Hiện nay, phone English đã giành được thế áp đảo so với hình thức học gia sư hay học thêm tại các trường tư thục buổi tối ở “mảnh đất của học thêm” vì hình thức học này có chi phí vừa phải và cung cấp được chất lượng mà các bậc phụ huynh mong đợi.
Chị Lee Kyung-soon, 46 tuổi, có một con trai và một con gái đều đang học cấp 2. Tháng trước, sau khi cân nhắc kỹ càng, chị đã quyết định cho cậu con trai Min-ki (học lớp 9) đăng ký một lớp phone English. Hàng ngày, Min-ki học tiếng Anh qua điện thoại, mỗi tháng chỉ mất 120.000 won.
Trước đó, cậu bé Min-ki học tiếng Anh với một người bản ngữ, mỗi tháng tốn hàng trăm ngàn won. Tiền cho Min-ki học thêm tiếng Anh bao giờ cũng vượt trội so với các môn khác. Mỗi tháng, chị Lee phải chi tới 1/3 thu nhập cho việc học hành của các con. "Học tiếng Anh với gia sư thì quả là một gánh nặng”, chị Lee giải thích. Sau khi Min-ki học theo kiểu phone English được một tháng, chị Lee thấy rất hài lòng và thừa nhận đó là một quyết định khôn ngoan.
Theo Korea Times, phone English là một kiểu học tiếng Anh đã có từ lâu. Nhưng gần đây nó mới trở thành sự lựa chọn được nhiều gia đình bình dân ở Hàn Quốc ưa thích để con em họ có thể học tiếng Anh với chi phí vừa phải.
Trong dịch vụ phone English, một hãng trung gian đứng ra kết nối giữa các giáo viên tiếng Anh người bản ngữ và các học sinh. Sau đó, giáo viên từ các nước ngoài như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Philippines sẽ gọi điện thoại cho học sinh vào thời điểm nhất định.
Moon Young-ho, giám đốc marketing của hãng Times Call (chuyên cung cấp dịch vụ phone English), cho biết thị trường phone English ở Hàn Quốc phát triển mạnh trong vài năm gần đây và đặc biệt được ưa chuộng trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Với kinh nghiệm bốn năm hoạt động trong ngành phone English, ông Moon khẳng định rằng thị trường này hiện đang mở rộng với một tốc độ ghê gớm. Điểm mạnh của dịch vụ phone English là học sinh được trò chuyện trực tiếp với giáo viên đồng thời chi phí học ở mức vừa phải.
Theo giám đốc Moon, các bậc phụ huynh rất thích hình thức học tiếng Anh này vì chi phí học rẻ hơn nhiều so với việc cho con em họ học ở trường tư, trong đó chất lượng học cũng tương đương hoặc thậm chí tốt hơn vì giáo viên tiếp xúc trực tiếp với học sinh. Ngoài ra, vì việc học này diễn ra ở nhà, các bậc cha mẹ có thể quan sát quá trình học của con mình. Họ cũng có thể biết được tình hình tiến bộ của con mình khi gọi điện đến trung tâm điều hành phone English.
Ngoài những ưu điểm kể trên, phone English cũng có những mặt hạn chế. Vì giáo viên chỉ dạy học sinh qua giọng nói cho nên các hãng điều hành phone English khó kiểm soát chất lượng của giáo viên. Mặt khác, vì các giáo viên nước ngoài thường sử dụng dịch vụ điện thoại miễn phí trên mạng Internet chứ không sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hay điện thoại di động nên đường dây thường bị đứt kết nối hoặc nghẽn. Do vậy, đôi khi các học sinh không nghe thấy lời giảng của giáo viên mà mỗi buổi học chỉ vẻn vẹn trong 10 phút.
Trước các trở ngại này của phone English, một số phụ huynh xứ Hàn bắt đầu tìm một lựa chọn khác để con em họ có thể học thêm tiếng Anh với chi phí phải chăng, nhưng điều này thì không hề dễ dàng.
Xuân Vũ (Dan tri)
theo KoreaTimes