doanh nghiệp không có luôn, hai là hình thức, số toàn số giả. Tức là tốc độ đang 100km/h nó chỉ có 20 thế là vừa đi vừa thổi sáo. Đâm vào tường hỏi tại sao không chết.
Nhà báo Bình Minh: Hình ảnh ví dụ rất hay. Tôi xin quay trở lại vấn đề về văn hóa FPT là một đề tài rất hay. Lúc nãy ông có nói, văn hóa FPT chính là văn hóa của người sáng lập ra FPT. Vậy thì ông có thể chia sẻ, liệu các cá nhân trong công ty có giúp hình thành văn hóa đó không hay nó chỉ là từ chủ quan của lãnh đạo.
Ông Nguyễn Thành Nam: Khi thành lập công ty, chúng tôi cũng nghĩ một điều như thế này. Thực ra, trong một xã hội như thế thì mình là cái gì, giá trị gì là cái cốt lõi nhất. Ví dụ mình nói là mình không ăn cắp. Tức là FPT có thể tự hào, anh không nói là không có, nếu có thì chỉ là ngoại lệ chứ không phải là một hiện tượng phổ biến.
Ăn cắp có thể có nhiều thứ lắm. Ăn cắp thời gian, ăn cắp tiền bạc chứ không nhất thiết cứ phải là ăn cắp. Tức là mình trung thực. Khái niệm rất đơn giản, nếu mà bình thường thì mọi người nói rằng là cao siêu nhưng thực ra nó đơn giản thế thôi. Khi xin vào FPT không bao giờ có việc phải nộp tiền.
Nếu mà anh biết có ông nào nhận tiền thì ông sếp chắc chắn nghỉ. Anh phải thường xuyên đi kiểm tra việc đó có xảy ra hay không. Kể cả nhờ vả các kiểu không bao giờ phải đóng tiền cả. Aptech là một điều các anh thành công bởi vì anh nói đúng như vậy. Bây giờ các anh các chị đào tạo một người ra, đi xin việc mất mấy chục triệu, anh bỏ mấy chục triệu đây tôi bảo đảm xin việc không mất tiền.
Cuối cùng vấn thế, nó cũng chẳng khác gì cả. Nếu bảo
Aptech nó khác biệt thế nào thì học phí nó cao quá. Nó chỉ đơn giản thế này thôi, khẩu hiệu của chúng tôi là nếu như trong CV ghi là học cái gì thì tôi bảo đảm anh làm được cái đấy. Còn như anh dạy 20 cái chẳng làm được cái gì. Ở đây tôi dạy có 2 cái thôi, chắc chắn là làm được. Thì cái giá trị đấy xã hội càng ngày họ càng công nhận. Anh viết CV có 2 kỹ năng thôi nhưng tôi đảm bảo kiểm tra ông làm được thật. Còn anh ghi 20 cái xong kiểm tra, đấy cũng là một dạng ăn cắp danh tiếng. Tôi nghĩ những giá trị ấy là cái quan trọng ở trong hệ thống giá trị của FPT.
Cái giá trị thứ hai anh nghĩ cái này thì hơi khác biệt một chút đó là cái tôn trọng cá nhân. Đâm ra nhiều khi nó cũng quá đáng. Mình cũng thích thế, tại sao mình lại ngăn họ. Mình có quyền gì ngăn họ.
Đồng đội tức là phải giúp nhau, đã giúp thì người kia phải khó khăn. Nếu một người yếu thì mạnh phải giúp yếu, nguyên tắc rất đơn giản như vậy. Còn hai người mạnh thì cạnh tranh. Cách cạnh tranh của FPT là như vậy. Nếu như cả 2 đều mạnh xin mời cạnh tranh chứ không phải đồng lòng gìm giá, tăng giá. Nhưng mà mạnh thì phải giúp yếu.
Những cái suy xét rất là đơn giản và cuối cùng tôi nghĩ cái này cái mong muốn, khát vọng nhất. Vì vậy luôn luôn phải có một cái khao khát. Thực sự luôn luôn có một cái khát khao đổi mới, thay đổi. Tức là mình không hài lòng với cái hiện tại. Đấy là những hệ thống giá trị mình nghĩ rằng nếu mà tôi chia sẻ thì tôi là người FPT mặc dù tôi có thể không làm ở FPT. Những giá trị đấy nó phải được thể hiện trong những hoạt động hàng ngày chứ không phải sách mang theo cả.
Ở FPT, nếu một ông giám đốc, làm kế hoạch mà chẳng tăng trưởng gì cả thì mời ông đi chỗ khác. Thế ông cũng không có khát vọng, ít nhất ông phải thể hiện khát vọng trong kế hoạch đã. Ông lại bảo không, năm nay chúng tôi khó khăn lắm, tôi xin phép không làm thế thì ông để người khác làm.
Đấy là những giá trị không tốt, những người như thế tôi không nhận. Riêng vụ này cho tôi ăn cắp một tí xong thì thôi tôi bảo không được. Anh thì cũng may mắn là để ý nó ngay từ đầu, chứ để nó lớn rồi thì khó lắm. Văn hóa doanh nghiệp là phải dựng từ những ngày đầu tiên.
Nhà báo Bình Minh: Liên quan đến vấn đề văn hóa FPT, tôi thấy rằng những nhân viên mà đang hiện tại làm ở FPT thì có một tình yêu và niềm tự hào rất lớn đối với doanh nghiệp. Tại sao mà khi những người đi rồi họ lại quay trở lại và có thể quay ngoắt 180 độ, rất ghét FPT và có thể sẵn sang nói xấu FPT.
Ông Nguyễn Thành Nam: Anh nghĩ là tất nhiên ai cũng có thể như vậy. Anh không nói ai đúng hay sai nhé. Văn hóa chỉ có thích và không thích. Tôi có thể thích chèo, anh không thích nhưng không có nghĩa tôi mới là người tử tế. Ít nhất khát vọng phải thể hiện trong kế hoạch... chỉ những người có khát vọng tôi mới nhận. Anh để ý và làm điều này ngay từ đầu. Nếu để lúc lớn rồi thì rất khó. Văn hóa doanh nghiệp phải xây dựng từ những ngày đầu tiên.
Nhà báo Bình Minh: Tức là có một số ít người khi họ làm việc tại FPT cảm thấy tốt, nhưng khi họ không làm ở đó nữa, thì họ lập tức có suy nghĩ khác?
Ông Nguyễn Thành Nam: Nếu là số ít thì khó để nói. Nhưng tôi không tin một người không yêu nơi làm cũ, thậm chí khi rời khỏi còn quay sang ghét thì khó lòng đi làm tại nơi khác được. Bởi lẽ, người chủ ở nơi mới chắc chắn cũng không thích kiểu người này. Cho nên theo tôi, số người kiểu này là hãn hữu và dần dần sẽ bị loại bỏ hoặc phải tự điều chỉnh. Tôi chắc chắn không phải bất cứ ai cũng yêu FPT được.
Nếu người nhân viên đó ra đi mà vẫn cay cú, hậm hực thì nơi mới người ta cũng không thích được!
Nhà báo Bình Minh: Như ông nói văn hóa FPT rất tôn trọng quan điểm cá nhân, làm cho các bạn trẻ rất tự tin tạo ra những sự vui nhộn mà đôi khi hơi" thoáng", thái quá. Và cũng có một số tai nạn như sinh viên tại FPT ARENA... khiến người ta có cảm giá các bạn thể hiện mình theo cách hơi lập dị, thái quá. Theo anh điều này có hại hay có lợi nhiều hơn?
Ông Nguyễn Thành Nam: Theo tôi có lợi nhiều hơn. Đương nhiên mặt hại cần phải kiểm soát. Khẩu hiệu của FPT là sáng tạo, đổi mới... nhưng nếu mỗi lần sáng tạo, đổi mới mà phải đi xin phép thì thành không nhất quán. Đổi mới, sáng tạo xảy ra vấn đề hay không thì quay lại quản lí rủi ro. Nếu nó xảy ra thì cần phải làm gì để hạn chế hậu quả. Những bài học đó giúp FPT biết cách quản lí rủi ro hơn rất nhiều
Không có nhân viên thì làm gì có lãnh đạo
Nhà báo Bình Minh: Tôi cũng là người rất hâm mộ văn hoá của FPT từ những ngày đầu tiên khi mà chưa có máy tính, internet... phải xả stress cho nhau bằng chuyện cười, những bài hát nhạc "chế" trình diễn rất hoành tráng theo cách rất riêng... khiến các bạn trẻ bị cuốn hút và đó như một thế giới riêng làm cho tinh thần hăng say hơn. Có người cho rằng đó là cách lãnh đạo FPT dùng người, khiến các bạn trẻ nhiệt tình đóng góp cho công việc hơn mà quên đi các quyền lợi, và người hưởng lợi ở đây chính là lãnh đạo FPT. Theo ông có chuyện này không?
Ông Nguyễn Thành Nam: Nhiều người cho rằng quyền lợi của cổ đông, lãnh đạo và nhân viên mâu thuẫn. Nhưng thực tế làm sao có mâu thuẫn được. Nếu không có nhân viên thì làm gì có lãnh đạo. Nếu không có cổ đông thì làm gì có công ty, và nếu chỉ có cổ đông không thì có công ty để làm gì...3 yếu tố này liên quan chặt chẽ tới nhau. Thành thử, các quyền lợi cũng liên quan chặt chẽ với nhau. Không thể vì lợi ích của người này mà hoàn toàn bỏ rơi người kia được. Người ngoài thường không hiểu được rằng nếu anh bóp chết nhân viên thì chính anh chết trước.
FPT có một mơ ước là làm cho người nhân viên bình thường trở nên giàu có, nếu đi theo FPT. Điều này đã đúng với một số đông người, thế nhưng để nhân thành tựu đó với hàng chục ngàn người là một bài toán khác và đương nhiên đòi hỏi cách giải khác
Xã hội ổn định là nhờ những con người có công ăn việc làm ổn định, có điều kiện để phát triển. Không ai tự nhiên thành ông Trương Gia Bình được cả mà phải xuất phát từ chính người bình thường đã. Và nếu FPT đã tạo được rất nhiều việc làm cho những người bình thường thì theo tôi FPT đã thành công trong việc đóng góp cho xã hội.
Và đương nhiên, người lãnh đạo khi điều hành phải có những cách thức, nghệ thuật làm sao để công ty tồn tại và phát triển. Nếu thất bại thì trách nhiệm chủ yếu rơi vào lãnh đạo mà thôi!
Nhà báo Bình Minh: Liên quan tới vấn đế sử dụng nhân lực, có người cho rằng ông Trương Gia Bình đã để lại một cái bóng quá lớn ở FPT rồi. Ông đã gặp phải khó khăn gì trong việc nắm giữ cương vị tổng giám đốc FPT thay ông Bình?
Ông Nguyễn Thành Nam: Tôi làm việc ở FPT từ ngày đầu cho nên phải khẳng định khó khăn không đến mức như độc giả nghĩ. Nếu là một người tổng giám đốc hoàn toàn mới và lạ với FPT thì quả thực sẽ rất khó khăn. Cái chính là các cương vị, lĩnh vực khác tôi đều biết con người. Nếu tôi chưa trực tiếp làm mảng đó thì mình có thể quan sát mà học...
Còn cái bóng của anh Bình thì có lẽ anh ấy phải lo hơn tôi chứ (cười). Tôi không lo lắm!
Nhà báo Bình Minh: Khi sếp và nhân viên có sự không đồng thuận, ông xử lí thế nào để không bị nói mát sau lưng rằng "sếp có bao giờ sai"?
Ông Nguyễn Thành Nam: Đôi khi tranh luận, mình quên mất mình đang là "sếp", nhưng nhân viên lại không như vậy... Cho nên dù mình hết sức thoải mái nhưng anh tôi nghĩ mình là sếp nên cho rằng mình áp đặt. Cho nên mình rút kinh nghiệm là có chỗ nào cãi nhau to hoặc mình không có ý định thì tốt nhất không đến...
Nhà báo Bình Minh: Từ khi nắm cương vị TGĐ FPT ông đã bị chỉ trích "rát mặt" chưa, nếu có thì của cấp trên hay cấp dưới?
Ông Nguyễn Thành Nam: Chỉ trích nhiều nhất là đến từ khách hàng không phải nhân viên hay sếp. Nhưng văn hóa FPT có thể khiến chuyện tranh luận rất nhiều nhưng không bao giờ đến mức rát mặt cả.
Nhà báo Bình Minh: Ông và ông Bình có kì vọng như thế nào về lộ trình đưa FPT vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới: bước tiến , mục tiêu hay các hoài bão...?
Ông Nguyễn Thành Nam: Như tôi nói ban đầu, One - FPT là lộ trình để đưa FPT và top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Mình có khát vọng nhưng không vạch ra lộ trình thì không ai tin cả. Nhưng đây là vấn đề khó. Lộ trình dự kiến là 15 năm với 3 giai đoạn từ xác định vị thế trở đi... Những mục tiêu, mốc, thước đo thì đã thống nhất cho những bước tiếp theo thì thống nhất, nhưng còn cách làm cụ thể thì còn phải bàn thảo...
Nhà báo Bình Minh: Mọi người chẳng mấy khi thấy ông đi ô tô, ông say xe, thích đi bộ cho thoáng hay không thích phong cách quan cách. Ông có thể chia sẻ điều này được không?
Ông Nguyễn Thành Nam: Nếu nói không thích đi ô tô là không đúng. Trước đây tôi thích đi xe bus vì có... máy lạnh. Còn chuyện thích đi bộ là vì người thầy dạy khí công của tôi có khuyên hãy dùng chính thời gian đi tới công ty để luyện tập. Nếu việc thể dục mạnh vào buổi sáng rồi vào ô tô để hết toát mồ hôi thì cơ thể đã phải trải qua hai lần mất cân bằng...quá trình này là hại nhiều hơn lợi.
Cho nên đi bộ như tôi vừa giúp đạt mục đích thể dục mà cơ thể vẫn cân bằng vừa có thể tới được công ty.... Sau thời gian làm như vậy, mình thấy sức khỏe tốt hơn. Thêm vào đó mình còn có thể suy nghĩ các vấn đề khi đi trên đường; rồi nhiều khi giao tiếp với các bác xe ôm cũng có thể lấy nhiều thông tin và sự cân bằng...Còn nếu sáng dậy có người đánh xe đến và mình đi thẳng thì mình không học được cái gì hết cả...
Nhà báo Bình Minh: Lãnh đạo ngành công nghệ thông tin thường hoặc đi theo kiểu lịch lãm như CEO của Orcale hoặc giản dị hay bụi bặm như Bill Gates... Ông chịu ảnh hưởng phong cách nào?
Ông Nguyễn Thành Nam: Theo tôi thì CEO của Orcale không hẳn đã theo trường phái lịch lãm. Tôi biết người này thay vì mua vé máy bay dân dụng mà lại quay sang đặt mua hẳn máy bay chiến đấu của Nga... Điều này cho thấy ông ta cũng khá "quái".
Còn những người nổi tiếng khác thì chưa gặp nên không biết. Còn quần áo thì tôi khá đơn giản thôi, mình cũng không để ý tới gu hay cái gì cả đâu. Vợ đưa cái gì thì mình mặc thôi (cười).
Nhà báo Bình Minh: Liệu ông có nên chọn một gu hay một cách ăn mặc đặc trưng nào đấy để khẳng định thương hiệu cá nhân không?
Ông Nguyễn Thành Nam: Theo mình cái này tùy thuộc mỗi tính cách... Còn đa số "dân" Toán, công nghệ như mình thì thường không hay để ý tới vấn đề ăn mặc bên ngoài. Với những người làm công việc mà phải tạo uy tín cả từ bên ngoài như "dân" tài chính chẳng hạn thì họ mới quan tâm...
Nhà báo Bình Minh: Thời gian gần đây, nhân viên FPT phát triển mạnh về số lượng, ông có thể chia sẻ làm thế nào để làm cho nhân viên với tốc độ phát triển của FPT như thế vẫn có thể tiếp tục gắn bó với công ty và có động lực cống hiến không, vì khi phát triển quá nhanh và nhiều sẽ phát sinh các hệ lụy...
Ông Nguyễn Thành Nam: Đây là bài toán tăng trưởng. .. nhưng như tôi nói khi một người nhân viên biết được anh đứng ở vị trí nào và làm đúng vị trí đó; một người Tổng giám đốc hiểu được mình đang đứng ở đâu, đang lái xe gì ở chỗ nào... thì tự nhiên mọi việc sẽ ổn. Mình phải luôn biết cái xe mình đang đi ở tốc độ nào, sợ nhất là mình không biết. Ví dụ mình biết mỗi năm một năm mình tuyển chính xác thêm bao nhiêu người thì mình cũng biết được cần phải đào tạo, rèn luyện...
Nhưng độc giả nói đúng, bài toán này FPT giải được hay không thì anh không dám chắc. Vì khi bé tốc độ tăng trưởng thì rất dễ, nhưng khi cả ngàn người vào mà tốc độ tăng trưởng lớn như vậy thì nan giải hơn nhiều...
Vừa rồi FPT quyết định xây dựng một trung tâm đào tạo lớn ở Đà Nẵng, để mình tập trung tất cả những người mới để đào tạo trước khi làm việc, qua đó mình kiểm soát được chất lượng...Bên cạnh đó mình còn có đại học FPT để mình có thể nắm được người nhân viên từ khi anh ta từ khi đi học... Không phải khi anh ta mới vào thì mình mới biết.
Với hai giải pháp này , FPT đang cố gắng bảo đảm tăng trưởng bền vững...
Theo Vef.vn